Giữ 'lửa' các môn thể thao dân tộc

Bên cạnh đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng, thể thao thành tích cao, việc duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, góp phần bảo tồn nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Phú những năm qua được các cấp, ngành trong huyện chú trọng. Không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thể thao bổ ích, lành mạnh để cộng đồng các dân tộc được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú.

Những ngày giáp tết, như đã hẹn, chúng tôi ghé thăm nhà chị Bế Thị Lệ ở ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa khi cả gia đình đang tất bật sửa soạn đón mừng năm mới. Nhiệt tình mời khách vào nhà, không đợi chúng tôi mở lời, chị Lệ vội lấy 2 chiếc huy chương 1 bạc, 1 đồng treo ngay ngắn trên tường và bắt đầu câu chuyện. Chị cho biết: Đây là 2 chiếc huy chương môn cà kheo cự li 100m và 200m tôi giành được tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú lần thứ nhất. Dù không đoạt được huy chương vàng nhưng tôi vẫn vui vì đã đóng góp vào thành tích nhất toàn đoàn của xã Tân Hòa và quan trọng hơn là được giao lưu, học hỏi với nhiều vận động viên các dân tộc khác. Từ đó động viên nhau cùng giữ gìn và phát triển môn thể thao thú vị này cho thế hệ sau.

Môn kéo co được đưa vào thi đấu tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú lần thứ nhất năm 2022

Môn kéo co được đưa vào thi đấu tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú lần thứ nhất năm 2022

Trong quá trình luyện tập và thi đấu, chị Lệ gặp không ít khó khăn vì bận công việc gia đình. Nhưng với niềm đam mê, chị cố gắng sắp xếp thời gian và lịch tập luyện phù hợp. Bên cạnh đó, trong các giải đấu, chị luôn chị đã nhận được sự ủng hộ, khích lệ từ người thân, gia đình. Từ đó giúp chị có thêm động lực đạt được thành tích cao.

Nhiều lần đạt thành tích cao tại các giải vô địch bắn nỏ quốc gia cũng như của tỉnh, nhưng với ông Điểu Mét ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, khát khao chinh phục những điểm 10 vẫn luôn cháy bỏng. Tại các hội thao, giải đấu từ chuyên nghiệp đến phong trào, chỉ cần có môn bắn nỏ là ông đăng ký tham gia. Riêng trong năm 2022, ông Điểu Mét cùng đội bắn nỏ huyện Đồng Phú tham gia Đại hội TDTT tỉnh Bình Phước lần thứ VI đã xuất sắc đem về huy chương vàng đồng đội. Cũng trong năm này, ông đoạt huy chương vàng nội dung đứng bắn nỏ tại Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú lần thứ nhất.

Với ông, bắn nỏ là môn thể thao có ý nghĩa đặc biệt, tinh túy và thiêng liêng nhất mà ông cha đã truyền lại. Vì thế, ông Điểu Mét cho rằng, trách nhiệm của bản thân là phải làm gương, “truyền lửa” để lớp trẻ yêu thích và gắn bó với môn bắn nỏ nhiều hơn. Tiếp nối thành tích của ông, các thành viên trong gia đình từ con gái, con trai, con rể đều học bắn nỏ để phát huy truyền thống người S’tiêng. Bên cạnh đó, ông còn tập hợp thanh niên yêu thích môn bắn nỏ trong ấp để tập luyện, hình thành ở họ ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Huyện Đồng Phú có 17 thành phần dân tộc sinh sống. Đến nay, toàn huyện có khoảng 30,5% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; 25% gia đình tập luyện TDTT. Tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt, vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện TDTT, giao lưu thi đấu thường xuyên. Hằng năm, tại các địa phương đều tổ chức những giải thể thao truyền thống và chú trọng các môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn... Do đó, các giải đấu, hoạt động TDTT đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên; là sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân. Không chỉ là những môn thể thao rèn luyện sức khỏe, nhiều vận động viên đã trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các giải thi đấu cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Các môn thể thao dân tộc có đặc điểm chung là bắt nguồn từ đời sống, nhiều trò chơi đã hình thành, phát triển từng bước thành những môn thể thao hấp dẫn, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật. Các trò chơi dân gian vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày tết, ngày hội... tạo nên vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một phần không thể thiếu trong các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn cũng như trong sinh hoạt hằng ngày của người dân sau mỗi ngày lao động vất vả.

Ông LÊ XUÂN NGHỊ
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đồng Phú

Không quá sôi động như các môn thể thao thành tích cao, nhưng các môn thể thao dân tộc đang tạo được nét độc đáo riêng, qua việc gìn giữ, phát huy và luôn hấp dẫn trong từng trận đấu. Việc chăm lo, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/18/140911/giu-lua-cac-mon-the-thao-dan-toc