Gói tín dụng ưu đãi 20-30 ngàn tỉ cho ngành công nghiệp văn hóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị dành gói tín dụng ưu đãi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 22-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành CNVH Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: VGP

Công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu kinh tế chung

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ: Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả của hàng ngàn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Văn hóa là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển.

Theo Thủ tướng, CNVH là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo cả vật thể hoặc phi vật thể. Nguồn lợi kinh tế mang lại từ ngành công nghiệp này được tạo ra từ việc khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội.

Ngành CNVH đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Cụ thể, đóng góp của ngành này năm 2021 đạt 3,92% GDP. Năm 2022 tăng lên 4,04% GDP.

Các sản phẩm CNVH trên các lĩnh vực (âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…) ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Trong đó, nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều di sản văn hóa được khai thác có hiệu quả; nhiều ca sĩ Việt đạt hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube hay được yêu thích trên các nền tảng số khác trong và ngoài nước…

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển CNVH. Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH tăng khá cao ở mức 7,2%/năm (hiện có trên 70.000 cơ sở kinh tế). Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm. Hiện thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế.

Thủ tướng nhận định với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành CNVH dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

“Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Cụ thể, năm 2021 đạt 3,92% GDP, năm 2022 tăng lên 4,04% GDP.”

Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Thủ tướng nhận định so với một số ngành khác thì các ngành CNVH nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là từ thể chế, cơ chế, chính sách phát triển CNVH chưa theo kịp thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc CNVH chưa hiệu quả (như việc xử lý các vấn đề sao chép, vi phạm bản quyền...).

Nguồn lực đầu tư cho CNVH chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước, phương thức đối tác công tư chưa đạt yêu cầu.

Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực CNVH còn hạn chế. Cụ thể là thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện “lệch chuẩn”. Văn hóa dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, dịch bệnh…

Nguồn nhân lực trong các ngành CNVH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng; thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp.

Sau khi chỉ ra nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm cũng như tiềm năng to lớn của ngành CNVH, Thủ tướng cũng chỉ rõ các quan điểm để phát triển ngành công nghiệp này. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng) để phát triển ngành này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT&DL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan. Trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành CNVH.•

6 quan điểm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

1. Phát triển CNVH phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa.

2. Phát triển CNVH phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. CNVH phải được tiếp cận bình đẳng với các ngành công nghiệp khác về tiếp cận vốn, đất đai, thuế và các ưu đãi khác.

3. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm CNVH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao.

4. Phát triển CNVH phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

5. Các sản phẩm, dịch vụ CNVH phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố “Sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - lành mạnh - cạnh tranh - bền vững”, trên nền tảng “Dân tộc - khoa học - đại chúng” theo Đề cương văn hóa Việt Nam (1943).

6. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/goi-tin-dung-uu-dai-20-30-ngan-ti-cho-nganh-cong-nghiep-van-hoa-post768197.html