Gỡ khó cho doanh nghiệp Nhà nước

Thời gian qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, hệ thống doanh nghiệp (DN) Nhà nước trên địa bàn có nhiều cố gắng tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhà nước còn gặp không ít khó khăn...

Công ty TNHH Nghĩa Văn lắp đặt, vận hành 3 máy bơm công suất lớn lấy nước từ suối Thia phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã, phường ở thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Văn Tuấn)

Công ty TNHH Nghĩa Văn lắp đặt, vận hành 3 máy bơm công suất lớn lấy nước từ suối Thia phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã, phường ở thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Văn Tuấn)

Qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động từ các công ty Nhà nước sang DN 100% vốn Nhà nước và DN có vốn Nhà nước, đến nay tỉnh Yên Bài có 11 DNNN; trong đó, có 10 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Yên Bình, Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Văn Yên; 3 DN hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi gồm: Công ty TNHH Tân Phú, Công ty TNHH Nghĩa Văn, Công ty TNHH Đại Lợi; 1 DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xổ số là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Xổ số kiến thiết Yên Bái; 1 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nước sạch đô thị là Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái.

Thời gian qua, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, các DN Nhà nước đã có nhiều cố gắng tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo cung ứng các dịch vụ công, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng; tham gia quản lý nguồn tài nguyên, đất đai và quản lý khai thác rừng hiện có và hằng năm cùng với các thành phần kinh tế khác đã góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ước 8 tháng năm 2023, tổng doanh thu của DN Nhà nước đạt 115.558 triệu đồng; tổng lợi nhuận sau thuế là 4.570 triệu đồng; nộp ngân sách 16.155 triệu đồng. Tuy nhiên, các DN Nhà nước trên địa bàn hầu hết quy mô nhỏ, nguồn vốn và cơ cấu vốn không lớn, năng lực tài chính yếu, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Hiện, các công ty lâm nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn và chưa có cơ chế vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng cho các công ty lâm nghiệp.

Đối với các DN hoạt động công ích thủy lợi, do cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng bộ, nhiều công trình đã xuống cấp chưa được sửa chữa, cải tạo nâng cấp, thường xuyên xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng lến đến các công trình thủy lợi; kinh phí được hỗ trợ theo dịch vụ công ích thủy lợi còn thấp, nên không đủ kinh phí đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu; sự tham gia của khu vực tư nhân trong hoạt động đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi có quy mô phục vụ lớn, kỹ thuật phức tạp còn hạn chế; đơn giá dịch vụ cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi thấp.

DN hoạt động xổ số kiến thiết tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn, phải cạnh tranh với loại hình xổ số Vietlott của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, việc sắp xếp đổi mới các DN Nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp tỉnh theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2112/TTg-ĐMDN ngày 19/11/2015; trong đó, thực hiện giải thể Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên. Tuy nhiên, việc giải thể 2 lâm trường này đang gặp nhiều khó khăn do các khoản công nợ lớn (trên 40 tỷ đồng); phần lớn diện tích đất của các lâm trường này đã để người dân canh tác.

Mặt khác, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp không có quy định về việc phá sản đối với các công ty nông lâm nghiệp; Chính phủ chưa có chính sách về việc sắp xếp lại mô hình hoạt động của các lâm trường thuộc đối tượng trên. Do đó, không đủ điều kiện để thực hiện giải thể các công ty lâm nghiệp theo quy định; việc sắp xếp lại các lâm trường: Lục Yên và Văn Yên chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) thuộc tỉnh Yên Bái quản lý thành công ty TNHH hai thành viên trở lên chưa thực hiện được do hiện nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Do đó, chưa có cơ sở xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, lâm trường của tỉnh (chuyển từ công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thành công ty TNHH hai thành viên trở lên).

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động thúc đẩy đầu tư phát triển của DN Nhà nước trong thời gian tới, cần tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại DN Nhà nước, tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao năng lực quản lý điều hành và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; nghiên cứu thay đổi cơ cấu, mẫu mã sản phẩm; mở rộng sản xuất sản phẩm mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và mở rộng thị trường; huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn vướng mắc trong việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp để Yên Bái có cơ sở thực hiện sắp xếp mô hình hoạt động các công ty lâm nghiệp, lâm trường thuộc tỉnh quản lý cho phù hợp.

Đồng thời, sớm có văn bản quy định chi tiết về chính sách hỗ trợ ngân sách để giải quyết tồn tại về tài chính đối với các công ty lâm nghiệp thực hiện giải thể nhưng mất khả năng thanh toán để tỉnh có cơ sở sắp xếp lại mô hình hoạt động của Lâm trường Lục Yên và Lâm trường Văn Yên và cho áp dụng hình thức phá sản DN đối với các lâm trường không đủ điều kiện giải thể.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và cấp kinh phí sửa chữa lớn cho các công trình thủy lợi để có kinh phí đầu tư sửa chữa lớn các công trình, hệ thống tưới tiêu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ được giao.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301752/go-kho-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc.aspx