Gỡ 'nghẽn' cho các cửa ngõ qua Đồng Nai: Bài cuối: Tạo bứt phá về hạ tầng, chuyển biến về ý thức

Áp lực phương tiện, nhu cầu giao thông qua địa bàn Đồng Nai hiện tăng cao, trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng đang triển khai đồng loạt các giải pháp để giải bài toán tắc nghẽn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung nhiều giải pháp về hạ tầng và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật giao thông ở người dân.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát các phương tiện di chuyển qua ngã ba Sân golf Long Thành trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

* Tạo bứt phá từ hạ tầng giao thông

Trong tương lai, Đồng Nai sẽ tiếp tục có các dự án hạ tầng giao thông mang tính kết nối liên vùng được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đặc biệt, một số công trình được người dân kỳ vọng cao như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An (nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua sông Thị Vải), cầu Cát Lái (nối Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai qua sông Đồng Nai). Khi các tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ “chia lửa” cho các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua Đồng Nai hiện hữu.

Tại Hội nghị Trao đổi hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I-2024 tổ chức tại huyện Nhơn Trạch chiều 15-3, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp sớm triển khai Dự án Xây dựng cầu Cát Lái. Cụ thể là xem xét, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng cầu Cát Lái trong năm 2024, khởi công xây dựng vào năm 2025. Việc này được kỳ vọng sẽ tăng giao thương giữa Đồng Nai với Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực phát triển cho đô thị Nhơn Trạch, chấm dứt tình trạng ùn tắc tại phà Cát Lái kéo dài suốt nhiều năm.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Đồng Nai và Bình Dương về phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) với tổng chiều dài hơn 53km. Phương án này sẽ kết nối Đồng Nai, Bình Dương với Thành phố Hồ Chí Minh, giúp người dân di chuyển từ Biên Hòa vào trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh được thuận lợi, nhanh chóng, đồng thời giảm áp lực lên quốc lộ 1, cũng như các tuyến đường khác.

Ngoài ra, để giảm ùn tắc giao thông qua địa bàn, một số chuyên gia về giao thông cho rằng, Đồng Nai cần quan tâm đến quy hoạch hạ tầng giao thông.

Tại buổi làm việc với Đồng Nai về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) vào cuối năm 2023, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh khi quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị phải có đánh giá tác động giao thông với các công trình phát sinh nhu cầu giao thông. Công tác đánh giá tác động giao thông phải được thực hiện trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Về lâu dài, việc mở rộng tuyến đường, xây dựng thêm các tuyến đường mới và xây dựng nút giao khác mức là giải pháp căn cơ để ngăn tai nạn giao thông tại những nút giao lớn.

Trong Kế hoạch Bảo đảm ATGT trên toàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì, nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có gắn với việc xử lý vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và các bất cập trong tổ chức giao thông.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng tăng cường quản lý công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm khả năng đáp ứng, kết nối giao thông, công trình giao thông tiếp cận... Lưu ý không gây gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là khi kết nối trực tiếp ra đường chính đô thị, quốc lộ, đường tỉnh. Cùng với đó, trong quá trình thẩm định thiết kế các dự án đầu tư xây dựng mới phải kiểm soát việc thiết kế hệ thống ATGT, tổ chức giao thông, phương án thi công, biện pháp tổ chức đảm bảo ATGT khi thi công…

Chánh Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) NGUYỄN PHAN TRONG: Phối hợp xử lý việc lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ

Thời gian tới, lực lượng thanh tra giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng, phòng quản lý đô thị, UBND cấp xã và lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ. Qua đó, lực lượng chức năng cũng tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi đặt vật cản, lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trên đất hành lang ATGT đường bộ.

Minh Thành (ghi)

* Nâng ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông

Về phía lực lượng cảnh sát giao thông, thượng tá Trần Trọng Thủy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, đã yêu cầu các đội, trạm cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ qua địa phận Đồng Nai. Quá trình tuần tra kiểm soát cần kết hợp giữa xử lý và tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông theo chủ đề của Năm ATGT 2024 là Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý các vi phạm như: có nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều… Việc tuần tra kiểm soát giao thông và bố trí chốt sẽ được thực hiện tại các vị trí phù hợp nhằm xử lý kịp thời các vi phạm của người điều khiển phương tiện trên các tuyến đường, đặc biệt là tuyến quốc lộ và khung thời gian thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông (từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau).

Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh cũng đa dạng hình thực tuyên truyền, nâng cao ý thức, kỹ năng cho người lái xe, nhất là kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc, quốc lộ (chạy đúng tốc độ; giữ khoảng cách an toàn; chú ý quan sát khi chuyển hướng, chuyển làn…).

Ngoài ra, đầu tháng 3-2024, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việc Nam (VEC E) đã có văn bản gửi UBND các huyện tại Đồng Nai và Ban ATGT tỉnh về một số nội dung liên quan đến việc đảm bảo ATGT đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chống cháy cỏ ven đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Cụ thể, VEC E đề nghị UBND các cấp thông báo kế hoạch đốt rơm rạ của người dân đến VEC E để công ty bố trí nhân sự, thiết bị sẵn sàng phối hợp kiểm soát, tránh gây ảnh hưởng đến việc vận hành đường cao tốc, không để xảy ra tình trạng mất ATGT.

Đồng thời, VEC E cũng đề nghị Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các xe dừng đậu không đúng quy định trên đường cao tốc. Thông qua hệ thống camera giám sát vi phạm trật tự ATGT trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây phát hiện, xử lý kịp thời các sự việc liên quan đến cháy nổ, mất ATGT.

Việc tăng các tuyến cầu, đường kết nối tỉnh, thành Đông Nam Bộ cùng với việc tạo chuyển biến về ý thức tuân thủ pháp luật giao thông, kỹ năng lái xe an toàn là 2 giải pháp quan trọng giúp giao thông qua Đồng Nai thông thoáng, an toàn hơn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho Đồng Nai phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ban ATGT tỉnh hiện theo dõi tình hình giao thông trên 17 nút giao trọng yếu tại các tuyến quốc lộ thông qua 21 camera được lắp đặt. Trong quá trình theo dõi trên hệ thống, khi phát hiện tình hình giao thông phức tạp, xảy ra tai nạn giao thông hay có dấu hiệu ùn tắc, Ban ATGT tỉnh sẽ liên hệ và đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ, điều tiết nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.

Đặng Ngọc - Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/go-nghen-cho-cac-cua-ngo-qua-dong-nai-bai-cuoi-tao-but-pha-ve-ha-tang-chuyen-bien-ve-y-thuc-cb153ff/