Giữ bản sắc 'tên phố, tên làng' sau sáp nhập

UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vừa có văn bản thông báo về tên gọi mới của các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, nâng cấp.

Theo đó, huyện Diên Khánh sau khi được nâng cấp lên thị xã thì thị trấn Diên Khánh sẽ được đổi tên thành phường Phú Thành, các xã Diên Đồng và Diên Xuân của huyện này sẽ có tên mới là Đồng Xuân.

Sau khi có thông báo, nhiều người bày tỏ không hài lòng về cách đặt tên mới như trên. Họ cho rằng, danh xưng Diên Khánh có từ lâu đời, nơi đây còn có thành cổ Diên Khánh được xây dựng cách đây hơn 230 năm, là địa danh mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử, di sản tinh thần của người dân địa phương. Địa danh mới Phú Thành là một cái tên xa lạ, không hề có sự liên kết với vùng đất Diên Khánh.

Việc ghép hai chữ cuối của hai địa danh cũ là Diên Đồng và Diên Xuân để đặt tên cho xã mới là Đồng Xuân cũng máy móc và “lạc quẻ”. Bởi hầu hết tên các xã thuộc huyện này đều bắt đầu từ chữ "Diên", cụ thể: Diên An, Diên Điền, Diên Đồng, Diên Hòa, Diên Xuân...

Ảnh minh họa: vov.vn

Giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ có 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp, sáp nhập. Điều này cũng có nghĩa là hàng loạt đơn vị hành chính mới ra đời. Tuy nhiên, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới là câu chuyện không đơn giản. Bởi mọi sự thay đổi hoặc xóa bỏ (dù chỉ là trên giấy tờ) những địa danh cũ vốn đã ăn sâu vào tiềm thức, mang đặc trưng văn hóa, lịch sử của một vùng đất ít nhiều cũng sẽ tác động tới tâm tư, tình cảm của một bộ phận nhân dân.

Làm thế nào để tên xã, tên huyện mới thành lập thuận tiện cho chính quyền, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, vừa kế thừa được nội hàm của địa danh cũ và phản ánh được bản sắc văn hóa, lịch sử của một vùng đất? Đây chính là bài toán đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập hiện nay.

Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 (Nghị quyết 35) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 có quy định đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp. Theo đó, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Tuy nhiên, đây chỉ là những quy định chung mang tính chất định hướng nhằm bảo đảm cho việc đặt tên các đơn vị hành chính được thống nhất trong cả nước. Việc chọn và đặt tên cụ thể như thế nào đối với từng đơn vị hành chính mới, hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương.

Để thực hiện tốt điều này, bên cạnh quán triệt chặt chẽ Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương cần phát huy dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử, xã hội học, ngôn ngữ học, thậm chí có thể phát động các cuộc thi đặt tên cho địa danh hành chính mới.

Có như vậy, tên mới của các đơn vị hành chính sau sắp xếp, sáp nhập mới thực sự là mỹ tự, vừa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành vừa đáp ứng được nguyện vọng, tình cảm của đa số cán bộ và nhân dân địa phương; giữ gìn và phát huy được giá trị di sản, giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa qua "tên phố, tên làng" của mỗi vùng đất, địa phương trong hành trình phát triển, đổi mới.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giu-ban-sac-ten-pho-ten-lang-sau-sap-nhap-772690