Giữ nghề truyền thống

Thời gian qua, sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã tạo động lực quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, việc duy trì, gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Du khách thăm quan, trải nghiệm tại Làng nghề chế biến thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Du khách thăm quan, trải nghiệm tại Làng nghề chế biến thực phẩm Đoàn Kết, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Thăng trầm làng nghề

Tỉnh Phú Thọ hiện có 71 làng nghề hoạt động ổn định, trong đó nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58,7%, nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26,6%, còn lại là nhóm làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng. Các làng nghề đã thu hút 6.837 hộ, 25 doanh nghiệp và 11 hợp tác xã tham gia hoạt động sản xuất, mang lại doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho trên 16.700 lao động, trong đó có hơn 11.700 lao động thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế đang có một số làng nghề dần mai một hoặc ngừng hoạt động do không còn đạt các tiêu chí công nhận làng nghề.

Chúng tôi về xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, địa phương từng một thời “hoàng kim” với nghề ủ ấm, người dân sớm tối “ăn ngủ” với nghề, thậm chí ủ ấm đã vươn ra khỏi lũy tre làng, trở thành sản phẩm độc đáo đến tay người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài. Thời “vàng son”, làng có tới cả trăm hộ làm nghề, người có thâm niên thì làm những công đoạn khó, người trẻ mới biết việc thì làm những việc giản đơn. Thế nhưng đến nay, số người gắn bó với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Đình Hảo - Trưởng làng nghề ủ ấm Sơn Vi, người đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề tâm sự: “Nếu trước đây, đa số các hộ dân trong làng đều làm ủ ấm thì hiện tại con số đó đã “rơi rụng” gần hết. Những người làm nghề còn rất ít và đều đã cao tuổi, lớp trẻ hầu hết không mặn mà với nghề. Thiếu đi đội ngũ kế cận, nghề ủ ấm Sơn Vi đang đứng trước nguy cơ thất truyền”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một số làng nghề cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn tương tự như: Làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn; làng nghề nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê; làng nghề sơn Văn Lang, huyện Tam Nông; làng nghề đan lát Ba Đông, huyện Thanh Thủy; làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuân Dậu, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh,...

Đồng chí Nguyễn Công Chính- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cẩm khê cho biết: “Huyện Cẩm Khê hiện có 12 làng nghề thuộc ba nhóm ngành nghề chính với tổng lao động là 5.190 người, trong đó lao động thường xuyên là 4.060 người, thu nhập bình quân ước đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh những làng nghề đang duy trì, phát triển khá ổn định thì còn đó một số làng nghề có xu hướng ngày càng thu hẹp cả về quy mô lao động và sản lượng hàng hóa tiêu thụ. Ví dụ như Làng nghề nón lá Sai Nga, do thu nhập người lao động hạn chế, hoạt động cầm chừng, số người trẻ tham gia vào làng nghề ngày càng giảm nên chỉ còn lại người già và một số lao động làm nghề lúc nông nhàn. Các hộ tại làng nghề cũng mạnh ai nấy làm nên chưa có sự gắn bó, liên kết để phát triển bền vững”.

Mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, thậm chí nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thế nhưng nhiều làng nghề vẫn đứng trước nguy cơ tan rã bởi nhiều nguyên nhân như: Thiếu nguồn nhân lực do lớp trẻ không còn mặn mà với nghề, hình thức tổ chức sản xuất ở các làng nghề chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề, giữa các làng nghề với nhau, rất ít làng nghề có đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại diện pháp lý cho làng nghề. Vì thế, nhiều làng nghề đang đứng trước muôn vàn khó khăn.

Làng nghề ủ ấm Sơn Vi- huyện Lâm Thao chỉ còn rất ít hộ làm nghề.

Làng nghề ủ ấm Sơn Vi- huyện Lâm Thao chỉ còn rất ít hộ làm nghề.

Để làng nghề phát triển bền vững

Phát triển làng nghề gắn với du lịch hay phát triển hợp tác xã (HTX) từ làng nghề... là một trong những hướng đi góp phần thay đổi hiệu quả sản xuất tại làng nghề tạo nên sự gắn kết mới trong sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đã khai thác thế mạnh du lịch kết hợp với thăm quan, trải nghiệm làng nghề góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điểm nhấn, tăng sức hấp dẫn cho du khách.

Điển hình như tour du lịch đường sông Phú Thọ, du khách được trải nghiệm du lịch đường sông để khám phá vùng đất kinh đô Văn Lang xưa, theo dọc sông Lô đến với làng nghề nón lá Gia Thanh, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, xuôi về thăm làng cổ Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì để trải nghiệm gói bánh chưng, các công đoạn làm mỳ tại làng nghề chế biến thực phẩm Đoàn Kết và làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy làng Xốm với hơn 100 hộ dân làm nghề.

Đồng chí Nguyễn Hữu Ích- Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, TP Việt Trì cho biết: “Phát triển làng nghề gắn với du lịch là hướng đi quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển nghề truyền thống tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp, đa giá trị, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống ổn định, tại một số làng nghề đã hình thành mô hình HTX nhằm tập trung các nguồn lực về vốn, con người, kiến thức, kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm của làng nghề.

Toàn tỉnh, hiện có trên 10 HTX phát triển từ nền tảng của làng nghề, sản phẩm đã được tạo lập, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, giúp cho hoạt động kinh doanh sản phẩm của làng nghề được tốt hơn, tiêu biểu như: Mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì), tương (HTX tương Dục Mỹ, huyện Lâm Thao), chè xanh (HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh, thị xã Phú Thọ), cá chép đỏ (HTX cá chép đỏ Thủy Trầm huyện Cẩm Khê) ngày càng khẳng định giá trị, thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng.

Trải dọc theo sông Hồng, làng Thạch Đê, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê có phát triển nghề làm mỳ, bún, bánh từ bao đời này. Làng nghề bún bánh Thạch Đê được công nhận từ năm 2010, đến nay có 23 hộ làm nghề, thu nhập bình quân đạt từ 8- 10 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, sự ra đời của HTX nông nghiệp xã Hùng Việt đã tạo sự liên kết sản xuất trong các hộ làm nghề.

Anh Phùng Tuấn Long - Giám đốc HTX cho biết: “Tham gia vào HTX sẽ giúp các hộ sản xuất cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo lập nhãn hiệu tập thể, dán tem truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, sản phẩm mỳ gạo Thạch Đê đã đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao, có mặt ở nhiều siêu thị lớn và thị trường trong nước, chúng tôi hướng đến tiếp cận với thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất”.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2030, phấn đấu có trên 70% làng nghề hoạt động có hiệu quả; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 30% số làng nghề có sản phẩm được hỗ trợ tạo lập và quản lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể; 80% lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; thu nhập bình quân của lao động của các làng nghề tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2021.

Để bảo tồn và phát triển nghề làng nghề thực chất, hiệu quả và bền vững nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề cần chú trọng phát triển làng nghề với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất, gạt bỏ tư tưởng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời chú trọng việc phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân ở các làng nghề để giữ chân những “báu vật” ở làng nghề.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/giu-nghe-truyen-thong/202740.htm