Giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới

Thời gian qua, BĐBP Cao Bằng đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, tự giác giao nộp vũ khí, góp phần hạn chế những tai nạn rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Người dân xóm Cáp Cán, xã Xuân Trường tự giác đến giao nộp vũ khí cho lực lượng chức năng. Ảnh: Huy Dương

Cáp Cán là xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng với 74 hộ dân, 374 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày và Nùng sống đan xen. Do địa hình chủ yếu là núi đá, thiếu diện tích đất canh tác, nên việc trồng trọt của người dân chủ yếu dựa vào cây ngô là chính. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, hiểu biết của người dân còn hạn chế nên chưa nhận thức hết được sự nguy hiểm của việc sử dụng vũ khí tự chế, vật liệu nổ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng con người, nên tình trạng sử dụng vũ khí tự chế trên địa bàn vẫn còn diễn ra.

Ông Triệu Văn Hải, Bí thư chi bộ xóm Cáp Cán chia sẻ: "Trước đây, theo phong tục tập quán, người dân thường sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn trong rừng, giúp cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nhưng được cán bộ địa phương và cán bộ BĐBP tuyên truyền, vận động nên thời gian qua, bà con luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tháng 2/2023, bà con trong xóm cũng đã tự giác đem 7 khẩu súng tự chế đến giao nộp cho Đồn Biên phòng Xuân Trường, BĐBP Cao Bằng".

Mới đây, ngày 1/10/2023, Đồn Biên phòng Cần Yên, BĐBP Cao Bằng chủ trì phối hợp với Công an xã Cần Nông tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xóm Tềnh Quốc, xã Cần Nông giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Kết quả, sau khi được tuyên truyền, vận động, anh Triệu Văn Nhì (sinh năm 2001, trú tại xóm Tềnh Quốc, xã Cần Nông, huyện Hà Quảng) đã tự nguyện đến giao nộp 1 khẩu súng kíp tự chế. Anh Nhì khai báo, đã mua khẩu súng kíp trên tại phiên chợ Huy Giáp của một người đàn ông lạ mặt không rõ tên, địa chỉ từ đầu năm 2019 với giá 200.000 đồng, mục đích để bắn chuột, sóc, bảo vệ nương ngô.

Có thể thấy, hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân do hiểu biết còn hạn chế, chưa nhận thức được những nguy cơ, hiểm họa khôn lường từ vũ khí, vật liệu nổ trái phép gây ra nên việc sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, đi rừng vẫn còn diễn ra, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Xác định công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng cố tình sử dụng súng tự chế trái phép.

Đồng thời, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến từng xóm, bản, từng hộ gia đình đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nghiêm cấm các hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán các loại vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép và các chế tài đối với các hành vi nói trên. Tính từ năm 2019 đến nay, BĐBP Cao Bằng đã thu nhận 16 khẩu súng tự chế các loại; phối hợp phát hiện, xử lý 2 vụ/4 đối tượng, thu giữ 3 khẩu súng hơi, 1 khẩu súng kíp tự chế.

Để làm tốt hơn nữa công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn, thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân đối với việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hạn chế thấp nhất vi phạm do thiếu hiểu biết về pháp luật. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng để có kế hoạch, biện pháp quản lý, đấu tranh phù hợp, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Huy Dương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-vung-an-ninh-trat-tu-khu-vuc-bien-gioi-post467519.html