Giới trẻ đua nhau khởi nghiệp, kinh doanh dịp 8/3

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bán các món quà như hoa tươi, socola, làm quà handmade... và thu về lợi nhuận khủng.

Kinh doanh vào các dịp lễ là 1 cách kiếm thêm thu nhập cho những bạn trẻ hứng thú với việc buôn bán. Không bỏ lỡ cơ hội này, dịp 8/3 năm nay, nhiều bạn trẻ đã tranh thủ kinh doanh hoa cùng một số mặt hàng khác. Được biết, cách khởi nghiệp này không cần quá nhiều vốn mà lợi nhuận thu về cũng rất cao.

Khởi nghiệp từ “nguồn cung” có sẵn

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, những ngày gần đây, trên những con đường, tuyến phố gần các trường Đại học tại Hà Nội xuất hiện rất nhiều quầy hàng nhỏ bán các món quà cho dịp 8/3 như hoa tươi, hoa sáp, socola hay các đồ handmade. Những gian hàng di động này đều có chủ sở hữu là các bạn trẻ, sinh viên hoặc các câu lạc bộ, đội, nhóm của các trường Đại học.

Trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bạn Nguyễn Lan Anh (21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang cặm cụi bó từng bó hoa tươi thắm để xếp lên kệ hàng.

Lan Anh cho biết, bản thân rất thích cắm hoa và nhà cũng có truyền thống làm tiệm hoa nên cô nàng quyết định khởi nghiệp bán những bó hoa tươi phục vụ khách dịp 8/3 này. “Vì nhà làm tiệm hoa nên nguồn hàng mình cũng không phải tự đi nhập, số vốn bỏ ra cũng không nhiều. Mình bắt đầu mở hàng từ đầu tháng 3. Thời điểm đầu mình sẽ bán giá rẻ hơn và chủ yếu đăng bán online. Đến đúng ngày lễ mình sẽ tăng giá cao hơn theo thị trường và đẩy mạnh bán trực tiếp”, Lan Anh nói.

Tương tự như Lan Anh, chị Nguyễn Khánh Hương (25 tuổi, Hà Nội) chọn hoa len do chị tự móc làm mặt hàng để khởi nghiệp. Dịp 8/3 này, chị nhận được số lượng đơn hàng lớn từ các doanh nghiệp, thu về lợi nhuận khủng.

Chị Khánh Hương bán hoa len trên nền tảng Facebook

Chị Khánh Hương bán hoa len trên nền tảng Facebook

Chị Hương cho biết, chị bắt đầu chạy đợt hàng cho 8/3 từ ngay sau lễ Tình nhân 14/2. “Dự đoán được sự sôi động của thị trường dịp 8/3 này nên mình đã lên kế hoạch và chuẩn bị hàng từ ngay sau khi Tết Nguyên đán và Valentine kết thúc. Những ngày này mình hay nhận được đơn hàng từ các doanh nghiệp, đơn nào cũng vài chục, thậm chí cả trăm bó hoa len”, chị Hương nói.

Những bó hoa len này rất thu hút khách dịp 8/3 (Ảnh: NVCC)

Những bó hoa len này rất thu hút khách dịp 8/3 (Ảnh: NVCC)

Khi được hỏi về quyết định lựa chọn mặt hàng hoa len để khởi nghiệp, cô chủ gen Z này cho biết, bản thân có thể tự móc len, không cần bỏ ra nhiều vốn, hơn nữa, hoa len có độ bền và để được lâu dài; giá 1 bó hoa len ngày lễ tết cũng sẽ rẻ hơn hoa tươi, dễ tiếp cận các tệp khách hàng, kể cả là sinh viên. Đặc biệt, hoa len có mẫu mã xinh xắn nên thu hút nhiều bạn trẻ.

Chất lượng cao nhưng giá “mềm”

Không thua kém về chất lượng, mẫu mã, những sản phẩm mang nhãn hiệu người trẻ có giá rẻ hơn rất nhiều so với thị trường từ 20-30%. Đặc biệt, cùng với sự nhanh nhạy, năng động của tuổi trẻ, những “shop nhỏ” của gen Z luôn là điểm đến của khách hàng. Chính điều này đã giúp sinh viên thu về món hời tiền “triệu” từ những kế hoạch kinh doanh nhỏ của mình.

Giới trẻ thường lựa chọn kinh doanh online hoặc đặt 1 “gian hàng di động” nhỏ trên các vỉa hè nơi những tuyến phố gần trường Đại học. Bởi vậy, các tiểu thương trẻ không mất tiền thuê mặt bằng nên giá bán ra cũng sẽ rẻ hơn các cửa hàng truyền thống.

Theo ghi nhận, các sạp hoa “sinh viên” với đa dạng mẫu mã bắt kịp xu hướng và thị hiếu giới trẻ nhưng có giá rất “mềm”. Giá hoa chỉ dao động từ 100.000-500.000 đồng/bó, các bạn trẻ còn linh động gói bán theo yêu cầu người mua và bán lẻ từng bông với mức giá chỉ từ 10.000-50.000 đồng/bông/bó nên đáp ứng đa dạng nhu cầu của người mua.

Những sạp hoa của giới trẻ khởi nghiệp có giá "mềm" nhưng rất đa dạng mẫu mã

Những sạp hoa của giới trẻ khởi nghiệp có giá "mềm" nhưng rất đa dạng mẫu mã

Vừa mua hoa ở trước cổng trường Đại học Thương mại chị Nguyễn Huyền Anh (Xuân Thủy - Cầu Giấy) chia sẻ: “Mỗi dịp lễ, mình đều mua hoa tặng các cô giáo của con tại các hàng hoa của các bạn sinh viên vì giá cả hợp lý và các bạn trẻ cũng rất nhiệt tình tư vấn, thậm chí là gói hoa theo yêu cầu rất đẹp”.

Những món đồ handmade dù được sáng tạo bởi các bạn trẻ nhưng hiện nay, nhiều cửa hàng truyền thống cũng nhập thêm mặt hàng thủ công này về bán để phục vụ nhu cầu khách hàng. Giá những món đồ handmade tại các cửa hàng truyền thống cũng nhỉnh hơn so với các gian hàng do giới trẻ tự tay làm.

Các món đồ handmade cũng có giá chênh lệch giữa cửa hàng truyền thống và "shop" của gen Z

Các món đồ handmade cũng có giá chênh lệch giữa cửa hàng truyền thống và "shop" của gen Z

Dịp 8/3 năm nay, hoa sáp tại cửa hàng truyền thống được bán với giá từ 400.000 đến vài triệu đồng một bó tùy kích cỡ và mẫu mã. Trong khi đó, tại các “shop khởi nghiệp” của giới trẻ chỉ có giá dao động từ 150.000 đến 500.000 đồng. Phóng viên cũng ghi nhận sự đa dạng về mẫu mã tại các “gian hàng gen Z”.

Anh Trần Văn Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) lựa chọn mua hàng của các bạn trẻ để ủng hộ và động viên các bạn tiếp tục cố gắng. “Mình rất thích những người trẻ dám nghĩ, dám làm. Bởi vậy các dịp Lễ mình lựa chọn các quầy hàng của sinh viên để ủng hộ các bạn. Hàng của các bạn ấy bán vừa đẹp mà giá cũng rẻ hơn khi mua ở các hàng truyền thống”, anh Thắng nói.

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gioi-tre-dua-nhau-khoi-nghiep-kinh-doanh-dip-83-307110.html