Giới siêu giàu trẻ Trung Quốc tăng mạnh sưu tầm kiệt tác nghệ thuật và hàng xa xỉ

Theo các chuyên gia tại một hội nghị ở Hồng Kông (Trung Quốc), thế hệ trẻ, am hiểu công nghệ và siêu giàu của Trung Quốc đang định hình ngành quản lý tài sản và chi tiêu xa xỉ, bao gồm cả sưu tập nghệ thuật.

Chen Ding, Giám đốc điều hành của quản lý tài sản CSOP cho biết: “Bối cảnh quản lý tài sản ở châu Á đang trải qua những biến đổi đáng kể do sự thay đổi về nhân khẩu học và số hóa”.

Phát biểu trên một hội thảo tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu HSBC hôm thứ Tư (10/4), Ding nói thêm rằng ngành quản lý tài sản đang được định hình lại bởi các phương tiện truyền thông xã hội, giới trẻ và những người dẫn dắt quan trọng (KOL), một thuật ngữ được sử dụng cho những người sáng tạo nội dung có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Tác phẩm “Lời tiên tri của nhóm số 112, 2024” của Sun Yuan, được trưng bày tại Art Central ở Central, Hong Kong, vào ngày 28/3/2024. Ảnh: Sam Tsang.

Bà nói: “Trong vài thập kỷ tới, Gen Z hoặc thậm chí là Gen Alpha tiếp theo đầu tư thông qua việc mã hóa tài sản và cố vấn tài sản AI”.

Theo Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank, Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ chứng kiến số lượng cá nhân siêu giàu tăng 47% vào năm 2028, bất chấp tốc độ tăng trưởng tài sản toàn cầu đang chậm lại.

Theo Báo cáo Tài sản Tư nhân Trung Quốc do Ngân hàng Thương mại Trung Quốc công bố, dân số có giá trị ròng cao của Trung Quốc cũng đang trở nên trẻ hóa, với tỷ lệ dưới 40 tuổi tăng từ 29% năm 2019 lên 49% vào năm 2023.

Trong khi đó, những người đam mê nghệ thuật am hiểu công nghệ và công nghệ kỹ thuật số đã biến đổi thị trường nghệ thuật, khiến nó trở nên dễ tiếp cận và hòa nhập hơn đối với các nhà sưu tập, theo Francis Belin, chủ tịch Christie’s châu Á-Thái Bình Dương, người phát biểu trong cùng hội thảo.

Bất chấp sự suy giảm tổng thể về hoạt động mua tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu, ngành này vẫn phục hồi nhờ sự chuyển hướng sang các nhà sưu tập trẻ tuổi.

Ông Belin cho biết: “Việc mua hàng của người châu Á đã trở nên mạnh mẽ và bền vững trong doanh số bán hàng nghệ thuật và hàng xa xỉ của chúng tôi trên toàn cầu, với nhóm người mua trẻ tuổi trong khu vực đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết”.

Ông nói thêm, chiến lược định giá thực tế, đổi mới kỹ thuật số và trải nghiệm giáo dục năng động sẽ vẫn là chìa khóa để nuôi dưỡng các nhà sưu tập nghệ thuật ở châu Á qua nhiều thế hệ.

Ngoài ra, ông Christie’s cũng nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của cả người tiêu dùng mới và người tiêu dùng trẻ tuổi từ châu Á trong doanh số bán hàng trên toàn thế giới, một phần nhờ vào các khoản đầu tư kỹ thuật số của nhà đấu giá, bao gồm cả nền tảng bán hàng và đấu giá trực tuyến.

Vào năm 2023, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 54% chi tiêu của người mua mới trên toàn cầu của Christie và 66% chi tiêu của người mua thế hệ trẻ trên toàn cầu, trong đó hơn một nửa số chi tiêu này là đến từ Trung Quốc đại lục.

Theo Jing Zhang, tổng biên tập toàn cầu của ấn phẩm kinh doanh lĩnh vực xa xỉ Jing Daily, đại dịch Covid-19 đã chuyển sự tập trung của người tiêu dùng Trung Quốc sang chất lượng, sự khéo léo và giá trị bán lại thay vì thương hiệu.

Các thương hiệu thời trang và làm đẹp truyền thống cũng hiểu được ảnh hưởng của KOL và hoạt động tiếp thị của người nổi tiếng. Zhang trích dẫn ví dụ về Lalisa Manobal (nghệ danh Lisa) của Blackpink, người đóng vai trò là đại sứ thương hiệu cho Chanel. Sự liên kết của cô với thương hiệu này đã mang lại những người tiêu dùng mới, trẻ hơn cho hãng.

Điệp Nguyễn (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-sieu-giau-tre-trung-quoc-tang-manh-suu-tam-kiet-tac-nghe-thuat-va-hang-xa-xi-post291475.html