Giúp nông dân làm chủ công nghệ

Được xem là một trong những 'chìa khóa' giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho hội viên nông dân (HVND) là một trong những hoạt động được các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng, giúp nông dân tiếp cận quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giảm chi phí, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)...

Hộ hội viên nông dân ở thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho năng suất, chất lượng cao.

Hộ hội viên nông dân ở thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) phát triển mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho năng suất, chất lượng cao.

Tại huyện Lạc Thủy, gia đình anh Phí Đình Thịnh, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi - thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã xây dựng lại mô hình trồng thanh long bằng phương pháp cho leo giàn trên trụ hình chữ T theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2020. Anh Thịnh cho biết: Đây là kỹ thuật trồng thanh long mới. Với mô hình này, mỗi gốc chỉ trồng cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích, sức lao động lại tăng năng suất, lợi nhuận cũng cao hơn so với cách trồng truyền thống. Hơn nữa, trồng thanh long theo phương pháp này thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bởi vậy, gia đình chăm sóc thanh long dễ dàng bằng cách lắp béc tưới phun tự động, khi chăm sóc hay thu hoạch chỉ cần đi thẳng giữa các hàng. Diện tích giữa các giàn thanh long được tận dụng trồng thêm cỏ lạc tạo thảm thực vật, giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn, do đó quả luôn đạt chất lượng và độ thơm ngọt.

Cũng như gia đình anh Thịnh, nhiều hộ trồng thanh long ở thị trấn Ba Hàng Đồi dần chuyển sang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên giàn chữ T, góp phần giúp một số diện tích thanh long của huyện đã được cấp mã số vùng trồng, từng bước hướng tới xuất khẩu.

Thời gian qua, xác định vai trò của KHKT trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cấp HND trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, HVND tích cực học tập, ứng dụng KHKT, chuyển đổi mô hình kinh tế... Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) được chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Hoạt động phối hợp hướng dẫn xây dựng HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng liên kết được các cấp Hội quan tâm thực hiện… 9 tháng năm nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 144 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 8.546 HVND, nội dung về chăm sóc cây lúa giảm phân bón vô cơ, phòng trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, quy trình thâm canh lúa bền vững, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản… Qua khảo sát nhu cầu học nghề của HVND, các cấp Hội phối hợp tổ chức 78 lớp nghề về nấu ăn, thêu, mây tre đan, may công nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi, trồng trọt... cho trên 2.500 HVND; phối hợp tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm cho trên 300 HVND tại huyện Tân Lạc; giới thiệu việc làm cho 20 hội viên trong lĩnh vực may công nghiệp...

Góp phần "trao cần câu cho nông dân”, các cấp Hội thực hiện tốt hoạt động nhận tín chấp, ủy thác vốn với các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, trong toàn tỉnh có hàng nghìn hộ HVND được hỗ trợ vay vốn phát triển SXKD, tổng dư nợ trên 3.794 tỷ đồng. Hiệu quả từ các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với nông dân đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi phát triển. Từ việc áp dụng KHKT đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tiêu thụ nông sản hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao như: trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng thanh long leo giàn, chăn nuôi bò sữa ở huyện Lạc Thủy; trồng cam VietGAP, chế biến các sản phẩm từ cam ở huyện Cao Phong; trồng bưởi đỏ VietGAP ở huyện Tân Lạc...

Đồng chí Lê Văn Thạch, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Từ hiệu quả của các hoạt động chuyển giao KHKT, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nông dân trong tỉnh đang dần chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển các loại gia súc, gia cầm chất lượng cao nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước hướng tới xây dựng nền nông nghiệp tỉnh thông minh, hiện đại, bắt kịp với xu thế. Đồng thời, hoạt động của các cấp Hội đã quy tụ, tập hợp sự tham gia của đông đảo HVND, qua đó tăng cường sự đoàn kết, gắn bó của HVND với nhau và với tổ chức Hội.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/182516/giup-nong-dan-lam-chu-cong-nghe.htm