Góc nhìn: Khi chứng khoán không dành cho tay mơ

Không ai nói hay được trên thị trường chứng khoán, nhưng nếu nhìn vào diễn biến thị trường suốt từ đầu năm 2022 đến nay, rõ ràng chứng khoán không dành cho những tay mơ.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đúng một năm trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào loạt phiên giao dịch khá tiêu cực và kết quả là VN-Index thủng mốc 1.000 điểm.

Nhìn lại, nếu như phiên 19/10/2022 và 20/10/2022, chỉ số VN-Index chỉ giảm lần lượt 3,59 điểm và 1,62 điểm thì 2 phiên tiếp theo lại là ác mộng với nhà đầu tư. VN-Index đã giảm tới 33,63 điểm (tương đương 3,65%) xuống 1.019,82 điểm trong phiên 21/10/2022; tiếp tục giảm 33,67 điểm (tương đương 3,3%) xuống 986,15 điểm trong phiên 24/10/2022.

Nay, cũng sau 4 phiên giảm liên tiếp, VN-Index thủng mốc 1.100 điểm trong phiên 19/10/2023. Chỉ sau chưa đầy một tháng rưỡi, chỉ số này rơi khoảng 150 điểm, lấy đi thành quả suốt từ đầu năm của nhiều nhà đầu tư, trong khi không ít nhà đầu tư khác thậm chí còn lỗ nặng chứ không chỉ là mất lãi. Bởi như giới đầu tư vẫn ví von chuyện “lùa gà”, nhà đầu tư thường thất bại vì “say máu”, càng lãi càng đổ nhiều tiền vào thị trường và kết quả cuối cùng là bị “vặt sạch” sau những đợt giảm sâu.

Không ai nói hay được trên thị trường chứng khoán, nhưng nếu nhìn vào diễn biến thị trường suốt từ đầu năm 2022 đến nay, rõ ràng chứng khoán không dành cho những “tay mơ”.

Những năm trước đây, các nhà đầu tư nếu căn cứ vào mức định giá của thị trường, triển vọng kinh tế vĩ mô, cộng với chiến lược phân bổ tài sản hợp lý, đầu tư có chọn lọc thì khá “rộng cửa” thu về kết quả tích cực. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, ngày càng nhiều tình huống nằm ngoài tầm với của không chỉ các nhà đầu tư F0 mà còn đối với cả các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm nhưng ít cập nhật về những “góc tối” trên thị trường tài chính - chứng khoán.

Năm 2022, sau sự kiện bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, ít ai mường tượng rằng thị trường trái phiếu sẽ rơi vào khủng hoảng và kể cả có mường tượng về điều đó thì cũng rất ít người cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực một cách nhanh chóng và mạnh mẽ đến thị trường cổ phiếu như thế. “Tiền lớn” ồ ạt rút khỏi thị trường đẩy cổ phiếu rơi xuống vực, VN-Index rớt từ mốc 1.500 điểm, xuyên thủng mốc 1.300 điểm, rồi 1.000 điểm.

Quá trình sụt giảm của thị trường cổ phiếu thời kỳ này liên quan mật thiết đến khủng hoảng trên thị trường trái phiếu. Tháng 10/2022, như giọt nước tràn ly, sự kiện bắt Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng do liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã không chỉ khiến thị trường cổ phiếu chao đảo mà ngành ngân hàng cũng lao đao, áp lực thanh khoản ngân hàng trong nước cộng thêm áp lực tỷ giá từ bên ngoài đã khiến Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành khá mạnh và đột ngột.

Trước áp lực dồn dập từ nhiều phía, tháng 11/2022 xuất hiện làn sóng bán giải chấp cổ phiếu rất lớn và điểm đặc biệt là không chỉ đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ mà cả những doanh nhân lừng lẫy cũng chịu chung cảnh “bị vét đến những đồng tiền cuối cùng”.

Lúc này, giới đầu tư mới nhận ra sự chằng chịt trong mạng lưới huy động - đầu tư của các doanh nghiệp, doanh nhân, từ huy động tiền qua trái phiếu doanh nghiệp, neo giá cổ phiếu để làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, vay margin từ các công ty chứng khoán không chỉ để đầu tư mà còn để “rút sức mua”... Đến khi dòng tiền bị kẹt ở một vài mắt xích, vòng xoáy thanh khoản đưa cổ phiếu xuống đáy.

Trong đợt sụt giảm gần đây, giới đầu tư nhốn nháo với các thông tin chưa kiểm chứng lan truyền về việc các “kho” bán tháo cổ phiếu vì sợ bị thanh tra hoặc/và vì nhiều cổ phiếu giảm sốc nên phải bán tháo để quản trị rủi ro.

Thực tế là thị trường tồn tại các “kho” chuyên cho nhà đầu tư vay, tương tự như nhà đầu tư vay margin từ công ty chứng khoán. Chuyện “đánh kho” không mới nhưng vấn đề là quy mô hiện nay được cho là lớn hơn rất nhiều trước đây, do đó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường.

Phần lớn các nhà đầu tư tìm đến các “kho” là vì: (1) “kho” cho vay đối với các cổ phiếu mà công ty chứng khoán không cho vay margin hoặc cạn nguồn margin (2) “kho” cho vay với tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao hơn vay từ công ty chứng khoán (đi kèm lãi suất cao hơn).

Về bản chất, đây là một dạng vay margin dưới chuẩn; tương tự như người dân vay tiêu dùng hay doanh nghiệp vay qua trái phiếu về bản chất cũng là một dạng vay dưới chuẩn ngân hàng. Đã là dưới chuẩn thì tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, điều này quá rõ ràng nếu nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính tiêu dùng và trái phiếu doanh nghiệp diễn ra vài năm gần đây.

Do tính rủi ro cao nên khi cần quản trị rủi ro, các “kho” thường sẽ bán cổ phiếu sớm và “rát” hơn nhiều so với việc các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu, do đó gây áp lực rất lớn lên thị trường.

Ở đợt sụt giảm trước đó, “cấm giao dịch bằng robot” được nhiều nhà đầu tư đưa ra để lý giải về diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán vẫn luôn như vậy. Lúc tăng luôn có cả loạt lý do được đưa ra và lúc giảm cũng thế. Nhưng chân tướng thường chỉ sáng tỏ sau một khoảng thời gian khá dài hoặc có thể cũng chẳng ai khẳng định được điều gì đã khiến thị trường lao dốc. Đó là sự bí ẩn và cũng là vẻ đẹp của chứng khoán. Thị trường biến đổi không ngừng, ai cũng có thể là “tay mơ” ở một số thời điểm và mất tiền vì sự thiếu hiểu biết; giống như ai cũng là con ếch, chỉ khác nhau ở cái miệng giếng mà thôi.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/goc-nhin-khi-chung-khoan-khong-danh-cho-tay-mo-20180504224290373.htm