GÓC NHÌN: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP CẦN THÊM NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Việc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 nhằm góp phần đưa ra những giải pháp đột phá hơn trong quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của của các đơn vị này trong thời gian tới. Cổng TTĐTQH trân trọng giới thiệu bài viết về nội dung này của ĐBQH Tráng A Dương - Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về tổ chức thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Có thể kể đến đó là Kết luận số 37-TB/TW, ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã xác định “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này”. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục chỉ rõ: “Hoàn thiện thể chế, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã đề ra các nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL của từng ngành, lĩnh vực. Đặc biệt ngày 27/7/2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 833/2023/UBTVQH15 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, trong đó có nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Có thể nói, các ĐVSNCL có vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và xã hội. Chất lượng dịch vụ công, trong đó có dịch vụ sự nghiệp là hình ảnh của Nhà nước trước nhân dân, là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Chính vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” với mục tiêu đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Việc giám sát cũng góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Với những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương, việc đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2020, các đầu mối ĐV SNCL của các Bộ, ngành, địa phương có 47.984 đơn vị (chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước); các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm 4.963 đơn vị; đơn vị trực thuộc địa phương giảm 4.860 đơn vị. Số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của ĐVSNCL ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm 7.386 người. Đến hết năm 2021, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%.

Tổng số ĐVSNCL của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 47.984.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017-2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng, cả hệ thống chính trị đến hết năm 2021 đã giảm 262.000 biên chế, tương đương hơn 20% so với năm 2015. Lần đầu tiên bộ máy không bị phình ra sau khi thực hiện tinh giản. Trong lĩnh vực Giáo dục giai đoạn 2011-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 8 đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Đến năm 2022, Bộ có 26 đơn vị tự chủ tài chính, trong số 109 đơn vị sự nghiệp GDĐT công lập và đơn vị sự nghiệp KHCN công lập, đạt tỷ lệ 23,9% số đơn vị tự chủ tài chính so với mục tiêu tại Nghị quyết 19 là có 10% đơn vị tự chủ tài chính.

Trong lĩnh vực Y tế với tổng số các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế hiện nay là 81 đơn vị (giảm 02 đơn vị so với năm 2019) gồm: 34 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và Viện có gường bệnh; 11 viện thuộc khối y tế dự phòng; 11 trường đại học, học viện; 02 trường cao đẳng; 08 viện giám định, kiểm định, kiểm nghiệm; 04 viện về trang thiết bị y tế, dược, vắc xin và sinh phẩm y tế; 01 Viện Chiến lược và chính sách y tế; 05 trung tâm giám định pháp y tâm thần; 01 Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương; 01 Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể người; 01 Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia; 01 Báo Sức khỏe và Đời sống; 01 tạp chí; 01 Ban quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế.

Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quẩn cả nước 10% ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, thách thức, nhất là trong việc tổ chức lại và đổi mới cơ chế, chính sách cụ thể là:

Việc đổi mới hệ thống tổ chức các ĐVSNCL còn chậm, công tác quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng, miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống các ĐVSNCL còn cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún, quá nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn; hoạt động hiệu quả thấp, thậm chí một số đơn vị thua lỗ, thất thoát, lãng phí,... Việc thành lập đơn vị mới, tuyển dụng, đề bạt cán bộ còn tùy tiện; đầu tư phân tán, kém hiệu quả; tỷ trọng chi thường xuyên cho lĩnh vực SNC trong tổng chi thường xuyên NSNN còn cao.

Hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ĐVSNCL chưa cao, chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của ĐVSNCL. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn trực tiếp quản lý quá nhiều ĐVSNCL; việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá hoạt động của ĐVSNCL còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp thứ nhất Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.

Văn bản quy phạm pháp luật về ĐVSNCL chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung; việc phân công, phân cấp thành lập và quyết định biên chế chưa hợp lý, đây là nguyên nhân làm tăng nhanh đầu mối và biên chế hưởng lương từ NSNN.

Chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Việc thu hút nhân tài vào làm việc trong ĐVSNCL còn hạn chế và chưa tương xứng.

Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập; các dịch vụ công được NSNN bảo đảm kinh phí còn rất rộng, việc triển khai lộ trình tính đủ chi phí trong giá dịch vụ SNC còn khó khăn; cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và theo biên chế; đầu tư phân tán, dàn trải chưa gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc sử dụng tài sản công còn phân tán, lãng phí, hiệu quả thấp.

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xã hội hóa trong các ĐVSNCL còn hạn chế và thiếu bền vững; công tác quản lý nhà nước về xã hội hóa dịch vụ SNC của một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự sát sao, còn lúng túng, kém hiệu quả; vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để lạm thu; hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác công - tư còn thiếu minh bạch.

Việc thực hiện Nghị quyết số 833/2023/UBTVQH15 ngày 27/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 20243 với giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023 trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết đối với việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ nghiên cứu thực trạng của việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua, với nghiên cứ này xin đề xuất một số kiến nghị, giải pháp trong công tác đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động các ĐVSNCL như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến tự chủ tài chính, tạo cơ sở pháp lý cho các ĐVSNCL đẩy mạnh triển khai chuyển đổi nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa đối với các ĐVSNCL của từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng chuyển đổi các đơn vị này sang hoạt động theo hình thức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động hoặc vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp.

Thứ hai: Nhất quán chủ trương, trên cơ sở ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ĐVSNCL chuyển đổi cơ chế hoạt động thông qua tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...

Thứ ba: Thường xuyên thực hiện việc rà soát về tổ chức bộ máy, xem xét lại chức năng, nhiệm vụ, định biên của từng ĐVSNCL để có chủ trương kiện toàn củng cố các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ tư: Cần chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động cho phù hợp với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ năm: Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình chuyển đổi của các ĐVSNCL, từ đó kịp thời phát hiện, điều chỉnh những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn triển khai cơ chế, chính sách.

Như vậy, với vị trí, vai trò của các ĐVSNCL, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay, Đảng và Nhà nước cụ thể hóa việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập bằng nhiều chính sách cụ thể. Đây là hướng đi quan trọng đối với quá trình đổi mới, tinh gọn, hiệu quả về tổ chức quản lý và hoạt động của các ĐVSNCL. Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và cả hệ thống chính trị với tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm của tập thể, cá nhân ở các ĐVSNCL./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85018