Gỡ rào cản, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 trong Phiên Chuyên đề 1: 'Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó', PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là 'thông mạch, thông các nguồn lực' để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 1: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ DN vượt khó”. Ảnh: Quochoi.vn

Hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”

Với tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực để nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển," PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết nhìn vào thực tiễn phát triển kinh tế Việt Nam, có hai vấn đề lớn đặt ra. Đó là động lực tăng trưởng của nền kinh tế có xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân. Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam lại chứa đựng nhiều nghịch lý. DN Việt Nam giỏi chống chịu, "sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành”.

Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số DN rút khỏi thị trường xấp xỉ 70-75% số đăng ký thành lập. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của DN không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ DN Việt, bị suy giảm mạnh. Mặt khác, là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm khi chỉ đạt 39,6% kế hoạch.

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, ông Trần Đình Thiên gợi mở, cần xác lập các điều kiện như hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh); bảo đảm “Tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống (thông suốt về hạ tầng; thông thoáng về cơ chế; thông minh trong vận hành).

PGS.TS.Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể cần quan tâm như: định hình lại cấu trúc nền kinh tế thị trường “nhất nguyên”, củng cố cơ sở thực hiện đúng đường lối “nội lực – ngoại lực” của Đảng; quan tâm phát triển lực lượng DN Việt theo hướng “khác biệt về chức năng kinh tế, bình đẳng về tư cách thị trường”, “không xin – cho”, không phân biệt đối xử trong phân bổ nguồn lực; thúc đẩy phát triển đồng bộ các thị trường, đặc biệt là thị trường đất đai đồng nhịp các giải pháp kinh tế, hành chính, pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

DN đang đối diện với nhiều rào cản

Trình bày tham luận, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhận định các DN Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Theo ông Tuấn, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124.700 DN. "Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy "sức khỏe" của khu vực DN đáng báo động", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng đề cập một số rào cản, khó khăn tiêu biểu của các DN Việt Nam như: chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Chất lượng hầu hết các loại cơ sở hạ tầng nhìn chung chậm cải thiện, với xu hướng đi ngang hoặc thậm chí giảm trong năm qua; Chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt Nam. Thực tế, các DN phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, gồm: các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics. Rào cản về chi phí kinh doanh cao làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế.

Trong bối cảnh các chính sách thu hút đầu tư mà Việt Nam áp dụng từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu. Ngoài những khó khăn nêu trên còn một số thách thức như: chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; các DN sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả; DN tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với DN xuyên biên giới.

Theo kết quả khảo sát DN năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các DN tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% DN phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//go-rao-can-kho-khan-cua-doanh-nghiep-viet-nam-353222.html