Giới trẻ Nhật Bản từ bỏ văn hóa làm việc từ sáng đến đêm

Tại Nhật Bản - đất nước đã đặt ra thuật ngữ 'Karoshi' để chỉ hiện tượng một người làm việc quá sức dẫn đến tử vong, giới trẻ đang dần ưu tiên việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Giới trẻ Nhật Bản ngán ngẩm với văn hóa làm việc từ sáng đến đêm. Ảnh: Management Today

Giới trẻ Nhật Bản chọn cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Việc thiết lập lại và thay đổi thái độ sau đại dịch COVID-19 của những người lao động trẻ đang thay đổi thói quen làm việc không ngừng nghỉ của Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc từ sáng đến đêm cùng những bữa tiệc uống rượu bắt buộc và hệ thống phân cấp cứng nhắc.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, hiện nay chỉ có 30% thanh niên Nhật Bản cảm thấy việc thăng tiến trong công việc là quan trọng. Đối với họ, một công việc thoải mái và đồng nghiệp thân thiện là ưu tiên hàng đầu.

Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tỷ lệ người lao động làm việc hơn 60/tuần giờ vào năm 2022 là 9% - giảm một nửa so với khoảng 2 thập kỷ trước.

Phong cách sống đa dạng

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi văn hóa làm việc của Nhật Bản. Ảnh: IT/Images

Tuy nhiên, một lao động trẻ nói với CNA rằng, dù muốn ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhưng cô vẫn khó thực hiện được điều này trong một ngày bình thường.

Yuki Sato, người làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng cho tập đoàn hàng tiêu dùng khổng lồ Kao của Nhật Bản, cho biết cô phải làm thêm tới 2 tiếng rưỡi/ngày.

"Đi làm về, mệt quá nên ngủ. Một ngày của tôi thường diễn ra như vậy", cô gái 24 tuổi nói thêm.

Yuki Sato tốt nghiệp vào năm 2022 khi thế giới đang hồi phục dần sau đại dịch COVID-19. Điều này khiến thế hệ của cô lo sợ về cuộc sống trong tương lai có thể bấp bênh đến mức nào.

"Đột nhiên chúng tôi không được phép làm gì cả. Tiền lương ngừng đến. Một cái gì đó có thể sụp đổ. Sự ổn định đã biến mất hoàn toàn", Yuki Sato nói.

Đại dịch COVID-19 cũng thay đổi một khía cạnh quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản: Tiệc rượu sau giờ làm việc. Các quán bar đã bị đóng cửa trong đợt bùng dịch COVID-19 giúp lao động trẻ Nhật Bản - những người mong muốn có chất lượng cuộc sống cao không còn phải đi nhậu sau khi tan làm.

Do đó, Yuki Sato hiện chủ yếu giao lưu với các đồng nghiệp của mình trong bữa trưa và nói rằng, cô thích có một nền tảng để hòa nhập với họ đồng thời phát triển các kỹ năng của bản thân.

"Chúng tôi muốn tận hưởng cuộc sống hiện tại, làm những gì chúng tôi muốn. Lối sống đã đa dạng hóa", Yuki Sato nói thêm.

Tầm quan trọng của việc kết nối với mọi người

Các chuyên gia cho biết giới trẻ trên khắp thế giới, bao gồm cả Nhật Bản, đang tìm kiếm những nơi làm việc tốt hơn, mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cùng với một môi trường hòa nhập.

"Mọi người chắc chắn cần có cảm giác thân thuộc và cảm giác kết nối với ai đó - không chỉ với công việc mà còn với những người khác. Các mối quan hệ thực sự quan trọng", Phó Giáo sư Connie Zheng từ Đại học Nam Úc (Australia) cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Zheng, các nước châu Á có thể vẫn chưa nhận thức được những vấn đề như vậy.

"Tôi hy vọng rằng sau đại dịch COVID-19, họ sẽ cải thiện điều đó nhiều hơn một chút. Nhưng tôi nghĩ Nhật Bản đang dẫn đầu", Phó Giáo sư Zheng nói thêm.

Một ví dụ được Phó Giáo sư Zheng trích dẫn là Microsoft Nhật Bản, công ty đã thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày/tuần vào tháng 8 năm 2019. Điều này dẫn đến các cuộc họp hiệu quả hơn, người lao động hạnh phúc hơn và năng suất tăng 40%.

"Những điều như thế, tôi nghĩ sẽ thực sự hữu ích. Tôi hy vọng các quốc gia châu Á khác sẽ tiếp thu điều đó và có thể bắt đầu nghĩ đến việc làm việc 4 ngày/tuần thay vì bắt mọi người làm việc 7 ngày/tuần", bà Zheng nói.

Karoshi - hiện tượng làm việc quá sức dẫn đến tử vong ở Nhật Bản

Hơn 30 năm trước, khi nhà xã hội học Junko Kitanaka lần đầu nhắc tới thuật ngữ "Karoshi", thế giới vẫn coi đó như một hiện tượng văn hóa xa lạ. Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là "chết vì làm việc quá sức".

Vào ngày 13/10/2023, Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố sách trắng hàng năm về thời gian làm việc quá sức của người dân và mối liên hệ của nó với chứng trầm cảm và karoshi.

Tổng cộng có 2.968 người ở Nhật Bản chết vì các vụ tự tử do karoshi gây ra vào năm 2022 (năm 2021 có 1.935 vụ).

Sách trắng của Bộ Y tế Nhật Bản liên kết karoshi với số giờ làm việc của người dân. Trong đó, 10,1% nam giới làm việc ít nhất 60 giờ/tuần và 4,2% phụ nữ làm việc trên 60 giờ/tuần.

Karoshi có thể xảy ra do sức khỏe kém. Năm 2022, có tới 803 người đã nộp đơn xin Chính phủ Nhật Bản bồi thường vì các bệnh về não hoặc tim do căng thẳng trong công việc gây ra. Con số đó tăng từ 753 trường hợp vào năm 2021 và mức cao nhất là 938 trường hợp vào năm 2000.

Các chuyên gia cho rằng những trường hợp được báo cáo với cơ quan y tế có thể chỉ là một phần nhỏ so với con số thực tế.

Nguồn: CNA

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/gioi-tre-nhat-ban-tu-bo-van-hoa-lam-viec-tu-sang-den-dem-179240424154239832.htm