Giữ điệu múa gậy sênh tiền

Cùng với khèn, gậy sênh tiền cũng là một trong những nhạc cụ đặc sắc, gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Mông. Điệu múa gậy sênh tiền với nhịp điệu, âm thanh độc đáo vẫn được người Mông vùng cao Lào Cai gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Giữa chợ phiên vùng cao Cán Cấu (Si Ma Cai), một nhóm du khách người nước ngoài bị thu hút bởi âm thanh vui nhộn phát ra từ một đoạn trúc trên tay người đàn ông dân tộc Mông. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy người Mông múa gậy sênh tiền. Điệu múa thoạt nhìn khá đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp với những động tác chân, tay nhịp nhàng kết hợp với gõ đoạn trúc vào nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể để tạo ra âm thanh. Biểu diễn múa gậy sênh tiền cũng là cách người Mông vùng cao Lào Cai giới thiệu bản sắc văn hóa đến du khách. Họ cũng giới thiệu và bán những cây gậy sênh tiền để có thêm thu nhập.

 Du khách quốc tế thích thú xem biểu diễn múa gậy sênh tiền tại chợ Cán Cấu, Si Ma Cai.

Du khách quốc tế thích thú xem biểu diễn múa gậy sênh tiền tại chợ Cán Cấu, Si Ma Cai.

Anh Cư Phủ, thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng, người làm và bán gậy sênh tiền tại chợ Cán Cấu tâm sự: Không ai biết múa sênh tiền có từ bao giờ, chỉ biết đây là điệu múa cổ, gắn liền với nhiều nghi lễ văn hóa, được người Mông truyền từ đời này qua đời khác. Đây là điệu múa dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi. Múa sênh tiền khá phức tạp vì động tác phải kết hợp chân, tay, hông, đầu, phối hợp nhịp nhàng với gậy. Phải thường xuyên tập luyện trong thời gian dài mới có thể biểu diễn thành thục.

“Các cụ cao niên kể lại, gậy sênh tiền không chỉ là nhạc cụ mà còn là vũ khí phòng thân của người Mông. Múa sênh tiền ẩn chứa những thế võ cổ truyền. Đó là những động tác xoay người, đá chân mà thoạt nhìn, người xem có thể nghĩ đơn giản là múa. Thuở xưa, người biết múa gậy sênh tiền đều là người biết võ và có thể trở thành chiến binh khi cần thiết”, anh Sùng A Chùa, thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng (Si Ma Cai) cho biết thêm.

Múa sênh tiền có nhiều bài, các bài đều từ 10 nhịp cơ bản mà phát triển ra. Người múa cầm gậy sênh tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác để cây gậy chạm vào các vị trí trên cơ thể làm các đồng xu phát ra âm thanh. Bài múa có thể kết hợp các nhạc cụ khác (trống, chiêng) nhưng cũng có thể không cần, bởi âm thanh từ cây gậy sênh tiền đã đủ tạo nên không khí vui nhộn.

Cùng với khèn, gậy sênh tiền là biểu tượng văn hóa, là “linh hồn” của người Mông. Gậy sênh tiền thoạt nhìn thì đơn giản, nhưng muốn làm ra được một cây gậy đòi hỏi người làm phải thật sự có kinh nghiệm và đôi tay khéo léo, tỉ mỉ.

Làm gậy sênh tiền, người ta phải chọn những cây trúc thẳng, mọc trên núi đá, đường kính khoảng 2 cm, độ dày vừa phải, dài từ 0,8 - 1,2 m, đem về phơi trong bóng mát đến khi thật khô. Sau đó người làm chia gậy làm 4 phần, dùng dao sắc đục lỗ 3 phần để xâu đồng xu; một phần không đục lỗ để người múa cầm khi biểu diễn. Trong mỗi phần đục lỗ, người ta lại chia làm 2 hoặc 3 dãy đồng xu, mỗi dãy có 2 - 3 đồng xu hợp lại. Ở hai đầu gậy được buộc một chùm dây nhiều màu sắc để làm điểm nhấn, tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa.

“Mỗi ngày, một người có thể làm được tối đa 5 cây gậy sênh tiền hoàn chỉnh. Hiện nay không còn nhiều người biết làm loại nhạc cụ này”, anh Cư Phủ tâm tư.

Những năm gần đây, các trường học trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã đưa điệu múa này vào chương trình ngoại khóa cho học sinh. Múa sênh tiền đã trở thành tiết mục không thể thiếu mỗi dịp các nhà trường tổ chức hoạt động chung. Có trường còn dạy múa gậy sênh tiền cho 100% học sinh và dàn dựng tiết mục đồng diễn múa gậy sênh tiền.

 Học sinh Trường Tiểu học số 2 Sín Chéng biểu diễn múa gậy sênh tiền.

Học sinh Trường Tiểu học số 2 Sín Chéng biểu diễn múa gậy sênh tiền.

Thầy Dương Đức Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Sín Chéng (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai) cho biết: Từ năm 2012, chúng tôi đã đưa múa sênh tiền vào chương trình dạy học ngoại khóa. Hằng năm, nhà trường đều mời nghệ nhân về dạy múa sênh tiền cho học sinh toàn trường. 100% học sinh nhà trường có và sử dụng thành thạo gậy sênh tiền. Đây là tiết mục đặc sắc, làm nên thương hiệu của Trường Tiểu học số 2 Sín Chéng. Học sinh nhà trường cũng rất thích thú, tự hào khi được học điệu múa cổ truyền của người Mông. Hoạt động ngoại khóa này cũng được phụ huynh học sinh ủng hộ.

Được học múa gậy sênh tiền từ lớp 1, em Lừu Thị Dung, lớp 5B, Trường PTDT bán trú Tiểu học số 2 Sín Chéng đã thành thạo múa gậy và dạy điệu múa này cho các em lớp dưới.

Em rất vui, tự hào vì được học và biểu diễn điệu múa của dân tộc mình. Mỗi ngày, em thường tranh thủ tập luyện múa cùng anh chị, bạn bè và dạy lại cho các em múa gậy sênh tiền.

Em Lừu Thị Dung, lớp 5B, Trường TH số 2 Sín Chéng.

Với người Mông, từ người già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng tự hào và có ý thức gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có điệu múa gậy sênh tiền. Họ tin rằng, khi gìn giữ và quảng bá tốt, múa gậy sênh tiền của người Mông sẽ được nhiều người biết đến, có mặt ở các lễ hội, chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giu-dieu-mua-gay-senh-tien-post367908.html