Giữ mạch nguồn truyền thống trong dòng chảy đương đại

Để tồn tại trong dòng chảy văn học đương đại, thơ các dân tộc thiểu số phải đổi mới, hướng đến hiện đại, song vẫn phải giữ mạch nguồn truyền thống

Mai một, mất dần bản sắc, vị thế

Trong số 53 dân tộc thiểu số, chỉ hơn 10 dân tộc có chữ viết riêng, số dân tộc thiểu số có nhà thơ của dân tộc mình còn ít hơn. Khởi đầu và nổi trội là các nhà thơ dân tộc Tày, Thái, sau đó xuất hiện gần như đồng thời các nhà thơ dân tộc khác như Mường, Chăm, Dao, Mông…

Trước năm 1975 là giai đoạn thơ dân tộc thiểu số phát triển trên diện rộng, âm hưởng chủ yếu là ngợi ca. Đội ngũ sáng tác chịu ảnh hưởng rõ rệt từ nguồn văn hóa dân gian của các tộc người mà họ đóng vai trò là những "sứ giả".

Các bạn trẻ khám phá thơ dân tộc thiểu số tại Ngày Thơ Việt Nam 2024.

Theo nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ, khoảng 10 năm cuối thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này, xu hướng phân hóa ngày càng rõ rệt. “Thơ dân tộc thiểu số dần đi vào chiều sâu với sự xuất hiện của một số tác giả gây được sự chú ý của dư luận và định hình được phong cách, cá tính trong sáng tác. Tiêu biểu là các tác giả: Y Phương (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Mã A Lềnh (dân tộc Mông), Triệu Kim Văn (dân tộc Dao), Lò Cao Nhum (dân tộc Thái), Inrasara (dân tộc Chăm), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí)...”.

Tuy nhiên, từ nhiều diễn đàn, hội thảo, những suy tư, trăn trở, ý kiến của nhà nghiên cứu, người sáng tác... dấy lên lo ngại, thơ dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mất bản sắc, cũng có nghĩa là đang trên hành trình tự hủy diệt.

Thực chất của vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ cho rằng, thứ nhất phải xem xét lại những dấu hiệu, biểu hiện của hội chứng mất bản sắc dân tộc. Có thể điểm danh một số nguy cơ hàng đầu. Đó là, đội ngũ nhà thơ dân tộc thiểu số dường như không còn nhiều người thông thạo tiếng mẹ đẻ, càng ít người sáng tác được bằng song ngữ.

Thứ hai, chất dân tộc miền núi như một thứ giấy thông hành của nhà thơ dân tộc thiểu số đang ngày càng mờ đi, có xu hướng hòa vào văn hóa người Việt (Kinh).

Thứ ba, những nét bản sắc văn hóa của các tộc người thiểu số như phong tục tập quán, đời sống tinh thần, tâm linh... ngày càng nhạt đi trong sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số.

“Thơ các dân tộc thiểu số đang bị pha tạp, mất dần bản sắc. Như thế, không phải chỉ riêng về thơ, nói rộng ra, văn học/văn hóa các dân tộc cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, đồng hóa…”, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ khẳng định.

"Bài thơ về tổ tiên chính là bài thơ kiêu hãnh nhất"

Đổi mới hướng đến hiện đại là tất yếu cho phép thơ dân tộc thiểu số nói riêng, văn học dân tộc thiểu số nói chung tồn tại trong dòng chảy đời sống văn học đương đại. Theo nhà thơ Nguyễn Thị Thu Huyền, một mặt các nhà thơ vẫn giữ được đặc điểm truyền thống tiêu biểu, mặt khác họ cần bước vào ngôi nhà chung; và vì thế sáng tác của họ đến được với bạn đọc ngoài “không gian bản làng” nhưng vẫn không xa lạ với chính những chủ thể của không gian ấy.

Nét mới của Ngày Thơ Việt Nam 2024 là không gian Nhà ký ức, trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh và 11 nhà thơ người dân tộc thiểu số đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Mạch nguồn truyền thống vừa là sợi dây níu giữ, vừa là hành trang cần thiết trong sự dàn xếp hài hòa để hướng đến hiện đại. Đó là thứ làm nên bản lĩnh và vị thế của các nhà thơ dân tộc thiểu số trong dòng chảy văn học đương đại. Sự trưởng thành thống nhất trong đa dạng của văn học các dân tộc thiểu số kể từ sau Cách mạng tháng Tám một phần không nhỏ đến từ việc các nhà thơ ý thức được tầm quan trọng của kiến thức lý luận văn học những năm 1960 - 1970.

“Nhờ được tiếp cận một cách có hệ thống những kiến thức mới mẻ và hiện đại này vào thời điểm đó, nên các tên tuổi như Nông Quốc Chấn đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng bản sắc văn học dân tộc thiểu số kể từ khi đất nước giành được độc lập. Bước sang thế kỷ XXI, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã tiếp tục mang đến cho các nhà văn Việt Nam nói chung, các tác giả dân tộc thiểu số nói riêng cơ hội tiếp cận sự đa dạng và phong phú của nền văn học thế giới”, nhà thơ Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định.

Cũng nhờ sự tự ý thức, nhu cầu cần được đổi mới của mỗi cá nhân người viết, đến nay đã có Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm), Thạch Đờ Ni (dân tộc Khmer), Thái Hồng (dân tộc Hoa), Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường)… với khát vọng tự mở lối đi, tiếp tục quá trình đến hiện đại từ truyền thống như một nhu cầu tự thân. Yếu tố độc đáo của mỗi dân tộc là điều kiện cần để gìn giữ; thêm vào đó, tinh thần phát huy truyền thống từ cái nhìn cởi mở là điều kiện đủ để trở thành động lực phát triển trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo.

Nhà thơ Ly Hữu Lương (dân tộc Dao) cũng bày tỏ: “Khi nào niềm tin vào tổ tiên tồn tại thì dân tộc đó tồn tại. Việc nghe, hiểu và lĩnh hội được tinh thần của tổ tiên để tự hào về tổ tiên sẽ tạo thành bản lĩnh. Việc khôi phục, chuyển hóa diễn tả bằng từ ngữ thơ để diễn đạt tinh thần, tư duy trong không gian, thời gian đó ở điều kiện hiện tại sẽ tạo thành bản sắc. Thật ra, đó là một quá trình hết sức khó khăn với người sáng tác. Nhưng bù lại, chúng tôi kêu hãnh nói tiếng nói tổ tiên, hát giọng hát tổ tiên và mơ giấc mơ của tổ tiên. Bài thơ về tổ tiên chính là bài thơ kiêu hãnh nhất. Và như thế, chúng tôi đang ca hát chính cuộc đời của mình…”.

Bài và ảnh: Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/giu-mach-nguon-truyen-thong-trong-dong-chay-duong-dai-i360987/