Gỡ rào cản để xuất khẩu bứt phá

Xuất nhập khẩu tháng 7 có những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước. Đây sẽ là động lực đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Xuất khẩu rau củ quả ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Xuất khẩu rau củ quả ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm

Báo cáo kinh tế vĩ mô được Ngân hàng Standard Chartered công bố mới đây đã đưa ra dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm). Dữ liệu thương mại được cải thiện liên tục hàng tháng từ đầu năm 2023 cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm.

Báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng năm 2023 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).

Xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những tín hiệu khả quan hơn cả. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, đạt 1 tỷ USD, đây là con số kỷ lục chưa từng có của ngành này trong vòng 3 thập kỷ qua. Kết quả đó giúp toàn ngành đạt mức 2,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay, xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt mức 5 tỷ USD, thậm chí có thể vượt.

Bên cạnh rau củ quả, nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng có dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dự tính kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đến hết tháng 7/2023 đạt khoảng 22,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Ông Giang đánh giá đây là tín hiệu tích cực khi mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức 17% tại thời điểm cuối tháng 6.

Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan song bức tranh xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn. Da giày là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, luôn nằm trong top có kim ngạch chục tỷ USD mỗi năm của Việt Nam. Tuy nhiên theo số liệu từ Bộ Công thương, 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, mức độ thiếu đơn hàng của doanh nghiệp da giày hiện khoảng 30 - 40%. Với những thị trường truyền thống như Mỹ giảm khoảng 30%, EU giảm khoảng 13%. “Hiện trạng này của ngành da giày vẫn chưa thể cải thiện trong nửa cuối năm 2023” - bà Xuân nhận định.

Trong hoàn cảnh tương tự, xuất khẩu 7 tháng năm 2023 của ngành gỗ cũng giảm sâu, tới gần 30% trong đó, gỗ nội và ngoại thất có giá trị gia tăng cao sụt giảm mạnh nhất, viên nén có giảm nhưng ít hơn.

Tận dụng lợi thế từ FTA

Với ngành thủy sản, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định, các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24-25% so với năm 2022; xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%; thị trường Nhật Bản khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.

Còn theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, xuất khẩu tôm với xu thế phục hồi có thể thấy rõ trong tháng 7/2023 khi doanh số của Công ty Sao Ta đạt 21,3 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 18% so với tháng 6/2023.

“Trong quý III này, các doanh nghiệp thủy sản trên đà tăng tốc với hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững” - ông Lực nói.

“Cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng từ những thị trường truyền thống bằng những cơ hội từ thị trường khác. Để làm được điều này, xúc tiến thương mại là hoạt động rất cần thiết” - lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 là thách thức không nhỏ. Do đó, nhà quản lý cần tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua việc đào tạo và nâng cao hiểu biết để tận dụng hiệu quả các quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến tại các thị trường để tham gia được vào thị trường mới.

Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử… và nắm bắt các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/go-rao-can-de-xuat-khau-but-pha-5725339.html