Giữ gìn, vun đắp cho hạnh phúc gia đình

Có một hạnh phúc không bao giờ thay đổi trong mọi thời điểm và luôn đúng với mỗi con người, đó là hạnh phúc gia đình. Xã hội ngày càng hiện đại và hội nhập thì mỗi người càng cần giữ gìn, vun đắp cho hạnh phúc gia đình hơn, bởi gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng.

Huyện Gò Công Tây phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh Tiền Giang tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền chào mừng Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2024. (Trong ảnh: Tiểu phẩm “Dạy con dâu”). Ảnh: KIM LAN

Chỉ thị 06 ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình.

Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn xã hội đã đem lại kết quả Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.

Đối với tỉnh Tiền Giang, trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình nói chung và việc thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20-3 hằng năm” nói riêng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đã được triển khai sâu rộng.

Cùng với cả nước, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc trở thành hoạt động thường niên của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, được đông đảo nhân dân hưởng ứng thực hiện với những hoạt động thiết thực, hiệu quả với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, thu hút nhiều cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia.

Qua việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về Ngày Hạnh phúc, vị trí, vai trò của gia đình, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, nghĩa vụ của gia đình, các cơ quan liên quan đến gia đình; về kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về gia đình… Từ đó, có hành động cụ thể, thiết thực nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc và cộng đồng hạnh phúc.

Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2024 với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” nhằm truyền tải thông điệp về vai trò, giá trị lớn lao của hạnh phúc đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Để cho giá trị của hạnh phúc ngày càng lan tỏa sâu rộng đến mọi người, thiết nghĩ mỗi người phải sống “tử tế”, không cá nhân, ích kỷ để mưu cầu lợi ích cho bản thân, gia đình mà phải ra sức vun đắp cho những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của dân tộc về “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" để vừa tu dưỡng cho chính bản thân, vừa làm tấm gương giáo dục cho con cháu và mọi người xung quanh.

Trong gia đình, mỗi người cần làm tốt chức trách, bổn phận của mình để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Với xã hội, cần làm tròn nghĩa vụ của công dân, có tấm lòng giúp đỡ người nghèo, hoạn nạn, tích cực đóng góp xây dựng công ích nơi sinh sống và góp phần bài trừ tệ nạn xã hội, tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Là cán bộ, công chức, viên chức thì ngoài việc thực thi công vụ đúng theo quy định của pháp luật thì phải tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn đức, luyện tài “vừa hồng, vừa chuyên” để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

PHÚC LỘC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202403/giu-gin-vun-dap-cho-hanh-phuc-gia-dinh-1005885/