Góp phần khơi dậy khát vọng hoàn lương

Tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện giúp phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc có thêm niềm tin, ý chí vươn lên, cải tạo tiến bộ, sớm trở thành người có ích cho xã hội… là việc mà các cấp bộ Đoàn đã và đang thực hiện trong thời gian qua.

Các phạm nhân Phân trại số 4, Trại giam Xuân Lộc đọc sách tại công trình Tủ sách thanh niên

Các phạm nhân Phân trại số 4, Trại giam Xuân Lộc đọc sách tại công trình Tủ sách thanh niên

Các hoạt động được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú như: giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; diễn đàn định hướng lối sống đẹp; định hướng nghề nghiệp, việc làm; tư vấn pháp luật, chăm sóc sức khỏe… cho thanh niên.

Quan tâm giáo dục, cải tạo phạm nhân, học viên

Chia sẻ tại hành trình thắp sáng niềm tin diễn ra tại Phân trại 4, Trại giam Xuân Lộc mới đây, đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc (C10, Bộ Công an) cho biết, công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân là một quá trình diễn ra trong suốt thời gian phạm nhân chấp hành án giúp họ nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và nỗ lực rèn luyện, học tập, lao động, cải tạo để trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Theo chia sẻ của đại tá NGUYỄN VĂN TUẤN, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, người phạm tội trong độ tuổi thanh niên có xu hướng tăng lên. Do đó, công tác giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên cần được quan tâm và có sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội.

Để công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên đạt hiệu quả, từ năm 2011, Bộ Công an và Hội LHTN Việt Nam đã ký kế hoạch phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện kế hoạch phối hợp của Bộ Công an và Hội LHTN Việt Nam, Trại giam Xuân Lộc, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân đang chấp hành án tại các phân trại trên địa bàn tỉnh.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hiếu Trung cho hay, hàng năm, các cấp bộ Đoàn, Hội trong tỉnh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động dành cho thanh niên đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, học viên đang điều trị tại cơ sở điều trị nghiện ma túy, thiếu niên tại trường giáo dưỡng, thanh niên hoàn lương…

Trong năm 2023, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hành trình thắp sáng niềm tin cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Phân trại số 4, Trại giam Xuân Lộc; học viên điều trị nghiện ma túy tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh; học viên tại Trường Giáo dưỡng số 4… Tại đây, các phạm nhân, học viên trong độ tuổi thanh niên, thiếu niên đã được tham gia các trò chơi có thưởng, giao lưu văn nghệ; được tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tác hại của ma túy và HIV/AIDS; tư vấn, giáo dục sức khỏe cho phạm nhân, học viên trong độ tuổi thanh niên, thiếu niên…

Bằng việc trao tặng công trình Tủ sách yêu thương, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh và đơn vị đồng hành cũng đã trao cơ hội cho các phạm nhân được tiếp cận tri thức, kiến thức pháp luật. Đáng chú ý, phạm nhân, học viên còn được các chuyên gia chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, giúp họ có thêm niềm tin, động lực cải tạo tốt; đồng thời, chuyên gia cũng định hướng, giúp cho các phạm nhân, học viên có định hướng về nghề nghiệp, việc làm sau khi hoàn thành thời gian chấp hành án, thời gian điều trị.

Khơi dậy khát vọng hoàn lương

Theo đánh giá của đại tá Nguyễn Văn Tuấn, với sự quan tâm giáo dục, cải tạo phạm nhân của cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có tổ chức Đoàn, Hội đã giúp phạm nhân trong độ tuổi thanh niên nhận ra những sai phạm, lỗi lầm của mình, quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Hơn một nửa thời gian chấp hành án đã đi qua nhưng anh T.C.D., ở Phân trại số 4, Trại giam Xuân Lộc vẫn không tin bản thân mình có ngày trở thành phạm nhân. Anh C.D. kể, rời vùng quê nghèo miền Tây lên Đồng Nai làm công nhân, điều anh mong muốn là chăm chỉ làm việc, kiếm thu nhập lo cho bản thân, có thêm chút đỉnh gửi về phụ giúp gia đình. Năm 2020, trong một lần đi ăn tiệc, anh có ẩu đả với một thanh niên khác. Trong lúc không kiềm chế được cảm xúc, anh đã phạm tội cố ý gây thương tích và bị kết án 3,5 năm tù giam.

Từ khi bị bắt, anh luôn nghĩ làm thế nào để bản thân có thể vượt qua được mặc cảm, tự ti khi trở về; bản thân anh sẽ phải bắt đầu lại từ đầu trong hành trình hoàn lương… Sau một thời gian ở trong Trại tạm giam Công an tỉnh, năm 2022, anh C.D. được đưa về Phân trại 4, Trại giam Xuân Lộc. Tại các nơi giam giữ, anh được các giám thị động viên, định hướng cải tạo tốt, chăm chỉ học nghề để sau này ra đời có thể kiếm sống bằng chính đôi bàn tay của mình. Tại hành trình thắp sáng niềm tin, được nghe TS tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM chia sẻ về những câu chuyện cuộc sống, hành trình đứng lên sau vấp ngã của một số người thành công đã giúp anh có thêm niềm tin, động lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật mà P.V.P., cùng ở Phân trại 4, Trại giam Xuân Lộc, đã phải trả giá bằng bản án 4 năm tù giam. Phạm nhân P. cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở Q.7, TP.HCM nhưng làm việc ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong thời gian làm việc tại đây, P. có quan hệ tình cảm với một người chưa đủ tuổi thành niên, bị gia đình cô gái kiện và bị bắt. Từ sự việc của bản thân và thời gian chấp hành án tại trại giam, anh cho rằng mỗi người trẻ hãy tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật nhất định để có thể bảo vệ bản thân khỏi cạm bẫy xung quanh, để những năm tháng tuổi trẻ không hoài phí.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202304/gop-phan-khoi-day-khat-vong-hoan-luong-3163153/