Gỡ rối cho các dự án du lịch trọng điểm của xứ Thanh

Nhiều dự án trọng điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đang có nhiều vướng mắc, tồn tại dẫn tới chậm tiến độ hoặc lâm vào bế tắc. Xác định du lịch là một trong những trụ cột để phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung gỡ rối, sớm đưa các dự án vào triển khai, thực hiện.

“Tắc” do thủ tục

Không ít các dự án lâm vào tình trặng bế tắc do các cơ quan tham mưu, khảo sát, đánh giá, thẩm định chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các quy định của pháp luật về di tích, đầu tư, xây dựng… Đến khi dự án được duyệt lại phải điều chỉnh, trình lại do các kiến nghị của cơ quan chuyên ngành, giới chuyên môn.

Khai quật tại di sản tại Thành Nhà Hồ

Cụ thể, dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2015. Kể từ khi HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án (năm 2019), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập và trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tuy nhiên, sau nhiều lần thẩm định, đến nay (3 năm) các sở, ngành chức năng đề xuất kiến nghị nên dự án phải quay lại lập điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (do thay đổi một số nội dung về phạm vi, quy mô và giảm tổng mức đầu tư) dẫn đến quá trình hoàn thiện hồ sơ giai đoạn phê duyệt chủ trương, dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (dự án chuyển tiếp, điều chỉnh), tạm ứng/hoàn ứng vốn đối với nhà thầu thi công; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm theo quy định.

Tại dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc với tổng mức đầu tư 745,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn, vướng mắc của dự án là quá trình lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải hủy thầu 1 lần. Quá trình khai quật khảo cổ học, kết quả có nhiều sai lệch và phát sinh so với dự kiến ban đầu. Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực thẩm tra, thẩm định dự án rất khó khăn đối với dự án mới, quy mô đầu tư lớn, tính chất phức tạp.

Vướng do giải phóng mặt bằng!

Theo báo cáo, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung (giai đoạn 2) được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư năm 2019; Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án năm 2021 với tổng mức đầu tư trên 457 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ 2019 - 2023. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc của dự án là đến ngày 11/11/2022, UBND huyện Hà Trung mới bàn giao diện tích đợt 1 trên 9,5ha thuộc khu vực di tích cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phần diện tích đất phục vụ thi công hạng mục cải dịch, hoàn trả đường 217B đoạn qua Khu di tích (62 hộ dân) do đang thực hiện đầu tư hạ tầng quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu tái định cư nên chưa thể thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thi công.

Phủ Triệu Tường tại Hà Trung

Đầu tư, xây dựng một công trình văn hóa, di tích có tính chất lịch sử cần nhiều cứ liệu, cơ sở khoa học, nghiên cứu của cơ quan chuyên môn và cả sự đồng thuận của nhân dân. Chính vì vậy không hiếm các công trình khi hoàn thiện hoặc ngay trong quá trình xây dựng, tôn tạo đã bị người dân, các nhà khoa học, lịch sử phản ứng gay gắt vì “bê tông hóa”, “hiện đại hóa” di tích.

Chính vì vậy, tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2021 với tổng mức đầu tư khoảng 256 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang tiến hành các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Cơ quan chức năng phải kéo dài dự án vì có thêm hạng mục “lấy ý kiến của nhân dân” và tổ chức cuộc thi mẫu phác thảo tượng đài Bà Triệu.

Phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Kiểm tra thực tế tại 4 dự án văn hóa lịch sử trọng điểm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên yêu cầu tất cả các dự án của ngành văn hóa nói chung và 4 dự án trọng điểm phải rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan thẩm định, cơ quan tham gia ý kiến, không yêu cầu phát sinh thủ tục khi pháp luật không quy định. Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng thuộc Sở, không né tránh, đùn đẩy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Yêu cầu các huyện vào cuộc theo nhiệm vụ được giao, với trách nhiệm trước tỉnh, trước dân và trước các bậc tiền nhân có công với nước. Đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các dự án; thường xuyên báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy để tháo gỡ khó khăn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên kiểm tra tại các dự án

Các đơn vị trước khi tiến hành quy hoạch các di tích, các ngành chức năng phải khảo sát thực tế trước rồi mới nghe tư vấn, thuyết trình để đảm bảo dự án được triển khai thực hiện sát, đúng với thực tế. Yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo trong tháng 3/2023 phải trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương để tiến hành các bước tiếp theo của dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh. Rút kinh nghiệm về thủ tục hành chính, pháp lý và yêu cầu phải làm đúng nhưng không làm phát sinh thủ tục hành chính. Phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của dự án để sau khi HĐND tỉnh thông qua chủ trương điều chỉnh thì đến các bước tiếp theo phải được thực hiện nhịp nhàng. Phấn đấu cuối năm 2023 phải xong thủ tục đầu tư để triển khai thi công dự án. Các công trình, hạng mục đã được phê duyệt cần thiết thì phải được triển khai trước.

Đối với Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, huyện Hà Trung (giai đoạn 2), UBND huyện Hà Trung đẩy nhanh tiến độ dự án tái định cư cho các hộ dân trên đường 217 thuộc khu vực giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Hoàn thiện thủ tục để trình HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện các thủ tục hành chính để đấu thầu triển khai dự án tái định cư phải xong trong tháng 6/2023.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp hướng dẫn trình tự thủ tục giải quyết khó khăn trong giải phóng mặt bằng đối với 47 hộ dân thuộc khu vực dự án. Yêu cầu huyện Hà Trung bàn giao trước mặt bằng đã giải phóng được cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chỉ đạo nhà thầu thi công; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục khác trong dự án.

Đối với Dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc cần giải quyết triệt để vướng mắc để tiến hành đấu thầu lại và thời gian phải xong trong tháng 6/2023. Đồng thời, lấy ý kiến các chuyên gia, các tổ chức khác của UNESCO trước khi triển khai các dự án. Rà soát lại cơ sở, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm kiểm định của Sở Xây dựng để yêu cầu Trung tâm này phải thực hiện thẩm định các dự án theo yêu cầu của tỉnh.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/du-lich/go-roi-cho-cac-du-an-du-lich-trong-diem-cua-xu-thanh-503484.html