Giữ gìn hồn cốt của đồng bào dân tộc Mông trên biên cương Tây Bắc

Ngày lại ngày, những phụ nữ người Mông sinh sống ở vùng cao Tây Bắc cứ cần mẫn, miệt mài như những chú ong thợ, gửi gắm biết bao ước vọng, tâm tư và sự khéo léo, nhẫn nại vào từng sợi lanh. Những đôi bàn tay dù chai sần, nhiều nếp nhăn vẫn âm thầm dệt nên những tấm vải lanh rực rỡ sắc màu, như một cách níu giữ lại hồn cốt, tinh hoa của đồng bào dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ tương lai.

Dệt vải lanh thể hiện sự khéo léo, kiên trì, cần cù, chịu thương, chịu khó của phụ nữ người Mông. Ảnh: Thủy Lê

Dệt vải lanh thể hiện sự khéo léo, kiên trì, cần cù, chịu thương, chịu khó của phụ nữ người Mông. Ảnh: Thủy Lê

Cây lanh trong đời sống đồng bào Mông

Bên bếp lửa bập bùng giữa bản làng xa xôi, chúng tôi được nghe chị Lò Thị Ban, bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tâm tình về nghề dệt lanh của đồng bào người Mông. Chị bày tỏ: “Đối với người Mông, cây lanh trở thành một biểu tượng văn hóa truyền thống đặc sắc và gắn liền với đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh của mỗi người. Theo các cụ cao niên kể lại, con gái Mông khi đến tuổi trưởng thành được gia đình cho đất riêng để trồng lanh. Trước khi đi lấy chồng, họ phải biết dệt vải lanh. Khi về nhà chồng, mẹ chồng sẽ tặng con dâu một bộ lanh. Cô dâu mới biếu mẹ chồng bộ lanh do mình dệt và khâu.

Dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Chàng trai Mông khi đi hỏi vợ họ rất để ý xem gia đình người con gái có se lanh, dệt vải không. Đồng bào dân tộc Mông có câu hát: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Trai khỏe không giỏi làm nương cũng hèn”, “Cuối nhà là nơi em dệt lanh, thêu váy/ Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, nhảy khèn”.

Khi tiết trời sang Xuân thì cũng là lúc người Mông bắt đầu gieo hạt lanh trên những ngọn núi đá vôi cao sừng sững. Hạt lanh được trộn thật đều cùng với phân chuồng ủ mục, đắp lên mình lớp đất thật mỏng, theo vòng đời sinh trưởng, hạt lanh lại vươn mình thành màu xanh non trên khắp triền núi. Cây lanh khi đã lớn, cao quá đầu người thì người Mông bắt đầu thu hoạch.

Điều đặc biệt, cây lanh phải được thu hoạch vào đúng thời gian, không được thu hoạch quá sớm, cũng không quá muộn, vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sợi lanh. Để trồng lanh, bà con chọn những nơi đất tơi xốp, bằng phẳng, ít đá, sau khi làm đất, bón phân chuồng, rắc cỏ lên trên chờ khô rồi đốt lấy tro để đất thêm màu mỡ; chọn hạt giống chắc, mẩy để gieo, tiếp tục bón phân, chăm sóc 4-5 tháng thì được thu hoạch.

Cây lanh sau khi mang về sẽ được phơi nắng nhiều lần, khô dần đi rồi mới tước sợi lanh. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng sợi lanh tước phải đều, nhỏ, vừa phải, để đến công đoạn xe sợi sẽ dễ dàng, chắc chắn. Sợi lanh lấp lánh dưới ánh nắng chính là thành quả lao động nhiều giờ liền qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của đồng bào Mông.

Vải lanh vừa mềm lại mát, việc biến những cây lanh thành tấm vải hoàn chỉnh đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn, thể hiện sự khéo léo, nhẫn nại và bền bỉ của người thợ dệt. Chị Ban cho biết: “Người Mông thường bảo: Đói đến chết cũng không ăn thóc giống, rách đến mấy cũng phải có áo lanh mặc rồi mới nhắm mắt qua đời”. Chẳng thế mà cây lanh đã gắn liền với cuộc đời mỗi con người từ lúc còn trẻ đến khi nhắm mắt, trọn vẹn một cuộc đời. Hình ảnh người phụ nữ Mông bên khung dệt giữa bao la của đại ngàn, không chỉ tạo nên nét đẹp dịu dàng, đặc trưng riêng biệt của phụ nữ Tây Bắc, mà còn cho chúng ta thấy được cuộc sống ấm no, sung túc trong mỗi gia đình người Mông.

Ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, người Mông còn sử dụng cây lanh trong đời sống hàng ngày, lá cây lanh có thể làm thuốc, thức ăn cho gia súc và làm phân bón; sợi lanh là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong cưới xin, đám tang, cúng, giỗ... Trong đó, trang phục của cô dâu, chú rể hoặc quần áo, giày, dép của người quá cố đều phải làm từ vải lanh. Vải lanh còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Họ tin rằng, chỉ có trồng lanh, dệt vải mới giữ được mối liên hệ với tổ tiên của họ.

Trở thành hàng hóa hút khách du lịch

Trong những năm gần đây, nghề dệt lanh đang mang lại thu nhập và là hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên... khi kết hợp với phát triển du lịch. Phụ nữ Mông đã năng động tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới phục vụ khách du lịch tại nhiều điểm du lịch như: Khăn trải bàn, vỏ gối, mặt địu, ví, túi... Từ tấm vải lanh với nhiều màu sắc và các họa tiết hoa văn đẹp mắt, đã trở thành sản phẩm tinh tế, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước yêu thích lựa chọn mua về làm quà tặng cho người thân, bạn bè trong mỗi chuyến du lịch.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm các công đoạn dệt lanh. Ảnh: Thủy Lê

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm các công đoạn dệt lanh. Ảnh: Thủy Lê

Chuyên kinh doanh đồ thổ cẩm, trang phục dân tộc, chị Mùa Thị Son, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Mấy năm nay, tôi thường nhập vải, váy, áo làm từ vải lanh về bán. Giá bán 1m vải lanh khoảng 80.000 đồng, còn trang phục váy, áo có giá dao động từ 7- 9 triệu đồng/bộ. Không chỉ bán cho khách tại địa phương, tôi còn livestream trên Facebook, xuất bán cho cả khách ở trong và ngoài nước. Lượng khách ổn định nên cũng mang đến một nguồn thu nhập tương đối cho gia đình tôi”.

Một trong những hợp tác xã (HTX) làm ăn có uy tín, tạo được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong việc duy trì sản phẩm lanh truyền thống chính là HTX lanh Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Các sản phẩm của HTX này đã vinh dự được giới thiệu, trưng bày tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015. Với những giá trị văn hóa trong đời sống, cùng kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông ở Lùng Tám, huyện Quản Bạ cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 1/2016.

Tới nay, sau hơn 10 năm thành lập (từ năm 2001 đến nay), HTX lanh Lùng Tám đã phát triển từ hơn 10 thành viên ban đầu lên tới trên 130 xã viên với 9 tổ sản xuất. Theo bà Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt vải lanh thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, thu nhập bình quân của xã viên trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những xã viên có trình độ tay nghề cao thu nhập dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám sản xuất với nhiều sản phẩm đa dạng như: Quần áo, ví, khăn, chăn, khăn trải bàn, túi thổ cẩm, tấm trang trí, vỏ gối... Điểm nhấn của những sản phẩm là chất liệu lanh và được làm theo phương pháp thủ công từ xưa truyền lại cho tới ngày nay. Đặc biệt là những đường nét văn hóa người Mông được khắc họa trên những đường thêu đầy ý nghĩa. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm lanh Lùng Tám đã theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước và đã được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia, không chỉ đem lại thu nhập, mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông.

“Cùng với việc lao động, sản xuất tạo ra thu nhập từ bán sản phẩm, đón khách du lịch tới tham quan, HTX đã và đang truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Đặc biệt, tại trụ sở của HTX, 25 em nhỏ thuộc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đang được đào tạo nghề nhằm giúp các em có thêm một nghề trong tay và gìn giữ văn hóa, bảo tồn nét đẹp nghề dệt lanh của người Mông” - bà Vàng Thị Mai cho biết thêm.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-gin-hon-cot-cua-dong-bao-dan-toc-mong-tren-bien-cuong-tay-bac-post465699.html