'Go Global' là khả thi với doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ Dữ liệu, Cloud

Doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu công nghệ mới, sản phẩm mới, dần thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các Big Tech. Việc 'Go Global' hoàn toàn nằm trong khả năng.

“Thị trường dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) và trung tâm dữ liệu (Data center – DC) đang diễn ra những cuộc cạnh tranh khá âm thầm nhưng cũng không kém phần khốc liệt” - nhận định của ông Lê Xuân Quế, Phó Giám đốc Viettel IDC tại Hội thảo bàn tròn "Cơ hội lớn cho Data center & Cloud Việt Nam" trong khuôn khổ Internet Day 2023 khiến nhiều người tò mò.

Ông Lê Xuân Quế, Phó Giám đốc Viettel IDC

Với mong muốn tìm hiểu thêm thông tin cụ thể, chi tiết hơn, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Lê Xuân Quế.

Nhiều lợi thế giúp nhà cung cấp nội địa “đối mặt” với Big Tech

Theo ông, “làn sóng” doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam kéo theo nhu cầu như thế nào về hạ tầng số nói chung, dịch vụ Cloud và DC nói riêng tại thị trường Việt?

Ông Lê Xuân Quế: Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đa số là doanh nghiệp lớn, đa quốc gia và có mức độ trưởng thành số, áp dụng công nghệ rất cao. Nên khi đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ triển khai các hệ thống quản trị, điều hành và sản xuất tiên tiến, đồng bộ với các hệ thống toàn cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, để tuân thủ những quy định về việc quản lý, lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam (như Luật An ninh mạng, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân…), doanh nghiệp đầu tư nước ngoài yêu cầu các nhà cung cấp hạ tầng số tại Việt Nam phải đủ năng lực về quy mô, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như có khả năng kết nối quốc tế thông suốt và an toàn.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ Cloud và DC nói riêng tại Việt Nam, đây là cơ hội lớn để có thể đẩy mạnh việc đầu tư, mở rộng hạ tầng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ngày càng nhiều Big Tech về Cloud và DC có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Các nhà cung cấp nội địa liệu có có ưu thế cạnh tranh hay không khi so với Big Tech?

“Làn sóng” đầu tư nước ngoài cũng kéo theo sự đẩy mạnh đầu tư từ những nhà cung cấp dịch vụ Cloud và DC quốc tế thuộc diện Big Tech vào Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ nội địa nếu không tận dụng sớm thời cơ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thì thị trường Việt Nam có nguy cơ rơi vào tay Big Tech, doanh nghiệp Việt sẽ bị thua ngay trên “sân nhà”, bởi Big Tech có lợi thế về quy mô, công nghệ, và đặc biệt họ đã đi trước khá xa so với các nhà cung cấp trong nước ở mảng Cloud.

Số liệu mới đây của Câu lạc bộ Cloud và DC Việt Nam (VNCDC) cho thấy, hiện có đến gần 80% thị phần dịch vụ Cloud đang nằm trong tay các Big Tech. Nguyên nhân là do các nhà cung cấp nội địa vẫn chủ yếu tập trung vào mảng hạ tầng IaaS (cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ), còn các dịch vụ lớp trên PaaS (nền tảng dưới dạng dịch vụ), SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) vẫn chưa khai thác được nhiều, nên những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và những startup cần một hệ sinh thái đầy đủ sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ của Big Tech. Cùng với đó, như tôi vừa đề cập ở phần trên, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng ưu tiên sử dụng dịch vụ Cloud của Big Tech khi đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp nội địa cũng có những lợi thế để có thể “đối mặt” với Big Tech. Đầu tiên, đó chính là yếu tố an ninh, an toàn. Các nhà cung cấp trong nước sẽ có lợi thế về hạ tầng, kết nối được triển khai trong nước, đáp ứng đầy đủ các quy định về lưu trữ dữ liệu của Việt Nam, có đội ngũ chuyên gia/kỹ sư an toàn thông tin luôn sẵn sàng tư vấn, triển khai, hỗ trợ cho khách hàng khi có các vấn đề phát sinh.

Thứ hai, các nhà cung cấp nội địa có sự thấu hiểu khách hàng, có thể cung cấp dịch vụ một cách linh hoạt, đáp ứng đa dạng nhu cầu, tối ưu chi phí cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng cho khách hàng.

Cách thức kinh doanh của Big Tech có điểm khác biệt gì so với doanh nghiệp Việt?

Vì đã gia nhập thị trường sớm và triển khai trên quy mô toàn cầu, nên cách thức kinh doanh của các Big Tech cũng có nhiều điểm khác biệt. Họ cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, đầy đủ từ IaaS đến PaaS, SaaS với mức độ chuẩn hóa, tự động hóa cao, yêu cầu người dùng/doanh nghiệp cần có trình độ hiểu biết nhất định về công nghệ để có thể tự lựa chọn và sử dụng dịch vụ.

Còn các nhà cung cấp trong nước, dù quy mô nhỏ hơn nhưng gần khách hàng hơn, có đội ngũ chuyên gia/kỹ sư trong nước, do đó ngoài việc cung cấp công cụ cho khách hàng có thể tự phục vụ (self-service) theo nhu cầu, còn hoàn toàn có thể tham gia tư vấn, xây dựng giải pháp phù hợp cho từng khách hàng. Đây chính là điểm khác biệt, lợi thế của các nhà cung cấp trong nước mà các Big Tech chưa thể làm được.

Các nhà cung cấp trong nước không ngừng chuẩn hóa, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và lấy được các chứng chỉ quốc tế quan trọng.

Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt về các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới công nghệ - kỹ thuật, tài chính… khi cung cấp dịch vụ Cloud, DC?

Với mục tiêu cung cấp dịch vụ được cho doanh nghiệp quốc tế, đồng thời cạnh tranh được với Big Tech, các nhà cung cấp trong nước bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế.

Trong những năm gần đây, các nhà cung cấp trong nước không ngừng chuẩn hóa, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và lấy được các chứng chỉ quốc tế quan trọng, tương đương với các nhà cung cấp nước ngoài. Có thể chia ra 3 loại chính gồm: Tiêu chuẩn về thiết kế, triển khai hạ tầng và đảm bảo chất lượng dịch vụ như: TIA 942-B-2017, Uptime, ISO 9001, ISO 2000-1; Tiêu chuẩn về an toàn thông tin như: ISO 27001, ISO 27017, ISO 27018, PCI-DSS; Tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động, môi trường, năng lượng và phát triển bền vững như: ISO 45001, ISO 14001, ISO 50001.

Điều này khẳng định năng lực đáp ứng của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng hạ tầng cũng như dịch vụ của các nhà cung cấp nội địa.

Tìm lời giải cho “bài toán” cạnh tranh

Ông ước tính quy mô thị trường cloud, data center tại Việt Nam tới năm 2025 và 2030 sẽ đạt mức độ nào? Doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ hạ tầng số, đặc biệt là Cloud, DC sẽ có dư địa thị trường ra sao?

Nghiên cứu của VNCDC chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud nội địa đã đưa mức doanh thu đạt được từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 tăng vọt lên hơn 2.300 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%. Đến năm 2025, quy mô thị trường Cloud Việt Nam sẽ đạt khoảng 768 triệu USD (hơn 18.400 tỷ đồng). Và với tốc độ như vậy thì tới năm 2030 có thể đạt 3 tỷ USD.

Việt Nam được đánh giá là một trong 100 thị trường mới nổi trên thị trường Cloud và DC với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, số lượng DC tại Việt Nam chiếm chưa tới 1% số lượng DC toàn cầu. Thị trường Cloud tại Việt Nam cũng mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với thị trường Cloud toàn cầu.

Điều đó cho thấy thị trường Cloud và DC Việt Nam còn rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển.

Doanh nghiệp Việt đang được đánh giá là có ưu thế cạnh tranh về giá so với các nhà cung cấp dịch vụ Cloud, DC quốc tế, nhiều khi mức giá rẻ hơn tới 50%. Tuy nhiên, cạnh tranh về giá sẽ khiến doanh nghiệp khó thu hồi vốn và mở rộng đầu tư. Ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp Việt để có thể phát triển bền vững?

Giá cả được xem là một lợi thế của các nhà cung cấp nội địa trong một số dịch vụ do các doanh nghiệp nội địa có sẵn hạ tầng. Tuy nhiên, lợi thế về giá là lợi thế ngắn hạn, không phải là lợi thế lâu dài.

Để có thể phát triển một cách bền vững, các doanh nghiệp Việt cần tập trung, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ mới, sản phẩm mới, từ đó thu hẹp khoảng cách về công nghệ với các Big Tech, cũng như tập trung vào các ngành hẹp (vertical) mà doanh nghiệp Việt không chỉ có lợi thế về công nghệ mà còn cả chuyên môn, hiểu biết về ngành như: Năng lượng (điện, dầu khí...), nước, y tế, giáo dục...

Các doanh nghiệp Việt cần tập trung, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ mới, sản phẩm mới để có thể phát triển một cách bền vững

Vừa phải cạnh tranh về chất lượng với các doanh nghiệp siêu lớn từ nước ngoài lại vừa phải cạnh tranh về giá cả với các đơn vị siêu nhỏ trong nước, các doanh nghiệp như Viettel IDC sẽ làm gì để “nắm phần thắng” tại thị trường Việt?

Chúng tôi không cho rằng sức ép cạnh tranh là một điều gì đó cản trở đối với mình. Sự cạnh tranh sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Tại Viettel IDC, chúng tôi luôn tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia, kỹ sư lành nghề để có thể làm chủ, phát triển, nâng cao chất lượng và hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ.

Một trong những chiến lược của Viettel IDC đối với các Big Tech quốc tế là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Chúng tôi vẫn đẩy mạnh việc hợp tác với các hãng công nghệ lớn trên thế giới, trở thành đối tác của họ để đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, hướng tới mô hình “One-stop shopping” (cửa hàng một điểm đến) phục vụ khách hàng.

Ngoài ra, một mục tiêu quan trọng nữa chúng tôi đặt ra đó là chúng tôi không chỉ chú trọng về lợi nhuận mà còn hướng tới phát triển bền vững thông qua áp dụng tiêu chuẩn ESG. ESG giúp doanh nghiệp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến môi trường, góp phần tối ưu hóa chi phí sử dụng năng lượng, dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tiềm năng.

Viettel cũng muốn khẳng định trách nhiệm của mình với cộng đồng, với thế giới thông qua việc sử dụng công nghệ một cách có ý thức, mang lại giá trị và tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và thế giới xung quanh. Đây cũng sẽ là “điểm cộng” của Viettel IDC trong mắt các khách hàng khi quyết định lựa chọn đồng hành cùng chúng tôi trên hành trình chuyển đổi số.

“Go Global” là hành trình không dễ dàng nhưng vẫn nên thử sức

Doanh nghiệp công nghệ Việt giờ đây không chỉ bằng lòng với việc chiếm lĩnh thị phần trong nước mà còn có xu hướng tiến ra thị trường quốc tế. Theo ông, các doanh nghiệp Việt trong mảng Cloud, DC có thể “Go Global” hay không?

Cũng giống như câu chuyện Viettel “Go Global” về mảng viễn thông cách đây 17 năm. Vào thời điểm ấy, nhiều người cho rằng đây là chuyện bất khả thi do thị trường viễn thông quốc tế rất cạnh tranh với nhiều nhà mạng lớn như AT&T, Vodafone... Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại, mảng viễn thông của Viettel cho đến nay đã có chỗ đứng vững chắc tại những thị trường mà Viettel đầu tư.

Đối với thị trường Cloud và DC, tôi cho là cũng giống vậy. Việc “Go Global” là hoàn toàn nằm trong khả năng của các doanh nghiệp Việt nếu chúng ta đặt ra được một chiến lược cụ thể, lựa chọn đúng thị trường, sản phẩm kinh doanh nhằm phát huy các thế mạnh sẵn có.

Việc “Go Global” là hoàn toàn nằm trong khả năng của các doanh nghiệp Việt.

Viettel IDC có kế hoạch mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới hay không?

Viettel IDC đã bắt đầu cung cấp dịch vụ Cloud tại Campuchia từ năm 2021 và đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh hơn nữa tại đây.

Ngoài Campuchia, chúng tôi cũng có kế hoạch tiến ra một số thị trường khác trong thời gian tới. Chúng tôi tự tin sản phẩm dịch vụ của Viettel IDC có thể đáp ứng được khách hàng tại những thị trường mà chúng tôi hướng đến. Kế hoạch cụ thể xin phép chưa chia sẻ.

Để có “lời giải” cho “bài toán” vừa phải cung cấp dịch vụ giá rẻ lại vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các dịch vụ tầm quốc tế, Viettel IDC sẽ làm gì, thưa ông?

Thay vì hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ giá rẻ, chúng tôi tập trung vào việc cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trên thị trường quốc tế. Và để làm được điều đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đáp ứng xu hướng quốc tế, trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, để phần nào tối ưu chi phí cho khách hàng, chúng tôi cũng cố gắng tối ưu bộ máy hoạt động để tối ưu năng suất, tối ưu thời gian, chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Ông có đề xuất, khuyến nghị gì về những việc cần làm của các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ Cloud, DC trên hành trình “vươn ra biển lớn”?

Về mặt quan điểm của Viettel IDC, chúng tôi cho rằng để có thể “vươn ra biển lớn”, các doanh nghiệp nói chung cần xây dựng một chiến lược, kế hoạch cụ thể và chuẩn bị nguồn lực phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần phải tự chủ về công nghệ để giảm sự phụ thuộc và tối ưu chi phí trong hành trình tìm vị thế tại trường quốc tế.

Bản thân Viettel IDC cũng phải lên kế hoạch từ nhiều năm trước. Đây là hành trình không hề dễ dàng, nhưng tôi cho rằng chúng ta vẫn nên thử sức và đặt mục tiêu lớn nhằm đưa doanh nghiệp Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.

Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn nhiều thông tin thú vị!

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/go-global-khong-phai-la-chuyen-bat-kha-thi-2226629.html