Gỡ vướng mắc sau vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam

Vụ việc hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Hà (xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ) ngừng việc tập thể đòi quyền lợi trong ba ngày, từ 14-16/9 đã đặt ra vấn đề về trách nhiệm của doanh nghiệp, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS ) trong việc chăm lo đảm bảo quyền lợi cho công nhân.

Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Phú Hà

12 kiến nghị của người lao động

Từ đêm 14 đến sáng 16/9, hơn 1.000 công nhân Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam ngừng việc tập thể với lý do tiền lương, tiền hỗ trợ ăn, các chế độ lao động của công nhân chưa được Công ty giải quyết thỏa đáng. Công nhân đã đưa ra 12 kiến nghị, trong đó, tập trung ở những nội dung chính như: Tiền lương cơ bản thấp hơn mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong KCN trong cùng lĩnh vực công nghệ cao; chi trả tiền ca đêm chưa đầy đủ theo quy định; lao động nữ trong thời gian hành kinh không được nghỉ hoặc được thanh toán bằng tiền; chất lượng bữa ăn công nhân còn kém, trợ cấp tiền ăn ca cho công nhân còn thấp; đóng nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) không đúng với quy định của pháp luật; cơ sở vật chất nhà vệ sinh không đảm bảo; thời gian phân chia ca kíp chưa hợp lý…

Sau hai lần đối thoại trực tiếp với công nhân cùng sự tham gia của lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban quản lý KCN, Công đoàn KCN và Công an thị xã, Công ty đã tiếp thu, giải thích cặn kẽ những băn khoăn, vướng mắc và tìm ra tiếng nói chung giữa hai bên trong các nội dung kiến nghị.

Theo đó, Công ty chấp thuận lương cơ bản sẽ tăng từ 4,2 triệu đồng/tháng lên 4,8 triệu đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/9; cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn ca trong hai tuần tới, bố trí thời gian ăn ca; sắp xếp thời gian chuyển ca, đổi ca phù hợp; cải thiện nhà vệ sinh và cung cấp đầy đủ giấy vệ sinh cho công nhân…

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã làm rõ những hiểu lầm không đáng có giữa hai bên như: Công ty đã chi trả trợ cấp tiền ca đêm đúng quy định khi thanh toán tiền lương tháng 8/2022, tuy nhiên, khoản trợ cấp này chưa được thể hiện đầy đủ trong phiếu trả lương. Công ty cũng đã có quy định, công nhân nữ trong thời gian hành kinh được phép nghỉ 30 phút tính vào giờ làm việc nếu có nhu cầu và được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động. Nhưng do các lao động nữ không thông báo với quản lý, nên Công ty không nắm bắt được nhu cầu của công nhân. Về vấn đề tiền ăn, hiện tại Công ty đang hỗ trợ tiền ăn cho công nhân 42.000đ/người/ngày, xuất ăn của công nhân là 22.000 đồng/bữa, so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp, đây đã là con số khá cao. Trong khi đa số các doanh nghiệp khác chỉ ăn một bữa, Công ty hỗ trợ tiền ăn hai bữa cho các công nhân có nhu cầu và chỉ thu thêm 2.000 đồng/ngày, nên Công ty không đồng ý hỗ trợ thêm tiền ăn cho công nhân. Ngoài ra, BHXH của công nhân mà Công ty đã và đang nộp là 10,5% (8% BHXH, 1,5% BHYT, 1% BHTN), không phải 8,5% như nhiều công nhân phản ánh, Công ty khẳng định thực hiện đóng, nộp BHXH cho công nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Bài học cho công đoàn cơ sở từ những hiểu lầm không đáng có

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Phú Thọ, ông Phạm Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến sự việc này.

Thứ nhất, do mới thành lập (tháng 10/2021), nên hiện Công ty chủ yếu tập trung vào ổn định sản xuất, dẫn đến việc chưa thực sự quan tâm đến các chế độ chính sách cho người lao động. Bộ máy tham mưu, giúp việc như nhân sự, tài chính, kế toán… chưa có kinh nghiệm nên để xảy ra nhiều nhầm lẫn, sai sót, đưa ra những chỉ dẫn, thông báo cho công nhân lao động chưa rõ ràng gây ra những hiểu lầm đáng tiếc giữa hai bên.

Thứ hai, CĐCS Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam vừa được thành lập (tháng 7/2022), hầu hết cán bộ mới tham gia công tác công đoàn lần đầu nên phương pháp, kỹ năng nắm bắt tình hình, xử lý các tình hướng phát sinh còn hạn chế.

Đặc biệt, ông Sơn còn chỉ ra quy trình xây dựng thang bảng lương, Nội quy lao động của Công ty không đúng theo quy định của pháp luật, cụ thể là chưa tham khảo ý kiến của Công đoàn và công nhân, mà trực tiếp quyết định ban hành và gửi cho cơ quan cấp trên, chưa gửi văn bản cho CĐCS và thông báo rộng rãi đến toàn thể người lao động. Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa có Thỏa ước lao động tập thể (TULĐTT), đây là thiếu sót lớn nhất, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc không tìm ra được tiếng nói chung giữa công nhân và công ty, gây nên những hiểu lầm đáng tiếc.

Về phương hướng giải quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, đã đề nghị phía Công ty tích cực chủ động phối hợp với CĐCS xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT; tổ chức đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, theo đúng trình tự quy định của pháp luật. LĐLĐ tỉnh giao Công đoàn các KCN trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ CĐCS xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Bên cạnh đó, khẩn trương bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ CĐCS theo hướng thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn nhằm giải quyết, tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát sinh tại doanh nghiệp.

“Từ vụ việc của Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam, LĐLĐ tỉnh khuyến nghị các công ty, nhất là các Công ty mới thành lập cần quan tâm xây dựng đầy đủ các văn bản cần thiết theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến pháp luật lao động như: Thang bảng lương, nội quy lao động, TƯLĐTT, quy chế dân chủ tại nơi làm việc….phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của doanh nghiệp, đúng quy trình, quy định. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc...), xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp chỉ có như vậy mới hạn chế được tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại các doanh nghiệp”. – Ông Sơn khuyến nghị thêm.

Hiếu Nghĩa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/go-vuong-mac-sau-vu-ngung-viec-tap-the-tai-cong-ty-tnhh-dien-tu-byd-viet-nam/187147.htm