Gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng

2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước… Con số này cho thấy, nhu cầu cần tiếp cận vốn của các DN đang rất cần.Thế nhưng tăng trưởng tín dụng tháng 1 lại âm, đặt ra thách thức cho cả các nhà băng và DN.

Bài toán tài chính của DN cần minh bạch, vay đúng đối tượng thì việc tiếp cận vốn vay sẽ tương đối thông thoáng hơn. Ảnh minh họa: Vietcombank

Bài toán tài chính của DN cần minh bạch, vay đúng đối tượng thì việc tiếp cận vốn vay sẽ tương đối thông thoáng hơn. Ảnh minh họa: Vietcombank

DN đăng kí mới tăng

Theo số liệu Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa công bố trong hai tháng đầu năm có 41.097 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.Trong đó, số DN thành lập mới trong 2 tháng năm 2024 là 22.128 DN, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. DN thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ.

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có thêm 5.259 DN gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số DN thành lập mới, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023. Còn khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận 236 DN thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số DN thành lập mới, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh số DN thành lập mới tăng, trong hai tháng đầu năm 2024, số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng 4,4% so với cùng kỳ, đạt 18.969 DN.

Số DN quay trở lại hoạt động tăng ở 11/17 lĩnh vực. Cụ thể: kinh doanh bất động sản (843 DN, tăng 38,7%); thông tin và truyền thông (449 DN, tăng 19,7%); công nghiệp chế biến, chế tạo (2.210 DN, tăng 14,4%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.449 DN, tăng 12,0%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (271 DN; tăng 11,5%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (85 DN, tăng 10,4%); hoạt động dịch vụ khác (576 DN, tăng 9,1%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (320 DN, tăng 5,3%); vận tải kho bãi (880 DN, tăng 2,8%); xây dựng (2.291 DN; tăng 1,5%); bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (6.856 DN, tăng 1,1%).

Báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 được các tổ chức tài chính quốc tế công bố mới đây đều nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, sau một năm “kiên định” vượt qua các “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới.

Để nền kinh tế Việt Nam phát triển được theo như dự kiến, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, chuyên gia nhận định; hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế đất nước, trên cơ sở đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 6,3% và 7,0% vào năm 2025.

Fitch Ratings cũng tin rằng, các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể khoảng 7%/năm nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.

Ngân hàng và DN cần tiếng nói chung

Ngay từ Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, ngành ngân hàng không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, DN thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng.

Có thể thấy rằng, từ đầu năm ngân hàng và DN đều hướng đến một nội dung, cần có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN. Các ngân hàng được khuyến khích giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay, nắn dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh và kiểm soát với các lĩnh vực rủi ro.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc tư vấn cấp cao Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết: một trong những yếu tố DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng là sự yếu và thiếu trong hệ thống thông tin quản lý nội bộ hiện chưa thể bắt kịp nhu cầu phát triển của DN. Trong đó có nhu cầu vốn. Bên cạnh đó cần sự tham gia của các tổ chức phân tích chuyên sâu, đáng tin cậy và cung cấp thông tin khách quan để minh bạch hóa thông tin DN.

Nên DN cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, đặc biệt là mảng tài chính - kế toán nhằm bảo đảm kiểm soát rủi ro, kết hợp áp dụng công nghệ vào quản trị. Chuẩn hóa được số liệu sổ sách, báo cáo tài chính minh bạch thông tin để cung cấp cho ban lãnh đạo cũng như các tổ chức cho vay cập nhật. Đây là điều kiện tốt nhất và nhanh nhất trong vấn đề thủ tục vay

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ: “NHNN tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại (NHTM) tập trung vốn vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực cần có sự ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ cũng như động lực góp phần làm cho tăng trưởng nền kinh tế. Đơn cử như các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, lĩnh vực điện, giao thông… Đối với các lĩnh vực này, không chỉ 4 NHTM cổ phần Nhà nước mà các NHTM cổ phần tư nhân cũng rất quan tâm. Ngoài ra nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, sửa chữa những khu chung cư cũ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh”.

TS. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị DN thuộc Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng: “sức khỏe” của các DN hiện nay vẫn nằm ở hai chữ lớn là “kinh doanh” và “tài chính”. Về vấn đề tài chính của DN, nếu như hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngày càng minh bạch hơn nữa, cộng với chính sách tín dụng cởi mở của Chính phủ thì hy vọng họ sẽ tiếp cận dòng vốn vay tương đối thuận lợi. Và lãi suất hợp lý hơn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh và hạn chế được chi phí lãi vay. Khả năng tiếp cận vốn, rút ngắn thời gian để tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay thì các DN (nhất là các DN vừa và nhỏ) cần phải nâng tầm quản lý, quản trị, nâng tầm về chiến lược kinh doanh từ ngắn hạn cho đến dài hạn. Bài toán tài chính của họ cần minh bạch, vay đúng đối tượng thì việc tiếp cận vốn vay sẽ tương đối thông thoáng hơn.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//go-kho-cho-doanh-nghiep-tiep-can-von-ngan-hang-371772.html