Giữ 'suối nguồn truyền thống' của dân tộc

Ở lứa tuổi được cho là 'ăn chưa no, lo chưa tới' nhưng thời gian qua, nhiều học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông (THCS&THPT) Đakrông, huyện Đakrông, đã nêu cao ý thức, góp hành động để giữ gìn nét đẹp truyền thống của người Pa Kô. Đằng sau mỗi việc làm là rất nhiều nỗi trăn trở, quyết tâm và sự nỗ lực của các cô, cậu học trò.

Học sinh Trường THCS&THPT Đakrông chụp ảnh lưu niệm với những nghệ nhân tài năng ở xã Tà Rụt - Ảnh: T.L

Suy nghĩ lớn của các học trò nhỏ

Một buổi sáng đầu tháng 12/2023, không khí Trường THCS&THPT Đakrông dường như vui hơn khi xuất hiện thanh âm trong trẻo của các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống. Dưới những hàng ghế, đông đảo học sinh vùng cao say sưa theo dõi chương trình ngoại khóa mang chủ đề: “Dân ca Pa Kô - Suối nguồn truyền thống”.

Qua phần thể hiện của nghệ nhân được mời đến giao lưu và các cô, cậu học trò nhỏ, những làn điệu vốn quen thuộc bỗng có sức hút lạ kỳ. Mọi người vỗ tay, hát theo một cách say sưa. Ánh mắt ai nấy không rời khỏi sân khấu.

Thấy sự thành công của chương trình đầu tiên do Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Pa Kô nhà trường tổ chức, ai nấy đều vui mừng. Trong đó, người phấn khởi nhất có lẽ là đôi bạn: Hồ Thị Thanh Trúc (lớp 8B) và Võ Nguyễn Như Ý (lớp 8A). Cách đây không lâu, trong một cuộc trò chuyện, Thanh Trúc chia sẻ với Như Ý nỗi trăn trở khi thấy ít trẻ em vùng cao biết những làn điệu của người Pa Kô. Bản thân Trúc sinh ra ở miền rừng núi, lớn lên với những làn điệu truyền thống nhưng vẫn chưa thuộc trọn vẹn một bài.

“Em từng nhờ nhiều người lớn dạy hát dân ca Pa Kô nhưng ai cũng bận rộn. Hôm trước, có các anh chị dưới xuôi lên thăm, hỏi em và các bạn có thuộc dân ca Pa Kô không? Chúng em đều trả lời là không. Lúc đấy, ai cũng có cảm giác rất ngại ngùng”, Thanh Trúc kể.

Các em học sinh trả lời những câu hỏi về nét đẹp truyền thống của người Pa Kô trong chương trình ngoại khóa mang chủ đề: “Dân ca Pa Kô - Suối nguồn truyền thống” - Ảnh: T.L

Điều Thanh Trúc chia sẻ cũng chính là tiếng lòng của Như Ý và nhiều bạn học sinh Trường THCS&THPT Đakrông. Là một cô bé người Kinh nhưng Như Ý luôn xem mảnh đất Tà Rụt là quê hương của mình. Vì thế, không ngẫu nhiên khi em dành tình yêu cho làn điệu dân ca Pa Kô.

Vào mùa lễ hội, Như Ý thường theo chân mọi người đến nghe các nghệ nhân hát. Những thanh âm trong trẻo, đầy ý nghĩa như rót mật vào tim em. Dành tình cảm là thế nên khi thấy nhiều người không còn mặn mà với dân ca Pa Kô, Như Ý vừa buồn, vừa lo.

“Dân ca Pa Kô như dòng suối nguồn. Em sợ có ngày dòng suối ấy khô cạn khiến các bạn nhỏ sau này không còn biết dân ca Pa Kô là gì, có giá trị như thế nào”, Như Ý bộc bạch.

Những trăn trở của Như Ý, Thanh Trúc cũng chính là điểm mốc, đánh dấu cho sự ra đời của CLB Dân ca Pa Kô ở Trường THCS&THPT Đakrông. Buổi đầu, CLB có 12 thành viên. Ngay sau khi CLB ra đời, các thành viên đã lên kế hoạch hoạt động; xây dựng quy chế; thống nhất lịch sinh hoạt, tập luyện, trải nghiệm... Fanpage của CLB được xây dựng để làm công tác quảng bá, lưu giữ. Biết chỉ dựa vào sức mình thì chưa đủ, thành viên CLB còn cậy nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, người thân và đặc biệt là các nghệ nhân trong vùng.

Chắp cánh cho làn điệu Pa Kô

Nhắc đến các học trò nhỏ nặng lòng với làn điệu dân ca truyền thống, cô Trần Thị Thanh Huyền (sinh năm 1993), giáo viên âm nhạc Trường THCS&THPT Đakrông không giấu hết niềm tự hào. Cô Huyền là một người con của mảnh đất Vĩnh Linh. Trước đây, cô từng có 4 năm tình nguyện sang Lào dạy học.

Trong quá trình giảng dạy, cô Thanh Huyền nhận thấy, âm nhạc có ý nghĩa rất lớn trong việc bồi đắp tâm hồn học sinh. Đặc biệt, thông qua những làn điệu dân ca truyền thống, các em nhỏ sẽ thấy yêu hơn nguồn cội, tự hào về quê hương, đất nước, dân tộc mình.

Vì thế, khi nhận lời đề nghị hỗ trợ từ Thanh Trúc, Như Ý và các học sinh khác, cô Huyền liền vui vẻ đồng ý. “Là một giáo viên âm nhạc, những bài dân ca Pa Kô có một sức hút lớn đối với tôi. Đặc biệt, tôi rất thích ý nghĩa của những bài dân ca Pa Kô”, cô Huyền kể.

Lãnh đạo Trường THCS&THPT Đakrông trao quyết định thành lập CLB Dân ca Pa Kô - Ảnh: T.L

Mang suy nghĩ ấy nên cô Thanh Huyền và các giáo viên Trường THCS&THPT Đakrông khác đã thu xếp thời gian để góp sức cùng học sinh bảo tồn, quảng bá, phát huy những nét đẹp dân ca Pa Kô. Tuy nhiên, các thầy cô luôn xác định rõ tinh thần: “Không làm thay, làm hộ mà phải phát huy một cách cao nhất vai trò, vị trí của học sinh”.

Vì vậy, ai cũng vui khi thấy các em nhỏ sớm bước qua sự ngại ngần, mạnh dạn gõ cửa nhà nhiều nghệ nhân để sưu tập các bản nhạc truyền thống. Không chỉ lưu bằng văn bản, các em còn ghi lại âm thanh, hình ảnh để đăng tải lên Fanpage của CLB.

Đặc biệt, sau khi trở về từ nhà nghệ nhân, các học sinh tham gia CLB đã nhanh chóng ngồi lại để nghiên cứu, thảo luận, tập luyện với nhau.

Một nhóm thành viên nòng cốt gồm những em có năng khiếu ca hát được chọn ra để dạy nhạc lại cho các bạn khác. Tranh thủ giờ ra chơi, sinh hoạt đầu ngày hay trong những buổi ngoại khóa, các thành viên nòng cốt lại chủ động triển khai công việc để đạt mục tiêu mà CLB đề ra.

Bỏ khá nhiều thời gian, công sức, điều khiến thành viên CLB Dân ca Pa Kô Trường THCS&THPT Đakrông rất vui mừng là ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong học sinh ngày càng nâng cao. Không chờ được tuyên truyền, vận động, nhiều học sinh đã tìm đến, xin tham gia các hoạt động cùng CLB.

Nhờ thế, những buổi sinh hoạt của CLB thường rất đông vui, sôi nổi. Trở về nhà, một số em ý thức hơn trong việc học từ người thân những làn điệu dân ca, cách chơi nhạc cụ để sau này có dịp chia sẻ với bạn bè.

Những câu chuyện như thế đã góp phần làm nên sự đổi thay trong nhận thức, hành động “giữ hồn” dân tộc của nhiều người trưởng thành khác. Với tinh thần tình nguyện, một số nghệ nhân và người dân địa phương đã nhiệt tình đến tận trường để “truyền lửa” cho học sinh. Có người mời thành viên CLB về nhà để cùng chuyện trò, ca hát...

Những tín hiệu đáng mừng ấy đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc thành viên CLB Dân ca Pa Kô Trường THCS&THPT Đakrông nỗ lực nhiều hơn.

Hiện tại, hoạt động của CLB đã đi vào khuôn khổ, nền nếp. Dưới sự định hướng, góp ý của giáo viên trong trường, các thành viên CLB chủ động triển khai những nhiệm vụ, công việc tiếp theo của mình.

Bên cạnh làn điệu Pa Kô, các em còn mở rộng phạm vi hoạt động của CLB thông qua việc bảo tồn, quảng bá các loại nhạc cụ dân tộc, trang phục thổ cẩm và món ăn truyền thống...

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/giu-suoi-nguon-truyen-thong-cua-dan-toc/182269.htm