Góc nhìn khác về quyết định tranh cử Tổng thống Mỹ của nữ chính trị gia gốc Nam Á

Ngày 14-2, bà Nikki Haley - cựu Thống đốc bang South Carolina, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc đã chính thức công bố ý định ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Với giới quan sát, điều này cho thấy cộng đồng người Nam Á trước nay từng được coi là đứng ngoài lề chính trị Mỹ, nhưng giờ là thời điểm mà họ 'bước ra ánh đèn sân khấu'.

Bà Nikki Haley là người phụ nữ da màu đầu tiên tìm kiếm đề cử của đảng Cộng hòa để tranh đua ghế Tổng thống Mỹ

Nữ chính trị gia Nikki Haley có cha mẹ là người Ấn Độ nhập cư, tốt nghiệp Đại học Clemson năm 1994. Bà nổi tiếng trong đảng Cộng hòa với tư cách là một người bảo thủ cứng rắn, có khả năng giải quyết tốt các vấn đề về giới tính và chủng tộc. Được bầu làm Thống đốc bang South Carolina năm 2010, bà Haley trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ trên tại bang này và là người gốc Ấn thứ 2 giữ chức Thống đốc bang ở Mỹ.

Trên cương vị Đại sứ thứ 29 của Mỹ tại Liên hợp quốc, từ tháng 1-2017 đến tháng 12-2018, bà Haley nổi tiếng là người thường xuyên lên tiếng bảo vệ lợi ích của Mỹ, ủng hộ đồng minh Israel, duy trì lập trường cứng rắn với Triều Tiên, đi đầu trong nỗ lực rút Mỹ khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Với tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024, bà Nikki Haley trở thành đối thủ lớn đầu tiên thách thức cựu Tổng thống Donald Trump cho đề cử ứng viên tranh cử chính thức của đảng Cộng hòa. Với thông báo này, bà Nikki Haley đã một lần nữa làm nên lịch sử, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên tìm kiếm đề cử của đảng Cộng hòa để tranh đua ghế Tổng thống.

Nếu Phó Tổng thống Kamala Harris khả năng tiếp tục là người liên danh tranh cử với Tổng thống Joe Biden khi ông tuyên bố tái tranh cử thì có thể lần đầu tiên cả 2 đảng chính trị lớn ở Mỹ đều có 1 phụ nữ trên phiếu bầu cử. Đáng chú ý, cả 2 đều là người gốc Ấn Độ - điều mà các nhà quan sát gọi là một kỳ tích lớn khi cộng đồng này chỉ chiếm khoảng 1% dân số nước Mỹ nhưng đã sản sinh ra 2 ngôi sao chính trị lớn.

Bà Sara Sadhwani - Giáo sư chính trị tại Đại học Pomona và là đồng tác giả của tổ chức Khảo sát bầu cử người Mỹ gốc Ấn Độ nói với ABC News: “Đó sẽ là một khoảnh khắc đáng nhớ. Chúng ta thấy những người Nam Á phần lớn đứng ngoài lề sân khấu chính trị Mỹ, nhưng giờ là thời điểm mà họ bước lên ánh đèn”. Khi nói đến các nhà lãnh đạo thế giới, ông Karthick Ramakrishnan - Giáo sư chính sách công tại Đại học California chỉ ra rằng, Thủ tướng Anh Rishi Sunak (người có cha mẹ là người gốc Ấn Độ) là người đại diện cho tốc độ phát triển của cộng đồng đó.

Ông P.V. Gopalan (ông ngoại của nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris) đã tham gia đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ. Cha mẹ của bà Kamala Harris từng đưa con mình trên xe đẩy tham gia các cuộc biểu tình chính trị vào những năm 1960. Trong khi đó, bà Haley có tên khai sinh là Nimrata Nikki Randhawa, cha mẹ là người Punjab theo đạo Sikh di cư từ Ấn Độ vào những năm 1960.

Bà Nikki Haley đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng mẹ bà, Raj Randhawa, đã học luật và được đề nghị làm nữ thẩm phán đầu tiên ở Ấn Độ. Giáo sư Ramakrishnan nhận xét: “Họ lớn lên trong những gia đình mà dịch vụ công được coi trọng...”. Một phân tích do The Los Angeles Times thực hiện vài tháng sau cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 của đảng Dân chủ cho thấy, dù người Mỹ gốc Ấn chiếm một nhóm nhân khẩu nhỏ, nhưng họ đã quyên góp hơn 3 triệu USD cho các chiến dịch tranh cử tổng thống - nhiều hơn cả những cử tri ở Hollywood. Điều đó cho thấy, các ứng cử viên Tổng thống không thể lơ là nhằm thu hút sự ủng hộ của họ.

Mở đầu video thông báo về quyết định tranh cử hôm 15-2, bà Haley đã nêu bật di sản và tầm nhìn lạc quan về một xã hội không bị cản trở bởi sự phân chia chủng tộc. “Tôi là con gái đáng tự hào của những người nhập cư Ấn Độ. Không phải đen, không phải trắng. Tôi rất khác. Mẹ tôi luôn nói rằng, công việc của tôi không phải là tập trung vào sự khác biệt mà là sự tương đồng. Và cha mẹ tôi nhắc nhở tôi, các anh chị em của tôi mỗi ngày rằng, chúng tôi thật may mắn biết bao khi được sống ở Mỹ” - bà Haley nói.

Giáo sư Sara Sadhwani của Đại học Pomona nói rằng, thông điệp đó không chỉ dành cho cộng đồng Nam Á mà còn hướng về những cộng đồng khác. “Chúng ta đang nói về những người gốc Latinh có khuynh hướng bảo thủ, những người Mỹ gốc Á khác và thậm chí nhiều cử tri không phải là người nhập cư, những người có thể không hài lòng với vấn đề phân biệt chủng tộc. Tôi nghĩ đây trở thành một cơ hội cho bà Haley” - Giáo sư Sara Sadhwani nhận xét.

Theo (Theo ABC News/Reuters)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/goc-nhin-khac-ve-quyet-dinh-tranh-cu-tong-thong-my-cua-nu-chinh-tri-gia-goc-nam-a-post531416.antd