Giúp dân trên những cung đường 'nóng'

Không ít lần, trong các cuộc họp và trên diễn đàn Quốc hội, lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an luôn nhấn mạnh tinh thần 'quan tâm đến người yếu thế' của CBCS Công an, đặc biệt là đối với CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường, bởi khi người dân gặp khó khăn, tai nạn, hỏng xe, hết xăng, thậm chí hỗ trợ phụ nữ sinh nở trên đường không có ai kịp thời bằng CSGT.

Quán triệt tinh thần đó, CBCS lực lượng CSGT luôn nỗ lực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đồng thời giúp đỡ người dân khi họ cần.

Cán bộ CSGT giúp tài xế xe khách dán cảnh báo phản quang, đảm bảo an toàn khi lưu thông trên cao tốc vào buối tối. Ảnh chụp tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

1. Cao tốc Cam Lộ - La Sơn những ngày tháng 4, dù mới đầu hè nhưng nắng nóng ở các tỉnh miền Trung rất gay gắt, đặc biệt, trên mặt đường vào buổi trưa nhiệt độ thường lên tới hơn 60 độ C, cá biệt có những thời điểm xấp xỉ 70 độ C. Nắng nóng như vậy, nếu ai có việc phải bước xuống đường, chắc chắn sẽ là cực hình, bởi ngoài mặt trời chiếu cháy mặt còn có gió Lào bỏng rát và hơi nóng hầm hập dưới đường bốc lên. Cũng vì nắng nóng, trung bình mỗi ngày trên tuyến có tới 4 -5 phương tiện bị nổ lốp, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nhưng, đối với CBCS Đội Thanh tra kiểm soát (TTKS) đường bộ cao tốc số 5 (Đội 5), Phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, đường sắt (Phòng 6), Cục CSGT thì dù nắng như thiêu như đốt hay lạnh thấu xương, anh em vẫn phải túc trực trên đường để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Cam Lộ - La Sơn là tuyến cao tốc được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian gần đây bởi nhiều vụ TNGT liên tiếp xảy ra, đặc biệt là 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết (trong đó có 2 vợ chồng, 3 mẹ con) khiến dư luận bức xúc. Bộ Giao thông vận tải đã phải tổ chức phân luồng, cấm xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe tải từ 6 trục trở lên vào cao tốc này.

Theo đó, CBCS Đội 5, Phòng 6, Cục CSGT và Tổ CSCĐ thuộc Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ (Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an) tập trung toàn bộ lực lượng để phân luồng, hướng dẫn giao thông. Không chỉ làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn, lực lượng Công an còn phát tờ rơi cho các tài xế để cảnh báo tai nạn, ghi số điện thoại để họ liên hệ khi có tình huống khẩn cấp, nhờ họ cung cấp thông tin, hình ảnh nếu phát hiện phương tiện khác gặp sự cố; chia lực lượng thành 3 chốt, chốt 1 đóng tại Km 01, chốt 2 tại Km 51 và chốt 3 tại Km 102 (điểm cuối cùng của cao tốc Cam Lộ - La Sơn giáp Đà Nẵng) để hỗ trợ kịp thời người dân.

Csgt Công an tỉnh Tuyên Quang dùng xe đặc chủng đưa người dân qua chỗ ngập sâu trên quốc lộ 2 và làm cọc tiêu hướng dẫn người dân đi lại an toàn .

Nhờ có sự hướng dẫn và số điện thoại khẩn cấp của CSGT, hàng loạt sự cố trên đường đã được lực lượng chức năng ứng cứu, giúp đỡ kịp thời. Thiếu tá Lê Xuân Thưởng, Đội trưởng Đội 5 chia sẻ, qua việc phát tờ rơi, có nhiều trường hợp xe ôtô lưu thông trên tuyến đường này gặp sự cố đã được hỗ trợ kịp thời. Hầu hết các sự cố hư hỏng xe đột xuất, nhất là nổ lốp xảy ra vào ban đêm, hoặc giữa trưa nắng. Do cao tốc này chỉ có hai làn xe và chưa có điểm dừng nghỉ, nếu không được kịp thời hỗ trợ, nguy cơ xảy ra TNGT, đặc biệt xe sau húc vào xe trước gây tai nạn như đã xảy ra. Chính vì vậy, có điện thoại của CSGT, các lái xe đã liên hệ ngay khi gặp sự cố xảy ra trên đường.

Anh Trịnh Xuân Phú, chủ xe ôtô đầu kéo 36H 044.70 xúc động cho biết: “Xe tôi giữa đêm bị sự cố. Nhớ lại vụ việc hôm trước khi xe tải bị nổ lốp phải dừng lại, xe khách thiếu quan sát dẫn đến tai nạn khiến 2 vợ chồng tử vong, nhiều người bị thương khiến tôi rất lo lắng. Rất may, trước khi vào cao tốc, tôi được các cán bộ CSGT đưa cho tờ rơi có số điện thoại. Lúc đó, 0h30 đêm nhưng khi tôi gọi, các đồng chí CSGT bắt máy ngay, hướng dẫn tôi đặt cảnh báo, ít phút sau các anh ấy có mặt phân luồng, chỉ dẫn, gọi xe cứu hộ để đưa xe tôi đến điểm an toàn. Tôi vô cùng biết ơn, nếu không có các anh ấy thì tôi không biết xoay xở thế nào”.

2. Sau khi từ “cõi chết” trở về, chị Lê Thị Thủy, SN 1987, trú ở phường Cốc Lếu, Lào Cai đã cùng chồng đến Đội TTKS đường bộ cao tốc số 1 của Cục CSGT ở Sóc Sơn, Hà Nội để cảm ơn. Nói không hết bằng lời, chị Thủy đã viết thư gửi tới tổ công tác, đặc biệt là đồng chí Trần Anh Tuấn để bày tỏ hết tấm lòng của mình. Chị Thủy cho biết, ngày 24/3, chị đang trên đường Lào Cai đi Hà Nội thì phát hiện bản thân có biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, khó thở, sau đó thấy tê cứng một bên tay.

“Lúc đó, tôi vô cùng hoang mang, hi vọng duy nhất là nhờ CSGT giúp đỡ. Tôi loạng choạng lái xe đến km06 – nơi tổ công tác CSGT đang làm việc. Thấy tôi có biểu hiện bất thường, các cán bộ CSGT đã nhanh chóng lái xe đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu, bảo lãnh cho tôi nhập viện. Sau gần 10 ngày cấp cứu, tôi đã hồi phục hoàn toàn, thật sự là “từ cõi chết trở về”. Nếu như không có sự quyết đoán và kỹ năng chuyên nghiệp của các đồng chí CSGT nhanh chóng đưa tôi nhập viện trong thời gian “vàng” thì tôi không biết sẽ như thế nào. Gia đình tôi vô cùng biết ơn tổ công tác, đặc biệt là đồng chí Trần Anh Tuấn đã hỗ trợ tôi trong suốt quá trình trên”.

Được biết, chị Thủy là một trong rất nhiều người được CSGT giúp đỡ, cấp cứu khi gặp sự cố trên đường. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời đó mà họ đã “tai qua nạn khỏi”, bình an trở về. Như trường hợp cháu L.P.T. (8 tháng tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp) đang được xe cấp cứu chở đi Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) nhưng đến đoạn Km31+600 thuộc TP Tân An (tỉnh Long An) thì xe cứu thương bị hỏng đột ngột phải dừng lại. Lúc đó là 2h sáng. Người nhà cháu như “ngồi trên đống lửa” bởi cứ mỗi giây trôi qua thì tính mạng của bé càng nguy hiểm hơn.

Rất may, tổ TTKS cơ động của Đội TTKS giao thông số 7 thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện xe cứu thương đang dừng ở làn khẩn cấp nên nhanh chóng tiếp cận, đặt cảnh báo rồi dùng xe đặc chủng chuyên dụng cùng người nhà nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Theo các y, bác sĩ, trường hợp trên nếu không kịp thời cứu chữa, cháu T. sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Cán bộ CSGT tặng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn cho người dân.

3. Không thể kể hết những công việc, việc làm của CBCS lực lượng CSGT đã giúp đỡ người dân trên đường. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, mưa bão, thời tiết nguy hiểm. Hình ảnh những cán bộ CSGT dầm mình trong lũ làm cọc tiêu sống giữa biển nước để giúp phương tiện đi lại an toàn hay các CBCS giữa đêm ngụp lặn để cứu người chết đuối, cứu sống những người nhảy cầu quyên sinh; hình ảnh CSGT chuyên dụng chở thí sinh đến điểm thi an toàn hay tặng quà, hỗ trợ người dân trên đường về quê đón Tết đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục CSGT thì mỗi năm, CBCS CSGT giúp đỡ hàng trăm người gặp hoạn nạn ngoài đường. Như năm 2023, có hơn 100 gương người tốt, việc tốt của CSGT với rất nhiều hành động, việc làm được người dân, báo chí khen ngợi.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT khẳng định: “Giúp dân không chỉ là trách nhiệm, nhiệm vụ mà còn là lương tâm, tình người của từng CBCS CSGT khi làm nhiệm vụ.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/giup-dan-tren-nhung-cung-duong-nong-i729721/