Gỡ 'nút thắt' chính sách cho doanh nghiệp FDI

Đối với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những vướng mắc khi thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, chứng khoán, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… là những rào cản gây khó khăn cho DN trong quá trình đầu tư, hoạt động tại Đồng Nai cũng như trong cả nước.

Lãnh đạo tỉnh tham quan một nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng tại Khu công nghiệp Amata. Ảnh: N.LIÊN

Để tháo gỡ những “nút thắt” trên, Đồng Nai đã kịp thời nắm bắt và tìm giải pháp tháo gỡ để DN hoạt động hiệu quả; đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.

Nắm bắt khó khăn từ DN

Trong tháng 10-2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư đối với DN FDI và tình hình hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2020-2022. Qua đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận nhiều vấn đề thuận lợi, khó khăn liên quan đến thu hút, quản lý hoạt động của DN FDI.

Bà Lý Thị Kim Yến, Phó tổng giám đốc phụ trách kế toán - tài chính Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam, KCN Biên Hòa 2) cho biết, với mong muốn trở thành DN Việt Nam, có thêm nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam hơn để cùng phát triển bền vững, khi tìm hiểu về pháp luật Việt Nam không ghi nhận quy định DN FDI không được niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam, từ năm 2022, công ty đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. C.P. Việt Nam mong muốn các bộ, ngành sớm xem xét, có hướng dẫn, trả lời cụ thể để hỗ trợ, tạo cơ hội cho DN tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong 9 tháng của năm 2023, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã cấp mới và điều chỉnh 111 giấy phép môi trường cho các dự án trong các KCN. Ngoài ra, liên quan đến công tác quản lý môi trường, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của các dự án đầu tư trong các KCN đã được ban cấp phép môi trường.

Bên cạnh khó khăn về niêm yết chứng khoán, đại diện lãnh đạo C.P. Việt Nam cho biết, vấn đề tạo vùng trồng trong nước cho các nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc (bắp, đậu tương) đang gặp khó khăn. Khoảng 10 năm trước, sản lượng bắp thu mua tại Việt Nam đạt khoảng 6 triệu tấn/năm thì nay còn khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Bản thân C.P. Việt Nam có nhà máy sản xuất hạt giống tại H.Định Quán để vừa cung cấp hạt giống, kỹ thuật canh tác cho nông dân, vừa bảo đảm đầu ra nông sản nhưng sản lượng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của công ty.

Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, khó khăn chung đối với các DN FDI hiện nay là một số thủ tục hành chính như thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, thủ tục môi trường đang là vấn đề nhà đầu tư, DN gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, nhiều DN cho rằng, các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ có độ “vênh” trong cách hiểu và thực thi, khiến vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy chưa thể giải quyết ngay và DN gặp khó khăn trong kinh phí để khắc phục theo yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy. Do đó, các DN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ chuyên ngành xem xét nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi triển khai công tác thẩm duyệt, thi công phòng cháy, chữa cháy, nghiệm thu đưa công trình đi vào sử dụng.

Hỗ trợ tối đa cho DN FDI

Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về định hướng quy hoạch phát triển các KCN. Cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ phát huy được hiệu quả, các thủ tục hành chính trong KCN được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN Đồng Nai thực hiện đã phát huy tốt, một số thủ tục được thực hiện rút ngắn thời gian từ 30-50% so với quy định. Các KCN trên địa bàn tỉnh được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện với các tuyến giao thông, có tỷ lệ lấp đầy cao gần 86%. Đến nay, 100% các KCN đang hoạt động đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Thời gian tới, Đồng Nai được đánh giá tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường biển hoàn thiện, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 7 KCN mới với trên 7,6 ngàn ha được hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Bên cạnh những thuận lợi về hạ tầng, thủ tục, ưu đãi trong thu hút FDI, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, các cơ quan quản lý cần chú trọng vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động. Ngoài vấn đề thu nhập, việc làm cho người lao động, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đến nhu cầu về một môi trường học tập thuận lợi cho con em người lao động, đặc biệt là khối mầm non, đây là nhu cầu cấp bách cần được quan tâm, nhằm bảo đảm đời sống người lao động trong các KCN nói riêng và của tỉnh nói chung.

Chia sẻ về tình hình thực hiện pháp luật tại các DN FDI và hoạt động các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, hiện vai trò của các cơ quan quản lý trong thu hút FDI đã được quy định rõ từng vị trí, cấp bậc. Tuy nhiên, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai hiện nay chưa có đủ các chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu để đáp ứng. Để thúc đẩy phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển KCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổ công tác có trách nhiệm rà soát hồ sơ quy hoạch, căn cứ các quy định pháp luật có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung chỉ tiêu đất KCN trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, đánh giá cụ thể chi tiết từng KCN dự kiến bổ sung, đề xuất bố trí quy hoạch các KCN sinh thái, KCN công nghệ cao để thu hút đầu tư các dự án có công nghệ mới, giá trị tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề liên quan thúc đẩy thành lập KCN mới và hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG:

Tạo môi trường thuận lợi để DN phát triển

Qua đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư đối với DN FDI; tình hình hoạt động của các KCN trên địa bàn tỉnh, nhìn chung tình hình hoạt động trong các KCN cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, hoạt động DN, những quy định về bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động…; trong quan hệ phải cởi mở, tạo niềm tin của DN vào chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN phát triển, góp phần tăng thu ngân sách cho Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động, cần tuyên truyền cho DN hiểu, phải thực thi đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm các tiêu chí trong đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai NGUYỄN TRÍ PHƯƠNG:

Hướng tới các KCN sinh thái

Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 10,
11-2023, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai sẽ lấy ý kiến các công ty phát triển hạ tầng KCN đang còn quỹ đất hoặc các KCN mới lên kế hoạch thu hút đầu tư, trên cơ sở bám theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tạo ra các giá trị gia tăng lớn. Trong quá trình thực hiện, các công ty hạ tầng sẽ cùng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai xây dựng tiêu chí và định hướng trong thời gian trước mắt. Đồng Nai phải chờ ít nhất 3-4 năm nữa, khi các KCN được thành lập, quỹ đất cho công nghiệp có trở lại mới có thể đáp ứng các dự án đầu tư lớn. Hiện Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đang phối hợp với Bộ KH-ĐT xây dựng mô hình KCN sinh thái. Đây sẽ là tiền đề Đồng Nai phát triển các KCN sinh thái trong thời gian tới.

Thủy Mộc (ghi)

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/go-nut-that-chinh-sach-cho-doanh-nghiep-fdi-87567ab/