Gỡ nút thắt tín dụng khu vực kinh tế tập thể

Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn cho kinh tế tập thể rất cần sự vào cuộc, đồng hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng.

Thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng. Ảnh tư liệu

2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn

Tại Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 23/4, bà Bùi Thị Kim Nga - Phó Giám đốc phòng Tài chính (Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX). Tuy nhiên, kết quả đầu tư tín dụng cho khu vực KTTT, HTX chưa cao chủ yếu do khả năng đáp ứng về điều kiện vay vốn của phần lớn HTX còn hạn chế.

Dư nợ cho vay hợp tác xã đạt 6,4 triệu tỷ đồng

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân là thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 12/2023 đạt 6,4 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,24 triệu tỷ đồng...

"Thực tế chỉ có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng, chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng trong khi nhu cầu vốn của khu vực KTTT, HTX là rất lớn” - bà Nga nói.

Ông Nguyễn Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Công bằng Thuận An (Đăk Nông) chia sẻ, HTX không thể vay được các tổ chức tín dụng khác do quy định cho vay của ngân hàng rất chặt chẽ. “Vướng mắc của HTX chúng tôi là tài sản không chia trên 10 tỷ đồng nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích với HTX rất phức tạp. Khó khăn hơn các hộ dân, doanh nghiệp. Cái khó hơn nữa nếu chuyển đổi mục đích thì vướng thủ tục vay của các ngân hàng thương mại các thành viên phải ký 100% vào hồ sơ. Tóm lại rất rườm rà, khó vay” - ông Nguyễn Hữu Hạ nêu rõ.

Số liệu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nêu tại hội thảo cũng cho thấy, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, LHHTX.

Phân tích nguyên nhân vì sao HTX hấp thụ vốn tín dụng thấp, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng cho biết, do các HTX không có tài sản thế chấp. Xã viên gia nhập HTX và góp vốn bằng tài sản nhưng dưới hình thức tự quản lý, sử dụng, tự sản xuất và tiêu thụ, khó để làm tài sản thế chấp.

Với các ngân hàng hay tổ chức tín dụng không yêu cầu tài sản đảm bảo thì vẫn cần quan tâm đến hoạt động sản xuất và khả năng hoàn nợ. Tuy nhiên, nhiều HTX còn "yếu" trong khâu quản trị kế toán, tài chính khiến ngân hàng khó mà cho vay. Không những vậy, theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cũng là khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể…

Triển khai gói tín dụng đặc thù phù hợp với hợp tác xã

Để tháo gỡ những “nút thắt” đó, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho khu vực KTTT, bà Phạm Thị Thanh Tùng nhấn mạnh, thời gian tới NHNN tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Ông Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhấn mạnh, các ngân hàng cần triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với HTX, nông dân (mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản - HTX, nông dân).

Dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp đầu chuỗi, các tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp đến các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết (giống, phân bón...) và thanh toán trực tiếp tiền thu mua lúa của doanh nghiệp liên kết cho từng hộ nông dân. Mô hình giúp các doanh nghiệp đầu chuỗi giảm áp lực vay vốn tín dụng để đầu tư đầu vào sản xuất và thu mua nông sản...

ÔNG TẠ VIẾT HÙNG - CHỦ TỊCH HĐQT, GIÁM ĐỐC HTX ĐẦU TƯ NÔNG TRẠI XANH VÀ PHÁT TRIỂN BÒ BA VÌ (HÀ NỘI): Cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết

Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù đề phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước. Bên cạnh đó, cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết khi các HTX có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương án thế chấp tài sản hình hành từ vốn vay; thời gian vay vốn dài để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, giải quyết bài toán sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ manh mún bằng cách các HTX tích cực tham gia vào chuỗi giá trị để phát huy tối đa khả năng, tiềm năng của từng HTX có thể mỗi HTX chỉ cần làm thật tốt một trong nhiều mắt xích chuỗi để tạo ra giá trị tốt nhất và tối ưu hóa lợi nhuận thành viên. Đặc biệt các Quỹ tín dụng quỹ hỗ trợ, hệ thống ngân hàng cũng phải tham gia vào chuỗi giá trị này đây cũng là một mắt xích rất quan trọng trong việc cung ứng vốn kịp thời cho các HTX có nhu cầu vay vốn cải tiến công nghệ hay mở rộng quy mô sản xuất…

BÀ BÙI THỊ KIM NGA - PHÓ GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH (LIÊN HIỆP HTX THƯƠNG MẠI TP. HỒ CHÍ MINH): Gỡ khó trong sản xuất, kinh doanh để tăng khả năng tiếp cận vốn

Để tháo gỡ các khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho HTX, ngoài sự nỗ lực trong nội tại của các HTX thì Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ, kịp thời giúp các HTX tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay.

Cụ thể, các HTX cần nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm có giá trị thương mại cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. HTX cần có sự công khai, minh bạch trong công tác kế toán. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi một đơn vị kiểm toán độc lập nhằm tạo niềm tin trong nội bộ thành viên HTX, các tổ chức tín dụng… để có thể đáp ứng điều kiện vay vốn. Về phía ngân hàng cần có chính sách vay vốn riêng với các thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp loại hình hoạt động HTX, không áp dụng cùng chính sách vay với các loại hình doanh nghiệp khác; nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp hoạt động của HTX…

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-nut-that-tin-dung-khu-vuc-kinh-te-tap-the-149507.html