Gỡ 'nghẽn' cho các cửa ngõ qua Đồng Nai (Bài 1)

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, giao thông qua Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng. Nếu giao thông qua Đồng Nai thường xảy ra ùn tắc, không đảm bảo an toàn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự kết nối vùng.

Bài 1: Cửa ngõ thành ‘cửa nghẽn’

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Đồng Nai đã quan tâm phát triển hạ tầng giao thông nhưng vẫn không theo kịp nhu cầu phương tiện lưu thông qua địa bàn quá lớn. Do đó, tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, các giao lộ cửa ngõ của tỉnh vẫn thường xảy ra vào giờ cao điểm, dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Ùn tắc phương tiện giao thông trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại vị trí trạm thu phí (huyện Cẩm Mỹ) thường xảy ra vào các dịp lễ, Tết khi lượng xe tăng vọt. Ảnh: C.T.V

* Khi cao tốc thành “cao tắc”

Sau gần một năm đưa vào hoạt động (từ cuối tháng 4-2023), đến nay đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được nhiều người lựa chọn để di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung. Với mục tiêu tăng kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và góp phần giảm tải lượng phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 1 nhưng thời gian qua, tuyến đường cao tốc này lại xuất hiện nhiều bất cập gây ùn tắc giao thông, do quá tải và tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn.

Thông tin từ Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), từ cuối tháng 4-2023 đến nay, đơn vị đã ghi nhận gần 100 sự cố va chạm, TNGT khiến 7 người thương vong; 500 vụ xe máy và người đi bộ cố tình vượt chốt trực lưu thông trên đường cao tốc. Riêng tại địa phận Đồng Nai, VEC E ghi nhận 5 vụ TNGT, làm chết 3 người, đều xảy ra tại địa bàn huyện Xuân Lộc. Mới nhất là 2 vụ TNGT xảy ra tại xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) vào khuya 4-1 và rạng sáng 1-2; mỗi vụ đều ghi nhận một người chết.

Không chỉ vậy, dịp Tết Nguyên đán 2024, tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn Đồng Nai thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, ùn tắc kéo dài. Ghi nhận liên tục trong những ngày: 13-2, 15-2, 16-2…, tình trạng ùn tắc kéo dài nhiều cây số xảy ra tại huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ do va chạm liên hoàn giữa các xe ô tô di chuyển trên đường. Đơn cử, vào tối 16-2, trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua huyện Cẩm Mỹ đã xảy ra vụ va chạm giữa 4 xe ô tô, lực lượng chức năng phải tạm đóng một đoạn của tuyến đường cao tốc này để phân luồng, điều tiết, giảm ùn tắc giao thông.

Còn trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tình trạng ùn tắc, tai nạn liên hoàn thường xuyên được ghi nhận, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai - khu vực có lượng xe rất đông di chuyển từ quốc lộ 51 lên đường cao tốc (và ngược lại), dẫn tới áp lực gia tăng trên cả đường cao tốc và quốc lộ 51.

Chính tình trạng ùn tắc trên 2 tuyến đường cao tốc nói trên vào những dịp cuối tuần, lễ, Tết cũng gián tiếp gây ra ùn tắc trên các quốc lộ qua Đồng Nai như: quốc lộ 1, quốc lộ 56, quốc lộ 51. Khi các tuyến đường cao tốc xuất hiện ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông phải “tạm đóng” lối lên đường cao tốc và yêu cầu các xe từ đường cao tốc di chuyển ra quốc lộ để tiếp tục hành trình. Lúc này, tình trạng ùn tắc xuất hiện tại các nút giao trên quốc lộ và dần kéo dài khi tình trạng ùn tắc trên đường cao tốc chưa được giải quyết.

Điển hình như chiều 18-2 (mùng 9 Tết Nguyên đán 2024), trên 2 tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Phan Thiết - Dầu Giây tiếp tục xảy ra ùn tắc giao thông khiến các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc phải dồn ra quốc lộ 51, quốc lộ 56 và quốc lộ 1. Việc này dẫn tới tình trạng xe đông, ùn tắc khi xếp hàng chờ đèn đỏ tại các giao lộ trên những tuyến quốc lộ nói trên qua thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và huyện Trảng Bom.

* Ùn tắc ở các cửa ngõ vào khu công nghiệp

Hiện nay, một số giao lộ lớn trên một số tuyến đường cửa ngõ, nhất là các cửa ngõ vào khu công nghiệp (KCN) đã trở thành “điểm đen” TNGT gây lo ngại cho người tham gia giao thông, “biến” các cửa ngõ trở thành “điểm nghẽn” vào giờ cao điểm trong ngày hoặc dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Đáng nói, những nút giao này chủ yếu đặt tại các khu vực đô thị hóa cao, mật độ phương tiện dày đặc và trên các tuyến đường huyết mạch kết nối các KCN, cụm công nghiệp với quốc lộ qua địa bàn tỉnh.

Ngã tư Vũng Tàu (giao giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 51, thành phố Biên Hòa) là giao lộ duy nhất tại Đồng Nai có cả hầm chui (sử dụng từ năm 2016) và cầu vượt (sử dụng từ năm 2014). Cơ quan chức năng phân luồng các xe ô tô đi thẳng theo quốc lộ 1 sẽ di chuyển trên cầu vượt, các xe ô tô từ quốc lộ 51 sẽ vào hầm chui để ra quốc lộ 1 hướng về Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giải pháp được đặt ra để hạn chế các luồng xe “vướng” vào nhau trong nút giao.

Tuy nhiên, ngã tư Vũng Tàu lại bị “kẹp” giữa KCN Biên Hòa 1 và KCN Biên Hòa 2 nên tồn tại nhiều đường nhánh từ các KCN, khu dân cư đổ vào nút giao. Do đó, dù có cả cầu vượt và hầm chui nhưng tình hình giao thông tại đây vẫn còn phức tạp. Nguyên nhân đến từ lượng lớn xe từ nhiều hướng di chuyển ra, vào giao lộ này; thậm chí, chỉ vài chiếc xe đầu kéo nối đuôi nhau chờ đèn đỏ đã hình thành dòng xe ùn tắc.

Cách đó khoảng 5km là cụm nút giao Cổng 11 gồm: quốc lộ 51 - đường Bùi Văn Hòa, quốc lộ 51 - đường Võ Nguyên Giáp và vòng xoay Cổng 11. Đây là cụm nút giao có mật độ phương tiện lưu thông luôn “dày đặc”, tình hình giao thông phức tạp do các dòng xe lớn, nhỏ dễ va chạm với nhau khi đi qua nút giao. Tại vòng xoay Cổng 11, trong năm 2022 đã xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 3 người, bị thương 1 người; năm 2023 xảy ra 2 vụ, làm chết 1 người, bị thương 1 người.

Ngoài ra, còn có các nút giao khác thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ như: ngã ba Nhơn Trạch (giao giữa quốc lộ 51 và đường Tôn Đức Thắng, huyện Long Thành), khu vực vòng xoay Cổng 11 (giao giữa đường Võ Nguyên Giáp và đường Bùi Văn Hòa, thành phố Biên Hòa), ngã ba Trị An (giao giữa quốc lộ 1 và đường tỉnh 767, huyện Trảng Bom), khu vực ngã ba đường tránh Biên Hòa (giao giữa quốc lộ 1 và đường Võ Nguyên Giáp, huyện Trảng Bom)… Các nút giao này đều là các giao lộ từng xảy ra TNGT chết người giữa người đi xe máy và xe ô tô trong những năm gần đây. Điển hình như, sáng 19-2, tại ngã ba Nhơn Trạch (thuộc xã Long An, huyện Long Thành) đã xảy ra vụ TNGT giữa xe đầu kéo biển số 50H-067.78 và xe máy biển số 60C1-890.37, làm một bé gái 12 tuổi ngồi trên xe máy tử vong tại chỗ.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn ứ giao thông, mất an toàn giao thông tại các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, nút giao lớn qua địa bàn Đồng Nai là do hạ tầng phát triển không theo kịp với nhu cầu giao thông. Những năm gần đây, lượng phương tiện giao thông của người dân trong tỉnh không ngừng tăng cao, nhất là số lượng xe ô tô. Trong khi đó, nhu cầu giao thông của các phương tiện từ các địa phương khác đi qua Đồng Nai cũng tăng cao.

Anh Nguyễn Văn Bảo (lái xe tại KCN Loteco, thành phố Biên Hòa): Ùn tắc ở các giao lộ, lo việc vận chuyển hàng hóa bị chậm

Để di chuyển giữa các KCN, cảng, bến thủy, các đầu mối bốc xếp hàng hóa… cần đi qua những nút giao trên quốc lộ. Tuy nhiên, việc ùn tắc tại một số nút giao trên quốc lộ 51, quốc lộ 1 vào các khung giờ cao điểm trong ngày có thể khiến tài xế chậm giờ ra vào công ty. Thậm chí, một số tuyến đường lớn đi qua đô thị thực hiện cấm tải trọng theo giờ nên nếu chẳng may bị “chôn chân” ở các nút giao quá lâu sẽ khiến tài xế phải đi vòng hoặc chờ đợi nhiều giờ (để qua giờ cấm) mới di chuyển tiếp được.

Đặng Ngọc - Đăng Tùng

Bài 2: Hạ tầng “lội nước theo sau”

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/go-nghen-cho-cac-cua-ngo-qua-dong-nai-bai-1-2dd630f/