Gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng dự án điện chống quá tải

Đời sống xã hội phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Do đó, thời gian qua Công ty Điện lực Phú Thọ gấp rút đầu tư thi công các trạm biến áp phục vụ khách hàng với mục tiêu đóng điện trước ngày 30/4 chống quá tải cho mùa nắng nóng.

Khó do… vướng!Quản lý và cung cấp điện cho trên 59.300 khách hàng trên địa bàn huyện Thanh Sơn và Tân Sơn, ngay từ đầu năm 2021, để chống quá tải trước mùa nắng nóng, Điện lực Thanh Sơn đã khảo sát toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn, xây dựng mới gần 9km đường dây trung áp, 10 trạm biến áp với tổng dung lượng 1550kVA; gần 7km đường dây hạ áp trên địa bàn các xã: Võ Miếu, Địch Quả, Thục Luyện, Thắng Sơn, Hùng Sơn, Cự Thắng, Tân Minh, Tân Lập huyện Thanh Sơn; Minh Đài, Tam Thanh, Kim Thượng huyện Tân Sơn với tổng mức đầu tư 28 tỷ 121 triệu đồng. Điện lực thị xã Phú Thọ hiện đang quản lý 201 trạm biến áp với 156,766km đường trung thế, 307,98km đường dây hạ thế. Để đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn, thời gian qua đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để xây dựng, cải tạo hệ thống lưới điện theo hướng hiện đại. Hiện nay, Điện lực thị xã Phú Thọ cung cấp điện cho 23.710 khách hàng của thị xã Phú Thọ và 6 xã của huyện Thanh Ba là: Đỗ Sơn, Đỗ Xuyên, Lương Lỗ, Thanh Hà, Sơn Cương và Võ Lao. Trong đó hơn 60% tổng điện năng phục vụ hoạt động công nghiệp, xây dựng còn lại 40% điện năng phục vụ sinh hoạt.Khi nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao, dễ xảy ra tình trạng quá tải, sự cố, đơn vị điện lực chủ động giám sát tất cả các thông số về điện áp, tình trạng quá dòng, đầy tải, lệch pha… của từng trạm biến áp. Thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, xây mới, nâng cấp hệ thống lưới điện, nâng cao công suất các trạm biến áp trong những đợt cao điểm nắng nóng, năm 2021 Điện lực thị xã Phú Thọ triển khai dự án chống quá tải lưới điện, trong đó xây dựng mới 0,76km đường dây 35kV và 0,665km đường dây 22kV; 5 TBA với tổng công suất 1250kVA và cải tạo 1,59km đường dây hạ thế. Được ưu tiên đầu tư xây dựng với mục đích chống quá tải, nâng cao chất lượng điện phục vụ người dân, tuy nhiên, một số công trình vẫn chưa thể hoàn thành, đưa vào sử dụng do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Mặc dù trong giờ cao điểm xuất hiện tình trạng điện yếu hoặc mất do sự cố quá tải, song một số hộ dân ở khu 4, xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba vẫn không cho đơn vị thi công dựng cột kéo điện. Ông Nguyễn Văn Nhiệm là một trong những hộ không đồng tình với lý do đưa ra là đường điện đi gần nhà ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên và gia đình cũng không được chính quyền địa phương hay đơn vị thi công thông báo triển khai dự án để gia đình phối hợp.Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cương Nguyễn Văn Hoàn cho biết: “Trên địa bàn xã hiện đã thực hiện xây dựng và đóng điện 7 trạm biến áp, được các hộ dân đồng tình ủng hộ. Trạm biến áp thứ 8 này khi đưa vào sử dụng sẽ cung cấp điện cho các hộ dân ở khu 3, khu 4 và san tải nâng cao chất lượng điện cho trạm biến áp số 1. Tuy nhiên, hiện có 2 gia đình ở khu 4 và khu 3 không đồng tình. UBND xã cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, ban công tác mặt trận khu dân cư tiếp tục tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ ý nghĩa cũng như lợi ích khi trạm biến áp hoàn thành đi vào sử dụng mang lại”.Để chống quá tải lưới điện phân phối, năm 2021, Điện lực Thanh Sơn xây dựng mới 2,13km đường dây 35kV; 5 TBA với tổng công suất 890kVA và cải tạo 1,65km đường dây hạ thế. Hiện tại công trình đã triển khai thi công được 70% khối lượng và đang vướng mắc mặt bằng 6 vị trí cột trên địa bàn xã Long Cốc (huyện Tân Sơn). Các vị trí cột được thiết kế dựng trên đường giao thông liên xã, không vướng đất thổ cư cũng như quy hoạch của địa phương nhưng các hộ dân tại xóm Cạn, xã Long Cốc không đồng ý cho triển khai thi công.

Công ty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tân Sơn tổ chức họp dân, đối thoại, giải thích từng ý kiến, kiến nghị của hộ dân để tạo sự đồng thuận triển khai dự án. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các hộ dân chưa nhất trí cho thi công với lý do đường dây đi dọc theo đường giao thông, giáp khu dân cư không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, TBA Võ Miếu 16 vướng 3 vị trí trung thế từ 2-4 thuộc xã Địch Quả, các hộ dân yêu cầu đền bù ngang tuyến cao hơn nhiều so với giá quy định của Nhà nước (20 triệu đồng/vị trí).Cộng đồng trách nhiệmXác định rõ nhiệm vụ, tầm quan trọng của điện trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Công ty Điện lực Phú Thọ đã không ngừng đầu tư, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp 220kV, 110kV, đường dây 110kV đảm bảo cung cấp điện đúng tiến độ, an toàn, ổn định cho các nhà máy khi đi vào hoạt động tại khu, cụm, công nghiệp và các đơn vị kinh doanh, sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, cấp điện cho các thôn, bản vùng cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Với mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong năm 2020 và tính đến tháng 4/2021 Công ty Điện lực Phú Thọ đã đầu tư xây dựng và đóng điện đưa vào vận hành 198,145 km đường dây trung áp, 260 trạm biến áp với tổng dung lượng 40.720kVA, 85,933km đường dây hạ áp. Tính riêng kế hoạch năm 2021, Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai xây dựng và cải tạo 298,62km đường dây trung áp, 436 trạm biến áp với tổng dung lượng 107.086,5kVA, 89,619km đường dây hạ áp, dự kiến đóng điện trước 30/9/2021. Hiện Công ty đang tổ chức đẩy nhanh tiến độ toàn diện các mặt để thi công hoàn thành công trình theo đúng tiến độ đề ra gấp rút hoàn thành các công trình điện để phục vụ chống quá tải mùa nắng nóng năm 2021. Tuy nhiên mục tiêu này chưa thể hoàn thành do vẫn còn một số công trình bị vướng mắc.

Đồng chí Phạm Văn Chúc- Phó giám đốc Điện lực Phú Thọ cho biết: “Để công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng diễn ra thuận lợi đúng quy trình và quy định của pháp luật, Công ty Điện lực Phú Thọ đề nghị các cấp chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra, đối chiếu quy hoạch từ khâu thỏa thuận, phê duyệt hướng tuyến, tránh chồng chéo dẫn đến phải di chuyển, thay đổi trong quá trình thi công. Thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ công tác ngay sau khi ngành điện đề xuất để tổ chức kiểm đếm, áp giá, lập dự toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện chi trả sớm cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước, để người dân ủng hộ, không gây cản trở giúp các dự án điện được triển khai đúng tiến độ”. Các công trình điện được xây dựng với mục tiêu phục vụ sự phát triển chung của xã hội, thường mang tính chất cấp bách, thời điểm, thời gian thi công ngắn, nên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân để sớm đưa các công trình vào vận hành, khai thác, đảm bảo cung cấp điện ổn định sản xuất kinh doanh dịch vụ, sinh hoạt góp phần ổn định đời sống nhân dân và đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương”.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202105/go-nut-that-giai-phong-mat-bang-du-an-dien-chong-qua-tai-177358