Giữ chữ 'hòa' trong gia đình

Các thành viên trong gia đình chị Phạm Thị Tuyết Sương (TX Đông Hòa) cùng tham gia hội thi Gia đình đọc sách. Ảnh: THIÊN LÝ

Thành ngữ có câu “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Quả thực, sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân là món quà quý nhất đối với mỗi cặp vợ chồng. Bởi nếu không có sự hòa hợp, hòa thuận cần thiết thì cuộc hôn nhân có nguy cơ đổ vỡ cao.

Để gia đình hòa thuận, cả vợ lẫn chồng và các thành viên trong gia đình cần lắng nghe, chia sẻ với nhau nhiều hơn...

Ranh giới mong manh

Chị N.T.Đ (huyện Tuy An) và anh T cưới nhau được một năm, chưa có con. Cả hai đều là trí thức, quen nhau, yêu nhau và tìm hiểu nhau một thời gian trước khi tiến tới hôn nhân. Bắt đầu cuộc sống vợ chồng, nhiều rắc rối dần nảy sinh, có lẽ do bất đồng trong quan điểm và cách ứng xử giữa hai người. Lâu dần, hai vợ chồng dường như không tìm được tiếng nói chung. Hơn nữa, sống chung với gia đình chồng, chị N.T.Đ cảm thấy ngột ngạt khi mọi thứ phải luôn có kế hoạch, ngày này phải làm gì, giờ kia phải làm gì. Hôm nào chị về muộn hay lệch giờ, người lớn sẽ tỏ ra khó chịu. Cảm thấy áp lực nặng nề và mệt mỏi, chị Đ quyết định ly hôn.

“Tôi đã trải qua một cuộc hôn nhân luôn bất hòa và không hạnh phúc. Ngoài vấn đề tình yêu chúng tôi dành cho nhau quá hời hợt thì cuộc sống chung đụng giữa hai người và các thành viên trong gia đình không hòa hợp, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Điều đó dẫn đến hôn nhân tan vỡ là việc khó tránh khỏi”, chị N.T.Đ trải lòng.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” của những cặp vợ chồng trẻ vẫn thường xảy ra. Nếu như trước những bất đồng, mâu thuẫn, họ biết tìm ra cách giải quyết thì những rắc rối sẽ dần được hóa giải. Trên hết vẫn là dựa vào tình yêu của hai người. Chính tình yêu là chìa khóa giúp giải quyết mọi vướng mắc của cuộc sống lứa đôi, như ca dao: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở TX Đông Hòa chia sẻ: “Để xây dựng gia đình hạnh phúc, theo tôi, yếu tố không thể thiếu đó là sự tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thành thật, yêu thương. Khi vợ chồng thấu hiểu, cảm thông và biết đặt mình vào vị trí của nhau thì tự khắc hạnh phúc sẽ đến, cuộc sống cũng tự khắc tươi đẹp hơn”.

Sự phát triển của kinh tế thị trường có những tác động tích cực làm cho cuộc sống phồn vinh, có nhiều tiện ích hơn nhưng đồng thời cũng đã và đang làm con người bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, ngày càng coi trọng các giá trị vật chất hơn. Thêm vào đó, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai ngày càng mạnh mẽ khiến quan niệm về hạnh phúc gia đình đã có sự thay đổi. Sự gắn kết các thành viên trong gia đình, ranh giới giữa hạnh phúc và bất hạnh ngày càng trở nên mong manh.

Xây dựng hạnh phúc bền lâu

Ông bà ta đã đúc kết: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong cuộc sống, mỗi người đều phải biết lựa lời và làm chủ về ngôn từ, đặc biệt trong quan hệ vợchồng: “Vợ chồng là nghĩa cả đời/Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn”, hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa một đời chẳng khê”. Vàcốt lõi của hạnh phúc là yêu thương, dòng sinh dưỡng gắn kết mọi người và các thế hệ với nhau: “Yêu trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”.

ThS Nguyễn Thị Phượng, Trường đại học Phú Yên nhìn nhận: “Có thể thấy những giá trị văn hóa truyền thống rất Phú Yên đã tạo nên cốt cách, bản tính của con người Phú Yên. Những tác động tích cực từ giá trị văn hóa truyền thống mang lại đã đẩy lùi những hành vi có tính bạo lực trong từng gia đình, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến trong sự phát triển chung của nước nhà. Để gia đình thực sự trở thành tổ ấm, đảm bảo an toàn cho sự phát triển tình cảm, trí tuệ, đạo đức, thể lực của các thành viên thì quan hệ ứng xử, sinh hoạt giữa các thành viên phải chuẩn mực, văn minh”.

Nhiều chuyên gia về gia đình Việt cho rằng, không giống như sự nhấn mạnh cá nhân của văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông đánh giá cao vai trò của gia đình và gia tộc. Trong đó, văn hóa Việt Nam coi trọng cả gia tộc lẫn gia đình. Vì thế, các thành viên trong gia đình Việt gắn kết mật thiết, từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, thành gia lập thất, có con cái. Nhiều thế hệ sống chung với nhau nên sự ảnh hưởng qua lại là tất yếu. Khi có con, ba mẹ, ông bà sẽ giữ mình hơn vì nghĩ những lời nói, việc làm của bản thân có tác động tới sức khỏe, tinh thần đứa trẻ. Do đó, nhiều gia đình có thêm đứa trẻ sẽ trở nên tươi tắn hơn, những xung đột giảm xuống hoặc mất hẳn.

“Thực ra, giữ được hòa khí, điều tiết được lời nói, bớt sân si, hành động nóng nảy đâu chỉ là vì con vì cháu. Khi gia đình đầm ấm, lúc đó ông bà, cha mẹ cũng sẽ hạnh phúc. Đó chính là kết quả kép, lợi mình, lợi người, lợi cho gia đình mình, điều mình cần ý thức cũng như có cố gắng đổi thay...”, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) chia sẻ.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/307440/giu-chu--hoa--trong-gia-dinh.html