GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN - THỂ HIỆN QUYẾT TÂM NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc thực tiễn trong hoạt động đấu giá thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết 'Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản - Thể hiện quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước' của NCS. Thạc sĩ Kinh tế chính trị Phạm Thị Bảo Thoa, Giảng viên Trường Chính trị Tô Hiệu, Hải Phòng.

Hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Cùng với ban hành các Luật, quy định mới, việc sửa đổi, bổ sung các Luật, Bộ luật đã được ban hành theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn được Quốc hội và các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai. Sau 6 năm thi hành, Luật Đấu giá tài sản đã nâng cao hiệu quả xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; phân định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tiến hành các bước thực hiện đấu giá tài sản; góp phần hoàn thiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Đấu giá tài sản cũng bộc lộ một số hạn chế xuất phát từ chính những lỗ hổng của cơ chế, quy định. Do đó, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là việc làm cần thiết, thậm chí mang tính cấp bách. Song quá trình sửa đổi Luật cũng cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để Luật khi được thực thi sẽ thực sự trở thành công cụ pháp lý hiệu quả để giải quyết những vấn đề phức tạp, còn gây tranh cãi khi trong đấu giá tài sản và các hoạt động liên quan đến đấu giá tài sản trước đây, phải đảm bảo tính hợp hiến, không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định về đào tạo và tiêu chuẩn đấu giá viên

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy định về đào tạo và tiêu chuẩn đấu giá viên

Trình độ, năng lực của đội ngũ đấu giá viên là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh này là yêu cầu cần thiết, song cũng cần phù hợp với tình hình thực tiễn để không cản trở việc phát triển đội ngũ này về cả số lượng và chất lượng. Tại Dự thảo sửa đổi Luật (Điều 11) đã bỏ quy định người được đào tạo nghề đấu giá phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên. Việc điều chỉnh này là cơ hội cho nhiều người có nhu cầu có thể tham gia đào tạo nghề đấu giá. Bổ sung điểm g vào khoản 2 Điều 19 “Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản hàng năm” khá cần thiết và phù hợp với yêu cầu cập nhật kiến thức mới, xử lý các tình huống khó trong thực hiện đấu giá tài sản với các đấu giá viên.

Thứ hai, trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo tính khách quan, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính thực hiện đấu giá tài sản là tương đối phù hợp với thực tế cũng như yêu cầu của quá trình cải cách thủ tục hành chính. Việc quy định về Cổng Đấu giá quốc gia trong dự thảo sửa đổi Luật (bổ sung điểm e khoản 2 Điều 77) phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số cũng như nỗ lực chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực tại nước ta hiện nay. Nếu hoàn thiện, Cổng Đấu giá quốc gia không chỉ trở thành trang thông tin chính thống, đầy đủ các thông tin liên quan đến đấu giá tài sản mà còn đảm bảo thông tin được hệ thống, đồng bộ, góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia sẽ giúp hình thức đấu giá trực tuyến trở thành một trong những hình thức đấu giá tài sản phổ biến, phù hợp với thế mạnh phát triển công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, Dự thảo sửa đổi Luật đã bổ sung thêm các quy định trong đăng ký tham gia đấu giá giúp tăng tính minh bạch của hoạt động này, đồng thời hạn chế các đối tượng không đủ điều kiện tham gia đấu giá

Thứ ba, Dự thảo sửa đổi Luật đã bổ sung thêm các quy định trong đăng ký tham gia đấu giá giúp tăng tính minh bạch của hoạt động này, đồng thời hạn chế các đối tượng không đủ điều kiện tham gia đấu giá

Tại Điều 38 quy định về đăng ký tham gia đấu giá, Luật đã bổ sung quy định về trường hợp đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Đây là một căn cứ pháp lý quan trọng để quá trình thực thi Luật Đấu giá tài sản và Luật Đất đai sẽ giảm thiểu những chồng chéo, mâu thuẫn. Với nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, đặc biệt tại những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao, đấu giá quyền sử dụng đất tạo môi trường cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư tiếp cận đất đai hiệu quả hơn. Song những quy định trước đó, chưa có quy định rõ ràng về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, khiến quá trình thực thi pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất tồn tại nhiều bất cập, kẽ hở.

Mặt khác, từ tính khan hiếm của đất đai mà quyền sử dụng đất tại nước ta trở thành một loại hàng hóa có giá cả cao, luôn biến động mạnh theo cơ chế thị trường, từ đó khiến nhu cầu tìm kiếm lợi ích từ việc đấu giá quyền sử dụng đất cũng gia tăng. Biểu hiện rõ nét nhất là các văn phòng, công ty nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực bất động sản gia tăng nhanh chóng. Việc đấu giá quyền sử dụng đất của một số không ít văn phòng nhà đất, công ty bất động sản chủ yếu là để sang tên cho những người không trúng đấu giá để thu lợi nhuận chênh lệch. Cũng có không ít những người trúng đấu giá đã phải bỏ cọc vì không thể thực hiện được nghĩa vụ tài chính khi chưa chuyển kết quả trúng đầu giá cho người khác. Khi chưa có chế tài xử lý những hành vi này, đấu giá quyền sử dụng đất còn tồn tại nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp. Việc một số doanh nghiệp, chủ đầu tư bỏ cọc khi trúng đấu giá tất cả các thửa đất được đấu giá quyền sử dụng đất khiến chính quyền địa phương phải thực hiện đấu giá lại, tốn kém nhiều chi phí và thời gian….

Cùng với các quy định về thẩm định năng lực của người tham gia đấu giá, việc bổ sung thêm khoản 5: “Người trúng đấu giá tài sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến bị hủy quyết định công nhận kết quả hoặc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì không được đăng ký tham gia đấu giá đối với tài sản đó trong thời hạn 01 năm kể từ ngày quyết định hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá có hiệu lực hoặc ngày hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; trường hợp tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản thì người trúng đấu giá không được đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn 03 năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” là sự điều chỉnh phù hợp trong dự thảo sửa đổi Luật này. Như vậy, đối với người trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính dẫn đến phải hủy kết quả hoặc hủy mua bán tài sản đấu giá thì đã có hình thức xử lý, không cho đăng ký tham gia đấu giá trong thời hạn 01 năm, riêng đối với tài sản đấu giá quyền sử dụng đất thì thời hạn không được đăng ký tham gia đấu giá là 03 năm. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng đến hiệu quả, kinh phí của hoạt động đấu giá tài sản, và cũng thể hiện quyết tâm muốn nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Thứ nhất, về trình tự, thủ tục đấu giá

Thứ nhất, về trình tự, thủ tục đấu giá

Dự thảo sửa đổi Luật bổ sung khoản 2a Điều 38, “…Người có tài sản căn cứ quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức đấu giá tài sản người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá, người không đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá”. Vậy theo quy định này, người có tài sản đấu giá sẽ có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá. Cần phải xem xét thấu đáo quy định này, bởi việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá tài sản là nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền và đầy đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Một cá nhân hay tổ chức khó có thể làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực trên. Mặt khác, trong trường hợp một tài sản đấu giá có nhiều, thậm chí rất nhiều người tham gia đấu giá thì việc yêu cầu người có tài sản đấu giá xem xét điều kiện của từng người tham gia đấu giá là khó khả thi.

Thứ hai, về hình thức đấu giá trực tuyến

Nhìn chung, trong Dự thảo sửa đổi Luật chưa đề cập nhiều đến những quy định cụ thể về hình thức đấu giá tài sản trực tuyến. Trên thực tế, nhiều hoạt động đấu giá trực tuyến đã diễn ra và đảm bảo tính công khai, minh bạch, hạn chế được những tiêu cực, thậm chí là tham nhũng, lợi ích nhóm. Do đó, cùng với việc xây dựng để khai thác lợi thế từ Cổng Đấu giá tài sản, các quy định về hình thức đấu giá tài sản trực tuyến là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Cùng với quy định về quy trình, thủ tục đấu giá trực tuyến, có thể nghiên cứu xem xét việc quản lý những thông tin đấu giá trực tuyến dưới dạng vừa là thông tin cho người sử dụng, vừa là thông tin được đồng bộ, liên thông cho các cơ quan quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản nói chung.

Thứ ba, về thực hiện nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá tài sản

Thứ ba, về thực hiện nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá tài sản

Tại Điều 48 của Dự thảo sửa đổi Luật có thể xem xét bổ sung thêm quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá đất để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các bên liên quan, đặc biệt là người có tài sản đấu giá. Đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính đã được quy định chi tiết tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Do vậy, đối với các loại tài sản khác quyền sử dụng đất, cũng cần có quy định cụ thể về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá tài sản.

Cũng tại Điều 48, Dự thảo sửa đổi bổ sung thêm điểm d vào khoản 2 về việc nộp phạt cho người có tài sản đối với các trường hợp không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc không nộp tiền trúng đấu giá hoặc nộp tiền trúng đấu giá không đúng thời hạn dẫn đến phải hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá hoặc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Quy định này cũng cần nêu chi tiết thời gian nộp phạt để đảm bảo quyền lợi cho người có tài sản đấu giá.

Thứ tư, về một số từ ngữ cần làm rõ

Trong dự thảo sửa đổi Luật cần làm rõ một số từ, cụm từ nhằm đảm bảo với các văn bản pháp quy khác. Ví dụ, tại khoản 1 Điều 39 có đề cập đến “nộp tiền đặt trước”. Theo 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 (cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản) thì không có biện pháp thực hiện nghĩa vụ “nộp tiền đặt trước”. Do đó cần xem xét dùng từ ngữ phù hợp, hoặc cần giải thích từ ngữ “nộp tiền đặt trước” tại Điều 5 của dự thảo sửa đổi.

Với thuật ngữ “ngày làm việc” được bổ sung làm rõ tại khoản 14 Điều 5, “Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại Luật này là các ngày từ thứ hai đến thứ sáu.” Thực tế thuật ngữ này được sử dụng khá phổ biến trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Và nếu giải thích thuật ngữ chỉ dừng lại ở nội dung như trên cũng chưa thực sự đầy đủ khi trong một số trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày nghỉ lễ, tết; do đó, có thể có trường hợp làm bù vào ngày thứ bảy, chủ nhật.

Một trong những vấn đề cần quan tâm khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là các quy định liên quan đến đấu giá không thành. Đây là một nội dung quan trọng, bởi việc xác định đấu giá thành hay không thành là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, bao gồm đấu giá viên, người trúng đấu giá, người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá.

Khoản 1 Điều 52 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định các trường hợp được xác định là đấu giá không thành bao gồm: Đã hết thời hạn đăng ký mà không có người đăng ký tham gia đấu giá; Tại cuộc đấu giá không có người trả giá hoặc không có người chấp nhận giá; Giá trả cao nhất mà vẫn thấp hơn giá khởi điểm trong trường hợp không công khai giá khởi điểm và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên; Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này; Người đã trả giá rút lại giá đã trả, người đã chấp nhận giá rút lại giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 của Luật này mà không có người trả giá tiếp; Trường hợp từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật này; Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 59 của Luật này.

Việc xác định đấu giá thành hay không thành là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt của đấu giá viên. Tuy nhiên, các quy định trong luật hiện hành chưa đầy đủ và chưa sát với thực tiễn, nên khi áp dụng, trong một số trường hợp làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây khó khăn cho đấu giá viên trong việc xác định đấu giá thành hay không thành.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp, nếu áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản, cuộc đấu giá sẽ không thành, tuy nhiên, nếu xét về mặt thực chất, cuộc đấu giá đã diễn ra bình thường, có người tham gia đấu giá và có người bỏ giá cao hơn mức giá khởi điểm. Theo logic thông thường, ngoài những trường hợp đấu giá không thành thì những trường hợp còn lại sẽ được xác định là đấu giá thành, tuy nhiên, thực tế cho thấy logic này có thể dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo so với các quy định khác của Luật Đấu giá tài sản.

Tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật về đấu thầu, có thể thấy, nhiều vấn đề thực tiễn xoay quanh việc phân định đấu giá không thành đang cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong trường hợp giá khởi điểm được công khai và cuộc đấu giá được thực hiện theo phương thức trả giá lên, nếu khách hàng trả giá cao nhất nhưng vẫn thấp hơn giá khởi điểm, thì có được tuyên là đấu giá không thành hay không? Điều 49 Luật Đấu giá tài sản 2016 có quy định về đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá. Nếu áp dụng quy định này đối với tài sản lần đầu đưa ra đấu giá chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá, thì có được tuyên đấu giá không thành hay không? Trong hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, nếu khách hàng trả giá cao nhất chỉ bằng giá khởi điểm, thì cuộc đấu giá có được coi là không thành hay không?

Từ những phân tích trên, việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, đặc biệt là các quy định liên quan tới đấu giá không thành cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, đảm bảo khả thi khi áp dụng, không gây khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu giá tài sản. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần được thực hiện một cách thận trọng, khoa học, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81872