Gỡ 'điểm nghẽn' cung - cầu lao động - Bài 2: Chú trọng đào tạo lao động chất lượng cao

Quá trình tìm hiểu tại một số khu công nghiệp (KCN), chúng tôi nhận thấy, trình độ, kỹ năng của người lao động (NLĐ) đã được cải thiện, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới.

Điều này đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục có những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới.

Rào cản về trình độ, kỹ năng người lao động

Trên bình diện chung, trình độ, kỹ năng của NLĐ Việt Nam chưa cao, nhiều lao động chỉ ở mức phổ thông, chưa qua đào tạo nên việc sẵn sàng cho các công việc bị hạn chế rất nhiều. Ở một khía cạnh khác, báo cáo về tình hình thị trường lao động những năm gần đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Trên diện rộng, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

 Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên (Thái Nguyên) có dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động nên đòi hỏi người lao động có trình độ, tay nghề cao.

Công ty Cổ phần Prime Phổ Yên (Thái Nguyên) có dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động nên đòi hỏi người lao động có trình độ, tay nghề cao.

Một trong những công nhân nằm trong diện cắt giảm nhân sự tại Tập đoàn ALUKO Group (KCN Điềm Thụy, phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), chị Lù Thị Tối, người dân tộc Giáy, ở xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng nhận ra những điểm yếu của mình. Chị Tối chia sẻ: “Tôi đã ngoài 40 tuổi nhưng đến trước Tết Nguyên đán 2023 mới lần đầu xa nhà đi làm công nhân. Không có trình độ, tôi được công ty đào tạo nhanh và tuyển dụng. Tôi được sắp xếp làm ở bộ phận mài phụ kiện, sau đó công ty điều chuyển tôi sang bộ phận dập máy, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao hơn, nhưng tôi không đáp ứng được. Vì vậy, lần này tôi nằm trong diện cắt giảm nhân sự. Hiện nay, công ty nào cũng có yêu cầu cao về kỹ năng tay nghề, nên cơ hội tìm được việc làm của tôi rất khó khăn”.

Cùng là công nhân trên địa bàn TP Phổ Yên, mức thu nhập của anh Hà Ngọc Sáng, công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam lại là mơ ước của nhiều người. Anh Sáng cho biết, nếu tăng ca đều, mức lương trung bình của anh là 13-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lương này, anh Sáng đã trải qua nhiều đợt đào tạo nâng cao trình độ tay nghề theo chương trình hỗ trợ đào tạo lao động (trình độ sơ cấp trở xuống) cho dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng thời tự rèn luyện những kỹ năng mềm (khả năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, thái độ làm việc, tính kỷ luật...).

Có thể thấy, khi có biến động về việc làm, lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật sẽ là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Còn lao động có tay nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Theo một khảo sát của Manpower Group Việt Nam (công ty trong lĩnh vực nhân sự), ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%. Con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của NLĐ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao. Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Cùng với đó, lao động Việt Nam cũng gặp khó khăn khi không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ.

Đổi mới hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục, tận dụng thời cơ dân số vàng là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Để bảo đảm chất lượng đào tạo nghề, năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp giữ ổn định số lượng tuyển sinh như mọi năm và thực hiện chương trình đào tạo với thời lượng 30-40% lý thuyết và 60-70% thực hành. Các nhà trường tuyển sinh số lượng lớn những ngành nghề mà thị trường có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có sự thay đổi theo từng giai đoạn và yêu cầu ngày càng cao đối với NLĐ nên các nhà trường tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, nhận học sinh, sinh viên đến thực tập và làm nghề, qua đó giúp các em ra trường đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhiều công ty, cơ sở sản xuất thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề cao (Cơ sở sản xuất gỗ nội thất Phúc Thơm ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội).

Nhiều công ty, cơ sở sản xuất thiếu lao động có chuyên môn, tay nghề cao (Cơ sở sản xuất gỗ nội thất Phúc Thơm ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội).

Về vấn đề này, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội cho rằng, nguồn nhân lực ở nước ta hiện còn nhiều điểm yếu như: Tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; khả năng tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc hoặc sự nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp chưa cao. Trong quá trình đào tạo, nhà trường bám sát vào nhu cầu của thị trường, của các doanh nghiệp, trong đó chiến lược xuyên suốt là luôn luôn đổi mới và dành ít nhất 70% thời gian dạy thực hành cho sinh viên. Hiện nay, nhà trường có những chương trình gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Tuy nhiên, việc phối hợp đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng cần sự phối hợp một cách cởi mở và cầu thị để phù hợp với yêu cầu của cả hai bên.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuyên, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết: “Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, phần lớn lao động của chúng ta không được đánh giá cao do ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hóa các nước chưa cao... Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp để nâng chất lượng lao động, đào tạo lao động có những kỹ năng mới như kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập chất lượng cao. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giúp NLĐ biết quyền và nghĩa vụ của bản thân để có thể chủ động yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu nâng cao tay nghề”.

Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết thêm: "Việc đào tạo nâng cao tay nghề là việc làm thường xuyên của ngành lao động. Trong đó chú trọng vào vấn đề đào tạo lao động trong doanh nghiệp. NLĐ cần cải thiện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tay nghề và khả năng thích ứng với công việc. Về phía các nhà tuyển dụng, cần quan tâm hơn về tiền lương, thu nhập và quyền lợi cho NLĐ, đặc biệt là tập trung đào tạo nghề cho NLĐ cả trước, trong và sau quá trình tham gia thị trường; tổ chức các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu nền kinh tế, khi đó khả năng khớp nối cung-cầu lao động mới tốt hơn, việc làm lúc đó mới thực sự bền vững...

(còn nữa)

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-diem-nghen-cung-cau-lao-dong-bai-2-chu-trong-dao-tao-lao-dong-chat-luong-cao-724683