Giới trẻ nổi giận với 'những bàn tay dính dầu'

Dù thiếu vắng nhà hoạt động khí hậu nổi tiếng Greta Thunberg, thế hệ trẻ vẫn đang 'định hình kết quả tại hội nghị COP27'.

Cố vấn khí hậu trẻ nhất của Liên Hợp Quốc, Sophia Kianni, nói với BBC rằng thanh niên là lực lượng hùng hậu hơn bao giờ hết trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27).

“Những người trẻ chắc chắn đang định hình kết quả tại COP27”, Kianni nói.

Trước đó, nhà vận động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg đã từ chối tham gia hội nghị ở Sharm el-Sheikh, và gọi đây là một diễn đàn "tẩy xanh" - ám chỉ việc "các nhà lãnh đạo và những người nắm quyền coi đây là cơ hội thu hút sự chú ý" thay vì hành động thực chất, theo Guardian.

Các hội nghị "cho phép và thậm chí khuyến khích các quốc gia và nhà lãnh đạo thế giới lợi dụng những lỗ hổng trong các kế hoạch (ứng phó biến đổi khí hậu), để thu lợi cho chính họ", Thunberg chia sẻ trên Radio 5 Live.

Cô nói rằng các quốc gia đang tự tẩy xanh “thông qua những cam kết nhỏ, mang tính biểu tượng, rất xa vời và thường thất bại", theo BBC.

Dù thiếu vắng Greta Thunberg - người được xem là một biểu tượng mạnh mẽ của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay, thế hệ trẻ từ nhiều quốc gia có nguy cơ cao chịu tác động của biến đổi khí hậu vẫn không ngừng lên tiếng tại COP27.

Sự kiện diễn ra từ ngày 6 đến 8/11 tại Ai Cập với sự tham gia của hơn 200 quốc gia, nhằm thảo luận về các biện pháp cắt giảm khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân trên thế giới.

Rửa sạch bàn tay "dính dầu"

Trong một bài phát biểu hôm 15/11, nhà hoạt động khí hậu Vanessa Nakate, 26 tuổi từ Uganda, đã yêu cầu các chính phủ rửa sạch bàn tay "dính dầu" của họ.

Phát biểu trước các quốc gia G20, cô nói rằng họ phải chấm dứt "sự điên rồ về đạo đức và kinh tế", khi tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch và ưu tiên lợi ích chính trị ngắn hạn.

 Ayisha Siddiqa (trái) hỗ trợ vẽ một bức tranh tường tại Gian hàng Thanh niên đầu tiên tại hội nghị COP27. Ảnh: BBC.

Ayisha Siddiqa (trái) hỗ trợ vẽ một bức tranh tường tại Gian hàng Thanh niên đầu tiên tại hội nghị COP27. Ảnh: BBC.

Trong khi đó, đồng tình với quan điểm của Thunberg, các nhà hoạt động từ các nước đang phát triển cũng cho rằng hội nghị COP bị tổn hại bởi sự hiện diện đông đảo của các đại diện từ những nền kinh tế dầu khí. Song họ cho rằng nỗ lực của họ vẫn tạo ra ảnh hưởng tại đây.

Ayisha Siddiqa, 23 tuổi, đến từ Pakistan, là một trong những diễn giả hàng đầu tại Gian hàng Trẻ em và Thanh niên tại COP27. Đây là lần đầu tiên những người trẻ tuổi có một không gian riêng, nơi các nhà hoạt động tổ chức một cuộc gặp chính thức với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào tuần trước.

Gian hàng này là một trong những khu vực náo nhiệt nhất của hội nghị COP27, với đám đông nhà hoạt động khí hậu ngồi và trò chuyện trên sàn. Ayisha nói với BBC rằng cô tự hào về không gian này.

"Đây là hoạt động dành cho giới trẻ, do chúng tôi tổ chức. Không giống như chính phủ và các khu vực kinh doanh, không có thương hiệu hay công ty nào", cô nói.

Ayisha cho rằng chia sẻ của Thunberg không đúng với thực tế biến đổi khí hậu. "Đối với tôi, có quá nhiều thứ khiến tôi không thể từ bỏ hy vọng thay đổi", cô nói. Mùa hè năm nay, lũ lụt kinh hoàng đã khiến hơn 1.700 người thiệt mạng ở Pakistan - quê hương của Ayisha.

Trong khi đó, Mana Omar, 27 tuổi từ Kenya, lo ngại hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ không thể cung cấp đủ nguồn tài chính mà đất nước cô cần để ứng phó với biến đổi khí hậu. Omar cho rằng COP27 giống một "hội chợ thương mại".

Tuy nhiên, cô vẫn đến đây để đại diện cho cộng đồng của mình - những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. "Cộng đồng của tôi đang bị lãng quên, tiếng nói của họ hoàn toàn không được lắng nghe, họ sống ở những khu vực không có Internet. Tôi chỉ hy vọng mình có thể mang thông điệp của họ đến đây", cô giải thích.

Omar nói rằng vai trò của cô là mang "hy vọng đến những nơi không có", và cô kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho con gái một tuổi của mình.

Nhiều trở ngại

Dù giữ tinh thần lạc quan, nhiều nhà hoạt động, đặc biệt là nhóm người đến từ các quốc gia đang phát triển, nói rằng họ gặp phải những rào cản đáng kể khi đến với hội nghị thượng đỉnh ở Ai Cập.

Imran Hussein, từ Bangladesh, đã mất cha trong trận lốc xoáy Aila năm 2009. Anh chia sẻ bản thân rất lo ngại về tình trạng nước biển dâng tại quê nhà. Anh có mặt tại COP27 để đòi lại "công lý khí hậu" cho người mẹ của mình. Bà phải làm việc trong một xưởng may kể từ khi cha anh qua đời.

Imran và đồng nghiệp Sohanur Rahmen giải thích họ nhận được tiền trợ cấp cho việc di chuyển và chi phí khách sạn, nhưng không đủ tiền ăn tại hội nghị. Các đại biểu phải chịu khoản phí khoảng 4.000 USD/tuần cho chỗ ở, chi phí đi lại và thị thực.

 Mana Omar, 27 tuổi, nhà hoạt động khí hậu từ Kenya. Ảnh: BBC.

Mana Omar, 27 tuổi, nhà hoạt động khí hậu từ Kenya. Ảnh: BBC.

Các nhà hoạt động nói rằng hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trong tương lai cần có các quỹ đặc biệt và cung cấp chỗ ở cho những đại biểu trẻ tuổi. Song Imran và Sohanur vẫn tự hào được tham gia đội đàm phán của Bangladesh.

Vị trí này cho phép họ tham gia các cuộc đàm phán ở hậu trường, nơi các quốc gia đưa ra quan điểm về thỏa thuận cuối cùng.

Cuộc đàm phán giữa các quốc gia về cách hạn chế biến đổi khí hậu sẽ diễn ra trong tuần này, khi nhiều báo cáo cho thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa nước giàu và nước nghèo.

Các nhà hoạt động khí hậu trẻ hy vọng họ sẽ giành được nhiều tiền hơn cho các cộng đồng bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu, và một cam kết chắc chắn từ các nhà lãnh đạo nhằm loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận họ có thể phải trở lại vào năm 2023.

Trước hội nghị COP27, các nhà lãnh đạo châu Phi đã xác nhận cam kết hành động vì khí hậu, nhưng nhấn mạnh rằng người dân nơi đây cũng có những nhu cầu phát triển cấp bách khác. Ở châu Phi cận Sahara, hơn 50% dân số không được sử dụng điện, theo Guardian.

Trong khi đó, tại các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch, hàng trăm nghìn công nhân vẫn phụ thuộc vào ngành công nghiệp này.

Để theo đuổi chính sách xanh, các nước giàu đã ngừng tài trợ cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch ở các nước đang phát triển. Nhưng giờ đây, họ phải đối mặt với những cáo buộc ngày càng tăng về "đạo đức giả" trong lĩnh vực năng lượng, khi tái kích hoạt các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch do chiến sự ở Ukraine.

Tại hội nghị COP15 năm 2009, các nước phát triển từng đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2020 cho hoạt động chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Tại COP26 năm 2021 ở Glasgow, các nước phát triển cũng cam kết tăng gấp đôi hỗ trợ hàng năm lên mức 40 tỷ USD đến năm 2025.

Song không rõ khi nào những cam kết này sẽ được đáp ứng.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-tre-noi-gian-voi-nhung-ban-tay-dinh-dau-post1376076.html