Giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật

Xác định khoa học kỹ thuật có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn là cầu nối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Nhờ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nông dân xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) trồng bắp sinh khối cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: NGỌC HÂN

Nhờ được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nông dân xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) trồng bắp sinh khối cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: NGỌC HÂN

Hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống

Ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cho biết, các chương trình khuyến nông đã ăn sâu vào nếp sản xuất hằng ngày của người nông dân, từ tập huấn về khoa học kỹ thuật đến hỗ trợ các mô hình trình diễn, công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất truyền thống.

Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, cây, con giống, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ nông dân vốn mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ đó, xã Hòa Phú đã xây dựng thành công mô hình trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi heo, bò, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bà Đào Thị Hoa cùng 9 hộ khác ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) đã nhận nuôi 5.300 con vịt biển Đại Xuyên theo dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học. Sau 2 tháng nuôi, tỉ lệ vịt nuôi sống đạt 95%, trọng lượng 2,7kg/con và hiện mô hình được nhiều hộ áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, gia đình tôi được nhận nuôi 520 con vịt biển. Nhờ tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi, chăm sóc nên vịt lớn nhanh và dễ thích nghi với môi trường nuôi nước ngọt. Ngay lứa nuôi đầu tiên, trung bình mỗi con đạt khoảng 2,5kg trở lên, với giá bán từ 100.000-110.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí, lãi gần 20.000 đồng/con nên tôi tiếp tục gầy đàn nuôi”, bà Hoa phấn khởi nói.

Còn gia đình ông Lê Tân ở phường Hòa Hiệp Bắc (TX Đông Hòa) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn triển khai thực hiện mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong bể xi măng. Mô hình này có diện tích gần 70m2, thả nuôi 680 con cá chình giống (kích cỡ con giống khoảng 100g/con), sau hơn 2 tháng thả nuôi, hiện cá phát triển tốt.

Ông Tân cho biết: Nhờ có kinh nghiệm nuôi cá lóc, cá trê, cộng thêm các hướng dẫn của cán bộ khuyến ngư, nên việc nắm bắt quy trình nuôi cá chình bông thương phẩm cũng khá dễ dàng. Vì cá chình rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường nên khi nước trong ao xấu, tôi kịp thời xử lý và thay nước. Mỗi lần thay nước không vượt quá 1/3 lượng nước trong ao và chỉ thay hơn 1/3 nước khi thật sự cần thiết, đồng thời ao nuôi cần duy trì hệ thống sục khí để cung cấp thêm oxy cho cá chình phát triển”.

Ứng dụng tốt, hình thành chuỗi liên kết

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trung tâm đã nỗ lực tìm tòi, tiếp cận các mô hình mới, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân rộng tại các địa phương.

“Hiện nhiều mô hình sau khi được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật như: Ủ phân hữu cơ; ủ chua dự trữ thức ăn xanh và chế biến phối trộn thức ăn cho bò; kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm sò; kỹ thuật chiết ghép cây ăn trái… giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, nhân công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp”, ông Tuấn cho hay.

Tại xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), năm 2023, sau khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ các hộ dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật liên quan đến cải tạo, làm nền và ghép bạt ruộng muối…, đến nay địa phương này đã xây dựng thành công mô hình sản xuất muối sạch trải bạt theo chuỗi liên kết, giúp đầu ra tiêu thụ ổn định.

Bà Trần Thị Về ở xã Xuân Bình cho hay: Từ một vài hộ sản xuất nhỏ lẻ, hiện bà con nông dân chúng tôi đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất muối trải bạt lên hơn 30ha và tăng sản lượng muối 5.000-7.000 tấn/năm với 3 sản phẩm muối đạt OCOP 3 sao.

Còn tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân), mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Ông Phạm Lê Hoàng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Đồng Xuân, cho hay: “Sản lượng bắp sinh khối ước đạt 50-60 tấn/ha, tính ra giá trị thu về hơn 35 triệu đồng/ha, nếu trồng 3-4 vụ/năm thì có thể thu về hơn 100 triệu đồng/ha. Hơn nữa, tất cả diện tích trồng bắp sinh khối đều được Công ty TNHH Trang trạibò sữa Công nghệ cao Phú Yên bao tiêu, tạo động lực và niềm tin cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích”.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định: “Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn với hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết. Ngoài ra, trung tâm đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ; nhân rộng mô hình sử dụng máy bay không người lái; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn trái; trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính. Đặc biệt, trung tâm xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch…”.

Để người nông dân thực sự làm chủ khoa học kỹ thuật, khi xây dựng mô hình và tổ chức hướng dẫn chuyển giao, đơn vị cần xác định rõ lợi thế của mỗi địa phương, áp dụng kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền. Quan trọng nhất, mỗi cán bộ khuyến nông phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đa dạng hình thức chia sẻ thông tin.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/312832/giup-nong-dan-lam-chu-khoa-hoc-ky-thuat.html