Góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường

Nhóm nghiên cứu khảo sát, đo đạc mặt cắt địa hình trên cạn phục vụ tính toán diễn biến đường bờ khu vực nghiên cứu. Ảnh: THÁI HÀ

Hội đồng KH-CN tỉnh vừa đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu các giải pháp chỉnh trị chống sa bồi luồng tàu cho các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tỉnh Phú Yên và các vùng lân cận, áp dụng cho cửa Tiên Châu”. Đây là cơ sở khoa học quan trọng trong việc định hướng quy hoạch xây dựng của tỉnh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc lập dự án đầu tư khai thác sử dụng cảng Tiên Châu, qua đó phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tình trạng bồi lấp luồng tàu diễn biến phức tạp

Trước đây, mỗi khi những cơn lũ lớn đổ về, cửa biển sẽ tự khai thông. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, cửa biển ngày càng hẹp vì lũ không về. Bên cạnh đó, kinh tế ngày càng phát triển, người dân chủ yếu đóng tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ nên việc tàu thuyền di chuyển qua cửa biển thời điểm bị cát bồi lấp, thu hẹp rất khó khăn.

Theo PGS.TS Trần Thanh Tùng, chủ nhiệm đề tài, việc khai thác sử dụng hiệu quả hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ở khu vực miền Trung theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT còn nhiều bất cập. Công tác xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa theo kịp sự phát triển đội tàu khai thác hải sản (số lượng và công suất, kích thước của tàu cá ...). Riêng PhuYến và vùng lân cận, hiện trạng bồi lấp luồng tàu của các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.

Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã khảo sát, nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế sa bồi luồng tàu của các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền ở Phú Yên và vùng lân cận, đồng thời đề xuất các giải pháp chỉnh trị chống sa bồi luồng tàu cho cảng cá Tiên Châu và quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão lạch Vạn Củi nhằm đảm bảo an toàn, cung cấp dịch vụ hậu cần cho đội tàu cá của huyện Tuy An nói riêng, Phú Yên nói chung.

Các giải pháp chỉnh trị chống sa bồi luồng tàu, cửa vào cảng Tiên Châu và quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền đã được nghiên cứu đề xuất dựa trên các cơ sở khoa học vững chắc và đã được tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như góp ý của địa phương để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, khả năng áp dụng của giải pháp vào thực tế.

Chỉnh trị thuận theo tự nhiên

PGS.TS Trần Thanh Tùng cho biết, việc chỉnh trị chống sa bồi khu vực cảng Tiên Châu căn cứ trên hướng dòng chảy chủ đạo. Với dải cát ở bờ bắc, nhóm tác giả đưa ra phương án giúp ổn định doi cát phục vụ phát triển du lịch. Mọi sự can thiệp sẽ thuận theo tự nhiên và hạn chế đến mức tối đa các tác động đến môi trường.

Theo đó, tại khu vực bờ biển phía bắc sẽ bố trí 3 tuyến mỏ hàn biển có tác dụng ngăn dòng bùn cát chuyển động dọc bờ xâm lấn vào khu vực tuyến luồng, giữ lại bùn cát trong phạm vi các bãi biển. Tại khu vực cửa Tiên Châu, bố trí tuyến đê ngăn cát, giảm sóng và hướng dòng tại bờ bắc, một phần kết nối với các mỏ hàn để ngăn dòng bùn cát dọc bờ xâm lấn vào luồng tàu, duy trì tốt nhất độ sâu chạy tàu, giảm chiều cao sóng ảnh hưởng vào tuyến luồng giao thông và bố trí để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát lũ. Đoạn bờ từ cuối kè mái nghiêng hiện hữu (kè Bình Thạnh) đến vị trí đê ngăn cát, giảm sóng, bố trí tuyến kè nối tiếp với kết cấu tương tự với tuyến kè hiện trạng, tiếp đó là tuyến kè hướng dòng dạng cọc để hướng dòng chảy lũ sông về phía cửa luồng; bố trí hệ thống cọc hướng dòng dạng cong trơn tạo điều kiện tăng cao khả năng thoát lũ ra bờ biển, hướng dòng liên kết với tuyến kè cũ.

Tại khu vực neo đậu trú tránh bão lạch Vạn Củi, nhóm tác giả bố trí 3 vùng neo đậu cho các tàu thuyền theo công suất tàu: tàu công suất dưới 90CV bố trí neo đậu độc lập từng chiếc hoặc theo từng cụm 3 tàu, dây neo vào trụ neo được đặt trên đê. Tàu công suất từ 90-200CV neo đậu thành từng cụm, bố trí dọc bờ phía bên ngoài khu nước. Tàu có công suất trên 200CV neo đậu thành cụm 3 chiếc, neo mũi và lái vào hệ trụ trên nền cọc. Bố trí tuyến luồng và nạo vét tuyến luồng tàu hai làn ra vào khu vực neo đậu và cảng cá Tiên Châu. Giải pháp chỉnh trị sẽ duy trì dòng chảy qua cửa, đảm bảo được độ sâu chạy tàu trong dài hạn, giảm được chi phí duy tu nạo vét, đồng thời giúp ổn định dải doi cát phía bắc cửa Tiên Châu. Hệ thống được đầu tư xây dựng sẽ hỗ trợ ổn định lâu dài cho khu vực luồng tàu, vũng nước trước cảng và khu neo đậu tàu thuyền lạch Vạn Củi.

Đánh giá cao kết quả thực hiện của đề tài, ThS Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên cho rằng, kết quả đề tài là cơ sở khoa học quan trọng trong việc định hướng quy hoạch xây dựng của tỉnh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc lập dự án đầu tư khai thác sử dụng cảng Tiên Châu và khu neo đậu lạch Vạn Củi. Với kết quả đó, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh đã thống nhất nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài và xếp loại xuất sắc, đồng thời đề nghị nghiệm thu đề tài ở cấp nhà nước.

Năm 2020, tại TP Tuy Hòa, Trường đại học Thủy lợi phối hợp Sở KH-CN Phú Yên tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý và chuyên gia về các giải pháp chỉnh trị chống sa bồi cửa Tiên Châu và khu neo đậu tàu thuyền lạch Vạn Củi. Tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý bổ sung cho giải pháp chỉnh trị, chống sa bồi nhằm đảm bảo thoát lũ an toàn, phân bố luồng tàu cho cảng cá Tiên Châu và khu neo đậu tàu thuyền, ổn định bờ biển và môi trường khu vực lân cận.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/266358/gop-phan-phat-trien-kinh-te-bao-ve-moi-truong.html