Góc nhìn nghị trường: Có nên bắt buộc ô tô, xe máy gắn thiết bị giám sát hành trình?

Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, dự thảo luật yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình là không khả thi và lãng phí.

Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong nhân dân là một trong những mục tiêu của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, dự thảo luật yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình là không khả thi và lãng phí. Do đó, phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về đề xuất này.

 Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô

Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho biết, tính đến tháng 6-2023, cả nước có hơn 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu dự thảo luật này được Quốc hội thông qua, sẽ có hàng chục triệu mô tô, xe máy bắt buộc phải gắn các thiết bị giám sát hành trình, việc này khó bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, việc lắp các thiết bị này sẽ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đại biểu thông tin, hiện nay vẫn chưa có nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình. Tại nhiều quốc gia phát triển, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh sự trong sạch, thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt.

Tương tự, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Quy định xe cơ giới, xe máy tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe... có vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân hay không? Và trong bối cảnh, điều kiện nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, liệu có tính khả thi trong thực tế, đặc biệt là với các hộ nghèo, cận nghèo?

Trên thực tế, hiện nay, dù không có quy định bắt buộc nhưng rất nhiều chủ xe ô tô cá nhân, xe gắn máy đã lắp đặt camera hành trình dùng để hỗ trợ quan sát khi di chuyển, lưu lại hình ảnh di chuyển trên các cung đường. Nhờ có dữ liệu hình ảnh từ camera hành trình cung cấp, nhiều trường hợp tranh cãi khi tham gia giao thông đã được giải quyết mà không cần nhờ đến sự phân giải của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, việc lắp đặt này là do nhu cầu và tính tự giác của chủ xe.

Nếu quy định toàn bộ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi hiện nay, số lượng mô tô, xe máy đang lưu thông ở nước ta quá lớn nên quy định có phạm vi tác động rộng. Không chỉ đại biểu Quốc hội mà nhiều ý kiến trong xã hội lo ngại việc yêu cầu lắp các thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe không chỉ ảnh hưởng tới quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của người dân mà còn tạo gánh nặng kinh tế cho một bộ phận không nhỏ người dân.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành. Đối với xe ô tô cá nhân, mô tô, xe máy nên quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình.

NAM TRỰC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-co-nen-bat-buoc-o-to-xe-may-gan-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-753123