Giữ gìn tiếng nói, chữ viết - linh hồn của đồng bào dân tộc Ê Đê

Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 sẽ bảo đảm đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng Ê Đê cấp tiểu học theo nhu cầu học sinh đăng ký học môn tự chọn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS); 40% giáo viên dạy tiếng DTTS được đào tạo đạt chuẩn trình độ.

Mời quý độc giả theo dõi video:

Tại trường Tiểu học Phan Bội Châu, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, có một bộ môn tự chọn rất đặc biệt. Không phải tiếng phổ thông, cũng không phải ngoại ngữ nước ngoài, các em nhỏ đang ê a đánh vần và viết từng nét chữ tiếng Ê Đê – ngôn ngữ truyền thống của dân tộc mình.

Trong một tuần, tùy vào độ tuổi, các em sẽ có từ 2 đến 4 tiết học chữ viết và tiếng nói của người Ê Đê. Thực tế trong những năm qua, dưới sự phát triển và hòa nhập chung, ngôn ngữ của người Ê Đê đã bị mai một ít nhiều. Hiện tại, người Ê Đê trong các thôn, buôn vẫn sử dụng ngôn ngữ nói trong giao tiếp, sinh hoạt đời thường, còn về chữ viết thì có ít người thông thạo, nhất là trong lớp trẻ. Vì vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ Ê Đê là một trong những vẫn đề được tỉnh Đắk Lắk quan tâm và đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động.

Một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch số 115/KH/UBND ngày 25/5/2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành đó là, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 sẽ bảo đảm đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng Ê Đê cấp tiểu học theo nhu cầu học sinh đăng ký học môn tự chọn tiếng DTTS; 40% giáo viên dạy tiếng DTTS được đào tạo đạt chuẩn trình độ; 100% giáo viên dạy tiếng DTTS được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng Ê Đê; 80% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng Ê Đê và Mnông được bồi dưỡng nâng cao năng lực kiến thức dân tộc và quản lý dạy học tiếng DTTS.

Đến năm 2030, bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Ê Đê và tiếng Mnông cấp tiểu học và trung học cơ sở; bảo đảm đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng Ê Đê và tiếng Mnông cấp trung học cơ sở theo nhu cầu học sinh đăng ký học môn tự chọn tiếng DTTS; 100% giáo viên dạy tiếng DTTS được đào tạo đạt chuẩn trình độ; 100% giáo viên dạy tiếng DTTS được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng Ê Đê và tiếng Mnông; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng Ê Đê và tiếng Mnông được bồi dưỡng nâng cao năng lực.

Để có thể hoàn thành đúng như theo kế hoạch, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều dự án, đề án bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Ê Đê. Sở Giáo dục đào tạo định kì tổ chức các bủoi tập huấn tiếng Ê Đê cho các lãnh đạo, quản lý và giáo viên trong các trường trên địa bàn tỉnh với mục đích nâng cao chất lượng dạy học cũng như giao tiếp, bảo ban các em học sinh DTTS.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức dạy tiếng, chữ viết cho cán bộ người dân tộc tại chỗ, cán bộ làm phong trào, phát động quần chúng ở các thôn, buôn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng in các sách, tài liệu, tờ rơi bằng song ngữ Việt - Êđê phát đến các thôn, buôn để tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Các quy ước thôn, buôn của người dân tộc Êđê cũng đã được dịch ra song ngữ Việt - Ê Đê phát đến từng gia đình.

Hiện nay hầu hết các trường học trong tỉnh có đông học sinh dân tộc Ê Đê đều đã tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ cho các em. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn gặp nhều khó khăn do đội ngũ giáo viên dạy tiếng Ê Đê còn mỏng, thiếu và chưa được đào tạo bài bản nên việc truyền đạt chưa đạt hiệu quả cao, chất lượng dạy - học còn thấp.

Để giải quyết bài toán đó, giải pháp tốt nhất để bảo tồn ngôn ngữ Ê Đê là tăng cường tập huấn chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, đầu tư biên soạn tài liệu, mở rộng đối tượng học. Phát triển ngôn ngữ các DTTS không chỉ thông qua chính sách văn hóa - giáo dục mà cần lồng ghép với chính sách xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS để đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển, làm cơ sở cho việc giữ gìn, phát huy truyền thống cũng như hình thành thói quen bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc đối với các học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thùy Chi - Đức Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giu-gin-tieng-noi-chu-viet-linh-hon-cua-dong-bao-dan-toc-e-de-2217894.html