GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP CỤ THỂ, ĐẨY NHANH ĐẦU TƯ CÔNG ĐỂ THÁO GỠ CÁC ĐIỂM NGHẼN, THÚC ĐẨY PHỤC HỒI KINH TẾ - XÃ HỘI

Chiều mai (31/10), Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày thảo luận tại hội trường để đánh giá về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội. Trước đó, thảo luận tại tổ về nội dung này, các ý kiến đề nghị cần phân tích cụ thể những hạn chế, tồn tại, yếu kém và nguyên nhân của những tồn tại đó, đồng thời đề xuất các giải pháp căn cơ, tránh dàn trải; đặc biệt cần đẩy nhanh đầu tư công để tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần phân tích cụ thể những hạn chế, tồn tại, yếu kém và nguyên nhân của những tồn tại đó

Góp ý về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội thời gian qua, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2023 trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Đồng thời đánh giá cao Chính phủ cũng như chính quyền các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực rất lớn trong việc xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tìm những thị trường mới, kêu gọi đầu tư để mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất trong nước, đặc biệt là khối nông nghiệp. Xuất khẩu có tín hiệu tích cực trong bối cảnh phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, các nước vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần phải ghi nhận những nỗ lực đó, đồng thời cần nhìn nhận, phân tích kinh tế còn rất khó khăn, cả về mặt xã hội.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Về kinh tế, đại biểu Trần Anh Tuấn thấy rằng, khảo sát về người tiêu dùng trong nước đã thay đổi, tức là sau dịch, khoảng 21% số lượng hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế và người tiêu dùng thay đổi hành vi, chuyển qua những sản phẩm mang tính thiết yếu, giảm mức độ chi tiêu bên ngoài, mua sắm những hàng xa xỉ phẩm hay dịch vụ ăn uống bên ngoài bị giảm đi. Tuy nhiên, qua khảo sát sau dịch đến nay đã lên đến 28% các hộ gia đình điều chỉnh hành vi chi tiêu. Đại biểu cho rằng, mặc dù kinh doanh thương mại điện tử có tín hiệu tăng nhưng chuyển đổi qua hình thức kinh doanh từ thuê những mặt bằng lớn sang trả hết mặt bằng và chuyển qua những loại hình khác như thuê nhà xưởng ở xa để dự trữ hàng hóa hoặc thuê những văn phòng nhỏ ở phố chính để kinh doanh, tức là đã thay đổi hành vi kinh doanh. Đó là thực trạng hiện nay của kinh tế thay đổi.

Liên quan đến vấn đề tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng chậm, hấp thụ cũng khá chậm, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, nguyên nhân là do những điều kiện kinh doanh, chi tiêu thắt chặt và mô hình sản xuất kinh doanh đã thay đổi, vì vậy tín dụng trong nền kinh tế yếu, và khả năng đạt được chỉ tiêu tăng 14% là rất thấp. Hiện nay đạt chưa tới 7%, còn 3 tháng cuối năm nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn thấp.

Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy, xuất siêu nhưng xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm theo. Là nền kinh tế độ mở lớn, nước ta hiện đang định hướng phát triển nền công nghiệp mang tính giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ cao. Do nước ta chưa sản xuất được những máy móc, thiết bị để sản xuất những nguyên, phụ liệu nên phải nhập khẩu máy móc, thiết bị để sản xuất cũng lớn.

Vì vậy, nước ta vừa định hướng xuất khẩu, mở cửa xuất khẩu nhưng lại nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài chưa mở rộng được sản xuất do cầu thị trường chung yếu, cho nên việc đầu tư vào những sản phẩm trang thiết bị, máy móc thiết bị giảm, nhập khẩu giảm mạnh hơn. Do các nhà đầu tư đang cân nhắc về thị trường, dự báo về thị trường trong những năm sắp tới thì hoạt động mở rộng đầu tư sản xuất còn rất e dè. Vì họ cho rằng, sẽ có những rủi ro khi đầu tư mở rộng nhưng tiêu thụ không được. Do đó, đại biểu Trần Anh Tuấn nhận thấy, nhập khẩu sẽ có xu hướng giảm mạnh hơn nên dẫn tới xuất siêu. Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị cần phân tích cụ thể hơn, đặc biệt là nguyên nhân của những thiếu sót cần phải phân tích kỹ.

Về những giải pháp trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần linh hoạt điều hành ngân sách. Bởi đại biểu cho rằng, quy định hiện nay quá chặt và ngay cả điều hành linh hoạt trong một ngành còn rất khó khăn và chậm. Cơ cấu đầu tư công và chi thường xuyên không có điều chỉnh được. Chương trình phục hồi phát triển kinh tế chậm, đặc biệt việc giải ngân các chương trình đầu tư hay hỗ trợ các doanh nghiệp rất chậm. Vì vậy, kiến nghị cần phải có sự điều chỉnh linh hoạt hơn, kể cả từ ngành này qua ngành khác, kể cả từ đầu tư công qua chi thường xuyên.

Liên quan tới giải pháp chất lượng đầu tư, chất lượng sử dụng vốn, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị cần phân tích rõ và có những giải pháp thiết thực, chất lượng đó thực sự như thế nào, có đưa vào nền kinh tế, có hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp, tới người dân hay không?

Về giải pháp hiện nay kích cầu cho nền kinh tế, đại biểu cho rằng, tuy đã có giải pháp kích cầu nền kinh tế nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Về chính sách tài khóa, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm lãi suất, nhưng lãi suất hiện nay đối với những ngành, lĩnh vực ưu tiên còn cao, khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với những lĩnh vực ưu tiên này rất khó. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại cơ chế cho vay để khả năng tiếp cận dễ dàng hơn, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dễ tiếp cận nguồn tín dụng và những chính sách hỗ trợ dễ tiệm cận hơn.

Cần đề xuất giải pháp cụ thể, tránh dàn trải

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Anh Tuấn, qua các báo cáo và qua quan sát nửa nhiệm kỳ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nêu rõ, Kỳ họp lần này có nhiệm vụ đánh giá giữa nhiệm kỳ, đây là công việc rất quan trọng quyết định nửa nhiệm kỳ còn lại.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Về nhận định chung, đại biểu cho rằng, thành tựu đạt được thì đáng phấn khởi, tồn tại thì đáng lo ngại. Đánh giá Báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Báo cáo thẩm tra cần đánh giá sâu hơn như về vấn đề tăng GDP, nên so sánh với các quốc gia có điều kiện tương đồng với nước ta; hoặc về quy mô kinh tế; về xuất siêu thì cần được phân tích sâu hơn.

Về những chỉ tiêu không đạt, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đây là tồn tại đáng lo ngại vì nó mang tính chất hệ thống, nếu không xử lý được vấn đề có tính chất hệ thống thì nửa nhiệm kỳ còn lại cũng như nhiệm kỳ tới sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế về năng suất lao động không đạt năm thứ ba liên tiếp. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chỉ tiêu năng suất lao động là chỉ tiêu rất quan trọng, mang tính chất hệ thống và cần phải đánh giá, nó thể hiện chất lượng của GDP. “Nếu năng suất lao động giảm, GDP tăng thì có nghĩa là chúng ta đổ vốn vào nhiều, yếu tố đầu vào, đề nghị phân tích thêm. Nhận định này của Ủy ban Kinh tế là 3 năm liền không đạt thì chúng ta phải suy nghĩ vì nó có tính hệ thống”, đại biểu nêu rõ.Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm nhưng xuất siêu 15 tỷ cũng cần phải được phân tích.

Một vấn đề khác có tính chất hệ thống là nợ xấu. Nếu lần này vượt quá 3% thì phải phân tích xem vì sao, đáng lo đến mức nào? Nợ trái phiếu cũng là bài toán lớn, vì thời gian qua, chúng ta đã xử lý một loạt vụ án giải quyết vấn đề để ngăn chặn tệ nạn phát hành trái phiếu và vi phạm pháp luật. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp (không phải trái phiếu của Nhà nước) là vấn đề có tính chất hệ thống cần phải được giải quyết và vấn đề này có tính chất an sinh.

Nhận thấy, các giải pháp của Ủy ban Kinh tế còn chung chung, đại biểu đề nghị Ủy ban Kinh tế cần đề xuất giải pháp cụ thể, không nên dàn trải.

Qua báo cáo, đại biểu cho biết, GDP đầu người tăng từ 3.552 đôla năm 2020 lên 4.377 đôla năm 2023, đây là kết quả hết sức ngoạn mục. Chi phí GDP đầu người của một người dân năm 2020 tăng hơn 10%-20% trong vòng 3 năm như vậy thì tăng trưởng này phân bổ thế nào, tầng lớp nào được hưởng tăng trưởng này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đây là vấn đề của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phân bổ đều, phân bổ một cách hợp lý là nhiệm vụ của nhà nước. Nếu để xã hội tự điều tiết thì sẽ có một bộ phận không được hưởng thành quả này, dẫn đến an sinh không bảo đảm. Vì vậy, đại biểu kiến nghị những con số này cần phải được đối chiếu và phân tích, vì sao GDP tăng trên đầu người ngoạn mục như thế mà tội phạm và vi phạm lại gia tăng, đồng thời phân tích thêm chi phí thực trên đầu người dân so với thu nhập đầu người là bao nhiêu.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh bày tỏ vui mừng về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ, tập thể Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, cố gắng, chỉ đạo các bộ, ngành phấn đấu đạt được những chỉ tiêu cơ bản.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị 8 khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội này cần được chỉ rõ được nguyên nhân, tại sao vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc về phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng, phần đánh giá về nguyên nhân khiêm tốn, chỉ nêu lên chung chung, từng nội dung khó khăn kinh tế thì cần phải được đề cập sâu về những nguyên nhân của nó. Nếu như không mạnh dạn chỉ ra các nguyên nhân tồn tại, yếu kém và hạn chế thì rõ ràng rất khó.

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh trong đánh giá của Chính phủ đã chỉ rõ vẫn còn nhiều khó khăn và tác động trực tiếp làm gia tăng áp lực về điều kiện kinh tế vĩ mô. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của từng bộ ngành trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế vi mô. Với những chỉ tiêu đó, việc chỉ ra những nguyên nhân nào và những khó khăn nào cần phải được làm rõ, nhưng hiện Báo cáo còn nêu chung chung, như vậy sẽ rất khó đặt ra được giải pháp sát với thực tế.

Đẩy nhanh đầu tư công sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, những kết quả đạt được trong năm 2023 từ quý 1 là tăng trưởng 3,3 quý 2 là tăng trưởng 4,1, quý 3 là tăng trưởng 5,3 và dự kiến năm nay tăng trưởng khoảng 5% trở lên, đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, một hành động quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân nên đã đạt được những kết quả tích cực như vậy. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cùng chung sức để tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, yếu kém nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cũng được kiểm soát dưới 4%, đảm bảo các cân đối lớn.

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nguyên nhân còn ít, cần phải chỉ ra được những nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân cụ thể để đề xuất giải pháp được đầy đủ hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Nêu rõ xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu nó giảm sâu hơn xuất khẩu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu dẫn đến xuất siêu, góp phần đảm bảo được cán cân thanh toán, giảm bớt áp lực về vấn đề ngoại tệ. Tuy nhiên, đây cũng là một xu hướng trong thời gian tới, khi nhập khẩu giảm sâu thì nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất sẽ khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị cần lưu ý vấn đề này, quan trọng nhất là nước ta đang có 100 triệu dân, thị trường trong nước rất lớn, cho nên đối với việc thay đổi cơ cấu kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân mong muốn Chính phủ cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế và chú ý nhiều hơn đến thị trường trong nước.

Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần ưu tiên cho phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và môi trường. Chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt và hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời lưu ý đến vấn đề đảm bảo an ninh tiền tệ, an ninh hệ thống ngân hàng, trên cơ sở xử lý nhanh các ngân hàng yếu kém. Phải tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng một cách hợp lý. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách và ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công.

Trong thời gian vừa qua, đầu tư công có một sự cải thiện nhất định, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận thấy, việc Chính phủ dồn nguồn lực vốn rất lớn cho đầu tư công là hướng đi đúng, bởi vì trong 3 động lực tăng trưởng, động lực về xuất khẩu bị ảnh hưởng bên ngoài; tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, phải đẩy nhanh được tiêu dùng, nhưng đầu tư công sẽ hỗ trợ cho nhiều mặt.

Đại biểu nhấn mạnh, ngoài việc tháo gỡ các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tháo được những điểm nghẽn trong giao thông, đẩy mạnh đầu tư công còn thúc đẩy giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp và lan tỏa đến nguồn vốn huy động trong xã hội, vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đi liền với đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tổ chức thực thi pháp luật.

Đồng thời cần có thể chế về tăng cường liên kết vùng, qua đó góp phần triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cho 6 vùng đất nước phát triển. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung rất cần đi kèm theo quy hoạch vùng cũng như quy hoạch quốc gia./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81527