'Góc phố' bên sông Xanh

Trên vùng đất Tả Gia Khâu (Mường Khương) khô cằn nắng hạn, cách ngã ba sông Xanh không xa có một 'góc phố' đặc biệt, 'mọc' lên giữa đại ngàn, nép mình bên khu rừng cấm linh thiêng. Ở đó có một tộc người sinh sống lâu đời, bằng sự nỗ lực và khao khát vươn lên, họ đã và đang phác lên một dáng hình mới đầy sức sống cho dải đất vốn cằn khô, khắc nghiệt.

“Góc phố” bên rừng thiêng.

“Góc phố” bên rừng thiêng.

Gìn giữ rừng thiêng

Con đường bê tông phẳng lỳ chạy giữa núi đồi quanh co dẫn lối đưa chúng tôi về xóm nhỏ của người Thu Lao ở Thải Giàng Sán. Người Thu Lao nơi đây bao năm gắn liền với tên thôn La Hờ, đến năm 2019, sau khi sáp nhập, họ trở thành một phần cộng đồng dân cư của thôn Thải Giàng Sán. Hiện cả thôn có 103 hộ, trong đó người Thu Lao có 90 hộ, cùng chung sống với đồng bào các dân tộc Mông, Tu Dí và Phù Lá.

Dù mới đi giữa vạt nắng chói chang của mùa hạ, nhưng chỉ cần đến xóm nhỏ này, cái mệt vơi đi quá nửa, bởi cánh rừng nguyên sinh kế bên như “máy điều hòa” khổng lồ của thiên nhiên phả luồng gió mát. Đó là cánh rừng thiêng lớn nhất, lâu đời nhất của xã Tả Gia Khâu, là niềm tự hào và linh thiêng mà người Thu Lao nơi đây bao đời gìn giữ.

Vừa kể cho chúng tôi về việc tham gia lễ cúng rừng dịp giữa năm, vào ngày 30/5 âm lịch, ông Tải Dung Mìn nhớ lại: Theo bậc tiền bối, rừng thiêng là nơi trú ngụ của thần linh, chở che, phù hộ và bảo vệ cho bản làng bình yên, người người mạnh khỏe, nhà nhà no ấm, vạn vật sinh sôi, phát triển. Mỗi năm người Thu Lao tổ chức 2 lần cúng rừng, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng và ngày cuối cùng của tháng 5 âm lịch.

Trước ngày làm lễ, trưởng thôn tập trung các hộ Thu Lao trong thôn để họp bàn, tính toán các khoản lễ vật cần thiết, đóng góp của các hộ và phân công công việc cho các thành viên. Vào ngày chính lễ, các vật phẩm được chuẩn bị đầy đủ, tươm tất. Mỗi dịp cúng rừng, đàn lễ lần lượt đặt tại hai gốc cây cổ thụ trong rừng, được ví như “cây mẹ”, “cây bố”. Lễ cúng rừng dịp mùa xuân được làm ở gốc “cây mẹ”. Lễ cúng rừng dịp mùa hạ được thực hiện ở gốc “cây bố’. Tại đây, thầy cúng và các thành viên tham gia thực hiện các nghi thức để thần linh chứng giám lòng thành, phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hòa thuận. Sau nghi lễ cúng rừng là 2 - 3 ngày cấm bản. Trong khoảng thời gian này, các gia đình cùng nghỉ ngơi, vui chơi trước khi bắt tay vào một kỳ lao động mới.

Bao năm qua, người Thu Lao chưa có trường hợp nào vi phạm những điều cấm ở rừng thiêng. Trong rừng, những loài gỗ quý hiếm như nghiến, lát, đinh vẫn được gìn giữ. Sự việc từng xảy ra ở chốn này đều xuất phát từ những người nơi khác đến, như chuyện một nhóm người ở địa phương khác vào rừng lấy hoa phong lan hồi năm 2018, đúng thời gian cấm và được kịp thời phát hiện, một lễ cúng được thực hiện ngay sau đó. Để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra, người Thu Lao đã thống nhất làm hàng rào quây quanh mặt rừng giáp đường đi lại.

Trưởng thôn Hồ Seo Củi nói với chúng tôi rằng, lễ cúng rừng là nghi thức thiêng liêng, ăn sâu vào nhận thức của bao thế hệ đồng bào Thu Lao và được gìn giữ tới nay. Dù đã có một số thay đổi để phù hợp với cuộc sống như người dân khi đi làm xa có thể đóng góp và cử con tham gia, thời gian cấm bản được rút ngắn hơn trước, nhưng những thủ tục và ý nghĩa của lễ cúng rừng vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó không chỉ là nét đẹp trong “tín ngưỡng sơn thần”, là tri thức bản địa mà cộng đồng chốn này tạo lập, vun bồi qua bao thế hệ, đó còn là lời thề son sắt của những người con Thu Lao để rừng thiêng xanh mãi. Giá trị văn hóa độc đáo được gửi gắm và trao truyền trong cộng đồng đã góp phần đưa lễ cúng rừng của người Thu Lao vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Buồn vui “góc phố” giữa rừng

Dạo một vòng quanh thôn La Hờ xưa, chúng tôi cố gắng tìm một vị trí cao để ngắm toàn cảnh nơi ở của đồng bào Thu Lao. Từ tầng 3 của ngôi nhà xây khang trang như ngoài phố, phóng tầm mắt ra xung quanh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hiện ra trước mắt là khung cảnh một “góc phố” trong thôn, nằm nép bên cánh rừng thiêng xanh mát. Nói là “góc phố” bởi sự xuất hiện của hàng chục ngôi nhà cao tầng khang trang như phố thị.

Trò chuyện với chị Tải Khén Sìn, chủ ngôi nhà xây 3 tầng, chị bảo trước đây trong thôn chủ yếu là nhà đất, ở chật chội và bất tiện, nên các hộ muốn xây ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang. “Mấy năm trước, vợ chồng tôi đi làm thuê và tích cóp được một khoản tiền. Năm 2020, gia đình bán 7 con trâu, cộng với khoản tiền có được nhờ đi làm thuê để xây ngôi nhà này với kinh phí hơn 600 triệu đồng” - chị Sìn khoe.

Thật bất ngờ vì chị Sìn năm nay mới 26 tuổi, còn chồng chị 28 tuổi.

Người dân Thải Giàng Sán thu hoạch ngô.

Người dân Thải Giàng Sán thu hoạch ngô.

Không chỉ gia đình chị Tải Khén Sìn, trong xóm Thu Lao còn nhiều ngôi nhà như vậy của các hộ Thèn Sào Phìn, Tải Sín Sài, Cáo Seo Khờ, Hồ Si Hòa… Không vui sao được khi đồng bào Thu Lao ở đây có cuộc sống ấm no hơn, văn minh hơn. Sự đổi thay này đến từ nguồn thu nhập của người dân đi làm xa vài năm trước và thành quả trong xây dựng nông thôn mới, người Thu Lao đã vẽ nên một sắc vóc mới cho miền quê này.

Vui vì những đổi thay ở “góc phố” giữa rừng nhưng chúng tôi cũng không khỏi trăn trở. Người Thu Lao là tộc người giàu bản sắc văn hóa, thể hiện qua kiến trúc nhà ở, trang phục và sinh hoạt đời sống. Cuộc sống thay đổi, giờ đây trong thôn chỉ còn một số ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói âm dương lọt thỏm bên những ngôi nhà cao tầng. Chị Tải Khén Sìn cho biết thêm: Xây xong ngôi nhà mới, cuộc sống của gia đình tôi lại thêm khó khăn. Lý do vì từ khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng không đi làm thuê được nữa nên thu nhập bấp bênh. Các hộ khác trong thôn cũng vậy.

Thực tế cho thấy nhiều bất cập khi những người trong độ tuổi lao động ở Thải Giàng Sán thường xuyên đi làm xa, để lại những căn nhà chỉ có người già và đám trẻ. Hiện nay, khi công việc làm thuê bị ảnh hưởng thì những mô hình kinh tế ở đây chưa có nhiều nét mới và đảm bảo sinh kế bền vững tại chỗ cho bà con. Đây là những thách thức không nhỏ để người Thu Lao ở chốn này thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong những trăn trở về nhịp sống mới, Trưởng thôn Hồ Seo Củi bảo, điều lo lắng nhất là việc gìn giữ bản sắc văn hóa, không để mai một theo thời gian. Gần như giờ đây chỉ những người già trong thôn mới mặc trang phục truyền thống. Nét đẹp văn hóa ấy chỉ còn xuất hiện trong những dịp lễ, tết mà thôi. Bởi vậy, trong thời gian tới, thôn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền gìn giữ sắc màu văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Không chỉ gìn giữ cánh rừng thiêng, người Thu Lao nơi này sẽ phải tiếp tục khơi dậy và trao truyền tình yêu, lòng tự hào về tiếng nói, trang phục của dân tộc mình trong mỗi nếp nhà, qua từng thế hệ, để những giá trị ấy sống mãi với thời gian…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359442-goc-pho-ben-song-xanh