Gỡ khó, cơ cấu lại sản xuất cho doanh nghiệp

Do tác động của dịch bệnh COVID-19 và nhiều yếu tố cộng với phương án sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền (huyện Thanh Ba) từ năm 2020 gặp khó khăn kéo dài. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, từ tháng 1/2024, Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea)- một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong ngành chè đã tiếp quản Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền. Hiện nay, Công ty đang tiến hành cơ cấu, nâng cấp cơ sở vật chất để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mở ra kỳ vọng mới cho Chè Phú Bền.

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền trao đổi với đội sản xuất về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để chè đảm bảo chất lượng.

Tháo gỡ khó khăn, giải quyết tồn đọng

Tổng Công ty Chè Việt Nam Vinatea khi tiếp quản Chè Phú Bền phải giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng trước đó như: Cơ sở vật chất xuống cấp, đồi chè một thời gian không được chăm sóc, cải tạo đúng mức nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè. Vì vậy, giải quyết dứt điểm những tồn tại, cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi hình thức sản xuất, vận hành phù hợp cho Chè Phú Bền là vấn đề cấp thiết.

Hiện tại, Vinatea quản lý trên 1.600ha chè của Chè Phú Bền, trong đó 1.100ha chè kinh doanh. Công ty đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, vườn chè khoán nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi xâm lấn, sử dụng đất trồng chè sai mục đích; tập trung rà soát, chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật nhằm củng cố, phục hồi vườn chè, phục vụ phát triển lâu dài. Đồng thời, họp các nông trường, đội sản xuất để chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc vườn chè như đốn, vệ sinh mặt tán, làm cỏ, bón phân, phun thuốc; vận động các hộ loại bỏ cây lâm nghiệp, cây ăn quả khỏi vườn chè. Rà soát, đánh giá, phân loại hiện trạng vườn chè để có cơ sở cho việc quản lý; tổng hợp nhu cầu, cung ứng phân bón để quản lý tập trung và hỗ trợ người làm chè thông qua cơ chế ứng trước.

Đi cùng với đó, giải quyết toàn bộ số tiền nợ bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, tiền thuế, nghĩa vụ tài chính với các tổ chức tín dụng của Chè Phú Bền trước đó. Trong đó, Công ty đã thanh toán gần 30 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đối với tiền chè nguyên liệu búp tươi của người dân, Công ty tổ chức xác minh, lập danh sách, đối chiếu, tổ chức họp theo đội sản xuất, cụm để thống nhất và mời chính quyền xã chứng kiến. Cuối tháng 3/2024, đã họp 60% số đội sản xuất và dự kiến trong tháng 4/2024, sẽ bố trí kinh phí để thanh toán tiền cho người dân với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng.

Chị Phạm Thị Thu Hằng - công nhân Đội sản xuất số 12, làm việc tại Chè Phú Bền từ năm 2010, phấn khởi cho biết: “Theo kế hoạch sản xuất mới, các hộ sản xuất được ứng trước phân bón, hướng dẫn kỹ thuật đúng quy trình nên chúng tôi yên tâm sản xuất. Phải nói rằng những cam kết của chủ đầu tư mới về thanh toán tiền bảo hiểm, tiền chè nguyên liệu... được thực hiện nghiêm túc, mang lại niềm tin cho người lao động. Chúng tôi rất kỳ vọng với phương thức vận hành mới sẽ có những thay đổi đáng kể cho những người làm chè trực tiếp, nhất là nâng cao thu nhập, đầu ra sản phẩm ổn định”.Khi tiếp nhận, Chè Phú Bền đang có bảy nhà máy, tuy nhiên để có thể sản xuất cần phải sửa chữa, đầu tư mới có thể hoạt động. Theo kế hoạch, năm 2024, Công ty sẽ tu sửa, nâng cấp hai nhà máy trên địa bàn huyện Hạ Hòa để sớm ổn định sản xuất.

Thiết bị Nhà máy Chè Khánh Hòa huyện Hạ Hòa đang được sửa chữa, nâng cấp để đưa vào sản xuất.

Mục tiêu dài hơi

Ông Nguyễn Hồng Anh - Tổng Giám đốc Vinatea cho biết: “Tiếp nhận lại Chè Phú Bền trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đang tiến hành các giải pháp cải tổ lại sản xuất, hướng đến quản lý chủ động khép kín, sản xuất chè an toàn chất lượng cao, phù hợp với mục tiêu phát triển cây chè của tỉnh. Xây dựng thương hiệu chè bền vững theo hướng sản xuất chè sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cây chè và đời sống người làm chè. Để thực hiện được mục tiêu đó, đặt ra yêu cầu xây dựng mô hình sản xuất khép kín, quản lý tập trung, phát triển sản xuất chế biến chè theo chuỗi, đặc biệt quản lý tập trung quy trình nông nghiệp, nhất là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về chất lượng từ vùng nguyên liệu đến các sản phẩm khi đến tay khách hàng. Từ đó, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tìm những đối tác tiềm năng, không chỉ sản xuất chè gia công mà còn đóng gói, có bao bì, chè thương hiệu phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng thương hiệu chè Phú Thọ. Điều quan trọng nữa là xây dựng được mối quan hệ gần gũi, tạo dựng sự hiểu biết, đoàn kết, từ đó công nhân, hộ trồng chè thêm quyết tâm, hăng say hơn trong lao động sản xuất”.

Có dịp đi thăm Nông trường chè tại xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba và Nhà máy chè Khánh Hòa tại xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền) đang khẩn trương được cải tạo, chúng tôi cảm nhận rõ nét một luồng sinh khí mới, hăng say lao động sản xuất đã được lan tỏa từ cán bộ Công ty đến những đội sản xuất, hộ ở vùng chè. Vẫn trên đồng đất ấy với những thân chè vượt nắng, vượt gió mà lên xanh nhưng giá trị từ những búp chè kỳ vọng được đổi khác.

Ông Phan Văn Vân - Cán bộ chuyên quản Ban Nông nghiệp, Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền cho biết: “Là người gắn bó với Chè Phú Bền từ những ngày đầu, đến nay chủ đầu tư mới đã có sự đổi mới trong quản trị điều hành; thực hiện các giải pháp mới từ tư duy quản lý, chú trọng tay nghề người lao động, đầu tư thiết bị, máy móc đến tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm... đem lại sự thay đổi tích cực, tôi thấy rất phấn khởi. Những đồi chè đang trong quá trình cải tạo, khôi phục, hướng đến chuẩn hóa quy trình, cho ra sản phẩm chè nguyên liệu với chất lượng đồng đều cho thấy sự liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp với người sản xuất. Tôi tin tưởng rằng, sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường, công nghệ, đẩy mạnh thâm canh, sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất”.

Trong xu thế hội nhập để tạo sự phát triển bền vững, Chè Phú Bền đang từng bước xây dựng những mục tiêu và chiến lược phát triển nhân lực song song với phát triển vùng nguyên liệu bền vững, gắn nhà máy với vùng nguyên liệu, chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cấp, cải tiến máy móc thiết bị công nghệ, quản lý tốt quy trình kỹ thuật...

Trong buổi làm việc với Chè Phú Bền dịp đầu Xuân Giáp Thìn vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã đặt niềm tin rất lớn vào mô hình hoạt động mới của Công ty, kỳ vọng sẽ xây dựng mô hình mẫu về sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh và cả nước; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu chung cho chè Phú Thọ.

Ông Nguyễn Hồng Anh - Tổng Giám đốc Vinatea khẳng định: “Chúng tôi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, phối hợp giải quyết những vấn đề còn tồn tại do lịch sử để lại. Cán bộ, người lao động Công ty quyết tâm rất lớn để tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển ngành chè của tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong xây dựng thương hiệu chè; xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng đến đồi chè; cải tạo quy trình tưới cho cây chè; tư vấn, hướng dẫn để được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh”.

Hà - Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/go-kho-co-cau-lai-san-xuat-cho-doanh-nghiep/209642.htm