Giông lốc, mưa đá ở Hà Nội, nhiều cây xanh bật gốc

Trận giông lốc ở Hà Nội tối ngày 20-4 khiến nhiều cây xanh bật gốc, đi kèm theo giông lốc là mưa lớn, nhiều quận huyện xuất hiện mưa đá…

Tối 20-4, giông lốc tại Hà Nội, kèm theo mưa lớn kéo dài khoảng 30 phút (từ 19g30 đến 20 giờ) khiến nhiều cây xanh bị bật gốc.

“Cây xanh trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bị bật gốc sau giông lốc. Công ty đang điều lực lượng công nhân đi xử lý cây bị đổ chắn ngang đường, đồng thời kiểm đếm số cây bị đổ”, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết.

Giông lốc ở Hà Nội khiến cây xanh trên phố Nhà Chung (Hoàn Kiếm) bật gốc (Ảnh: MXH)

Sau trận giông, lốc tại một số tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như Tràng Thi, Nhà Chung… có một số cây xanh bị bật gốc và gãy cành chắn ngang đường ảnh hưởng đến giao thông.

Lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cử lực lượng đến để cắt cây xanh chắn ngang đường Tràng Thi, tạo điều kiện cho các phương tiện di chuyển.

Mưa lớn cũng gây ngập cục bộ tại khu vực chân cầu Vĩnh Tuy (trước AEON Mall Long Biên), nhiều phương tiện giao thông bị ùn ứ cục bộ.

Nhiều quận huyện tại Hà Nội ghi nhận hiện tượng mưa đá (Ảnh: MXH)

Ngoài hiện tượng giông lốc, tại Hà Nội cũng xuất hiện mưa đá tại một số khu vực ở các quận, huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Cầu Giấy…

Trên mạng xã hội người dân tại các địa phương đăng tải hạt mưa đá với đường kính từ đầu đũa, đến 1-2 cm. Chính quyền địa phương các khu vực trên vẫn đang ghi nhận tình hình, thống kê thiệt hại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều và tối 20-4, một cơn mưa giông lớn bao phủ nhiều tỉnh miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Một số nơi xuất hiện mưa to với lượng mưa tính từ 16-20h ngày 20-4 trên 40mm như Huổi Lèng (Điện Biên) 66.8mm, Giáp Đắt (Hòa Bình) 41.8mm. Cơ quan khí tượng đã ban hành cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và sụt lún do mưa lớn ở ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ.

Tại Hà Nội, mưa xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng cường độ lớn, kết hợp với dông, lốc sét và gió giật mạnh khiến nhiều nơi cây bị ngã đổ. Lượng mưa lớn nhất ghi nhận tại khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Đáng lưu ý, do mưa lớn xuất hiện ngay sau một ngày oi nóng, sự cạnh tranh giữa các khối khí nóng, lạnh đã khiến mưa đá xuất hiện ở nhiều nơi như ở Chiềng Pấc, Thuận Châu (Sơn La), Ứng Hòa, Gia Lâm (Hà Nội).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, chiều tối và đêm 21-4, miền Bắc tiếp tục mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Ngoài ra, ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đêm 20-4, chiều tối và tối ngày 21-4 cũng có mưa rào và giông cục bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, tháng 4-5 là thời gian giao mùa ở các tỉnh miền Bắc. Sự cạnh tranh giữa các khối khí nóng lạnh thường gây ra các đợt mưa giông dữ dội, kèm theo nguy cơ lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/giong-loc-mua-da-o-ha-noi-nhieu-cay-xanh-bat-goc-post786665.html