Giữ nhịp tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức... Song nhờ phát huy lợi thế, kết hợp các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Công ty CP Việt Nam Sunergy (VSUN), Khu công nghiệp Cẩm Khê là doanh nghiệp công nghệ cao về sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh đạt 11,5%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với năm 2022. Đóng góp vào mức tăng trưởng chung công nghiệp có 5/18 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bổ sung năng lực mới, tăng khá so cùng kỳ, trong đó sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 40,8%, sản xuất thiết bị điện tăng 70,1%, sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 7,9%,...

Có được kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, giảm giá lãi suất và các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp. Trọng tâm là Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất trong năm 2023...

Đối với tỉnh Phú Thọ, đã tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương hành chính, trọng tâm là rà soát, ban hành quy trình, thủ tục đầu tư rõ ràng, minh bạch; giảm tối đa thủ tục, thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, nhiều dự án lớn được bổ sung thêm năng lực mới, hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản, chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu có doanh thu. Cùng với đó, sự đổi mới và áp dụng công nghệ mới của các dự án đã góp phần tăng cường hiệu suất, tạo ra giá trị gia tăng mới cho sản phẩm.

Sản phẩm điện tử trên địa bàn tỉnh tăng cao so cùng kỳ, do có nhân tố mới là Công ty TNHH Điện tử BYD (hoạt động từ cuối năm 2022). Với sự đóng góp của một số doanh nghiệp đang hoạt động như: Công ty TNHH JNTC Vina doanh thu năm 2023 đạt 4.244 tỉ đồng, tăng 214% so với năm 2022... góp phần vào tăng trưởng cao của nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học.

Một số ngành sản xuất công nghiệp khác tăng cao so cùng kỳ, góp phần vào tăng trưởng của ngành công nghiệp như: Sản phẩm phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao doanh thu năm 2023 đạt 3.527 tỉ đồng, tăng 14,8% so với năm 2022; sản phẩm giấy của Tổng công ty Giấy Việt Nam đạt 2.011 tỉ đồng, tăng 7,1% so với năm 2022...

Năm 2024, dự báo sản xuất công nghiệp bên cạnh những thuận lợi, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành Công thương đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng của công nghiệp đạt 10,3%, giá trị tăng thêm của công nghiệp phấn đấu đạt 16.800 tỉ đồng (tăng 10% so với năm 2023).

Ông Cù Xuân Ân - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2024, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi về quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, tình hình thực hiện các dự án đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thu hút, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, ưu tiên phát triển các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng, thương mại, dịch vụ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp truyền thống có thế mạnh, lợi thế của tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/giu-nhip-tang-truong-san-xuat-cong-nghiep/204443.htm