Gỡ vướng trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

Sáng 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo 'Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể'.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Trong những năm qua, hợp tác xã tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, song kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Việt Nam phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; một bộ phận lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Ông Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến hết tháng 12/2023, cả nước có 100 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 20.789 hợp tác xã nông nghiệp. Doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. Lãi bình quân hợp tác xã nông nghiệp đạt 400 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên hợp tác xã nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.

Đến hết năm 2023, cả nước có 2.204 hợp tác xã, 517 Tổ hợp tác, 1.091 doanh nghiệp và 186.829 hộ nông dân tham gia, các địa phương đã phê duyệt được 2.146 dự án, kế hoạch liên kết. Trong số đó, 1.908 dự án liên kết do cấp tỉnh phê duyệt thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 245 dự án (chiếm 30,9%), tiếp theo đó là vùng Đồng bằng sông Hồng. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ có 8 dự án (chiếm 1,0%).
Theo ông Huỳnh Kim Định, trong nhiều năm gần đây, mức tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn thường xuyên duy trì ở mức cao, đạt từ 10-12% hàng năm. Trong số đó, 80 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân với mạng lưới phủ khắp toàn quốc hiện đang tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 3,29 triệu tỷ đồng, chiếm 24,29% tổng dư nợ nền kinh tế.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay đối với hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đạt 6.043 tỷ đồng với gần 1.200 hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, giảm 1,68% so với cuối năm 2023. Trong số đó, cho vay theo loại hình tổ chức tín dụng dư nợ chủ yếu tập trung tại khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng 79%; tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17,42%; tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 52,96%; tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,62%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là thành phần kinh tế được Ngân hàng Nhà nước quan tâm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay, có nhiều chính sách ưu đãi (về vốn, lãi suất, thủ tục, không tài sản đảm bảo, hạn mức, mạng lưới cho vay...). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn nghiên cứu đề xuất giải pháp để tăng trưởng tín dụng, phát triển màng lưới cho vay, các chính sách khuyến khích để cho vay hợp tác xã; các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, liên minh hợp tác xã.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ tín dụng đối với hợp tác xã, liên minh hợp tác xã còn thấp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước tín dụng hợp tác xã nhỏ nhưng thực chất tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp tác xã có thể cao hơn nhiều, dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên hợp tác xã. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 12/2023 đạt 6,4 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,24 triệu tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, nguyên nhân tín dụng đối với hợp tác xã còn thấp là do hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của hợp tác xã, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm.
Cùng với đó, năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Ngoài ra, theo phản ánh của tổ chức tín dụng, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cùng là khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể.
Ông Huỳnh Kim Định, cũng cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn còn một số hạn chế, tồn tại như việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tài sản thế chấp; thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lí rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với Bảo hiểm nông nghiệp; tín dụng nông nghiệp xanh là xu hướng mới, tuy nhiên, hiện còn thiếu cơ chế thu hút đầu tư cho phát triển loại hình sản xuất xanh, nhất là cơ chế vay vốn tín dụng ưu đãi; đặc biệt là thiếu các Quỹ hỗ trợ đầu tư, vay vốn tín dụng xanh; nhiều quỹ tín dụng ưu đãi còn thiếu chức năng khuyến khích.
Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dù ngân hàng này đã có nhiều phương án cấp tín dụng nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc cho vay đối với hợp tác xã, vì vốn đối ứng của các hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu, để đảm bảo các điều kiện vay vốn. Tại Agribank, dư nợ cho vay hợp tác xã năm 2023 đạt 1.693 tỷ đồng, tăng 165 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2020. Giai đoạn 2020-2023, dư nợ cho vay hợp tác xã luôn chiếm tỷ lệ từ 0,11- 0,12% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank với chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống.
Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các hợp tác xã cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn có hiệu quả, hợp tác xã tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao, hợp tác xã đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất, các Chương trình Mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ đối với hợp tác xã ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế.

Thùy Dương - Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-vuong-trong-tiep-can-von-tin-dung-doi-voi-khu-vuc-kinh-te-tap-the/330841.html