Góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh(*)

Sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”.

Tạp chí Tuyên giáo trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ươngtại Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”, do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 25/4/2024tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, khi chúng ta đang long trọng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, 80 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi trân trọng gửi tới các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ lời chúc mừng nồng nhiệt nhất!

Có lẽ, hiếm có dân tộc nào trên thế giới này đã anh dũng, kiên cường vượt qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như dân tộc Việt Nam. Quá trình phát triển, hiện đại hóa nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ XX gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, chống xâm lấn, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất cha ông để lại. Đặc điểm lịch sử đó đã ghi dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong văn học, nghệ thuật nước nhà. Trong đó, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã được phản ánh một cách đậm nét và sâu sắc. Hiện thực cách mạng hào hùng của dân tộc, những chiến công to lớn của lực lượng vũ trang, hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác văn học, nghệ thuật. Người chiến sĩ lực lượng vũ trang không những là hình tượng, nhân vật sáng tạo của văn học, nghệ thuật mà còn là lực lượng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị phục vụ cho cách mạng, cho nhân dân.

Trong gần 80 năm qua, nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước ta luôn đồng hành với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh vẻ vang và trách nhiệm to lớn của văn hóa, nghệ thuật: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”(1).

Để thực hiện sứ mệnh vẻ vang đó, hàng ngàn văn nghệ sĩ cả nước đã đi vào cuộc sống kháng chiến, kiến quốc, có mặt trên khắp mọi nẻo đường cách mạng để sáng tạo, trình diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật… phục vụ kịp thời các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hiện thực cuộc sống kháng chiến với nhân vật trung tâm là người chiến sĩ cách mạng, đề tài trung tâm là chiến tranh cách mạng đã được văn học, nghệ thuật phản ánh một cách chân thực, sinh động; trở thành biểu tượng của sức mạnh dân tộc, trí tuệ của thời đại và lương tâm của loài người.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau “lớp cha trước, lớp con sau”; “lớp anh trước, lớp em sau” đi qua các cuộc kháng chiến, kiến quốc đã tạo nên đội quân văn nghệ thật hùng hậu với những phong cách sáng tạo độc đáo, để lại cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, ghi dấu những tên tuổi đáng tự hào như Tố Hữu, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Quang Dũng, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Tài Tuệ, Phạm Tuyên, Huy Du, Trọng Bằng, Lưu Hữu Phước, Huy Thục, Anh Đức, Phan Tứ, Lê Anh Xuân, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh…

Sau ngày đất nước thống nhất, đội quân văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục có mặt trên mọi miền đất nước, đến với nhân dân và chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo xa xôi để viết tiếp về cuộc chiến đấu kiên cường, bền bỉ bảo vệ chủ quyền dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hiện thực đời sống trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam đất nước vẫn được nhiều văn nghệ sĩ tiếp tục phản ánh với cách nhìn mới, đa diện hơn, giàu tính nhân bản hơn. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong giai đoạn này không những ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà còn quan tâm đến thân phận con người, những mất mát, hy sinh để chúng ta có được những vinh quang chiến thắng hôm nay. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật ấy góp phần lưu giữ, tôn vinh những người anh hùng dân tộc, tri ân những liệt sĩ và bảo tồn truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hôm nay, sau gần 80 năm nhìn lại, chúng ta có thể tự hào nói rằng, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Quang cảnh Hội thảo.

Đất nước ta đang bước vào vận hội mới; trong tình hình quốc tế và trong nước dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(2).

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó văn nghệ sĩ Việt Nam đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Bằng sáng tạo văn học, nghệ thuật và thông qua sáng tạo văn học, nghệ thuật của mình, các văn nghệ sĩ là những người ươm trồng những hạt giống của cái đẹp, lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam.

Trong mỗi giai đoạn của lịch sử, từng thế hệ văn nghệ sĩ sẽ có sứ mệnh và nhiệm vụ của riêng mình. Đổi mới tư duy sáng tạo là quy luật bất biến, là đòi hỏi tất yếu của mỗi văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, hành trình tìm tòi, đổi mới nghiêm túc, đích thực, bao giờ cũng hướng đến chiếm lĩnh, khám phá và biểu hiện đầy đủ, toàn diện, sinh động và sâu sắc hiện thực cuộc sống và con người. Truyền thống “văn nghệ sĩ - chiến sĩ” đã được hun đúc nên từ trong lửa đạn chiến tranh và những thử thách khắc nghiệt trong những bước ngoặt lịch sử của dân tộc là vô cùng quý báu và cần tiếp tục được gìn giữ, phát huy.

Tôi tha thiết mong rằng, các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải “lĩnh ấn tiên phong”, là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển. Các văn nghệ sĩ hôm nay phải cống hiến hết mình để vun đắp các giá trị cao đẹp, chúng ta nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Để phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, cần quán triệt sâu sắc vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hóa, nghệ thuật là một hình thái tư tưởng, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa xã hội. Văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh tế và nhạy cảm của văn hóa, có khả năng tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của con người. Chiến tranh cách mạng không chỉ là câu chuyện quá khứ mà còn là câu chuyện của hiện tại và tương lai, là vấn đề số phận của cộng đồng dân tộc. Vì vậy cần quán triệt sâu sắc và có những chủ trương chính sách phát triển văn học, nghệ thuật trong các lực lượng vũ trang, phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, cần phát huyhiệu quả của văn học nghệ thuậttrong việc xây dựng tinh thần, bản lĩnh,nhân cách người chiến sĩ quân đội nhân dân, người chiến sĩ công an nhân dân.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật là của con người, vì con người, phát triển những phẩm chất và năng lực tốt đẹp của con người. Trong môi trường lực lượng vũ trang việc xây dựng con người càng quan trọng. Chúng ta cần phải phát huy hơn nữa vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng người chiến sĩ có phẩm chất và năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hình tượng người chiến sĩ trong thời đại mới cần được tiếp tục xây dựng một cách chân thực và sinh động, trở thành một trong những nhân vật trung tâm của nền văn học, nghệ thuật nước ta hiện nay.

Thứ ba, bằng hoạt động văn học nghệ thuật, cần phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chúng ta cần có nhiều hơn những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người tích cực trong thời đại chúng ta. Văn học, nghệ thuật cần góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng tình cảm quân dân thân thiết vững bền, làm cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Trong cơ chế trị trường với sự biến động không ngừng của thị hiếu thẩm mĩ công chúng, những tác phẩm viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không dễ cạnh tranh với nghệ thuật giải trí. Vì vậy, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao về mảng đề tài này.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta trong suốt 80 năm qua là coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hôm nay là công việc có nghĩa thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo về Tổ quốc trong tình hình mới./.

TCTG

________________

(*) Đầu đề do Tạp chí Tuyên giáo đặt.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011,t.7, tr.246.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.110.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/gop-phan-lam-phong-phu-va-rang-ro-nen-van-hoc-viet-nam-thoi-dai-ho-chi-minh-153974