Giới siêu giàu đang sợ đi máy bay tự mua

Trong khi một số người lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật vì các chuyến bay của họ bị theo dõi, những người khác ngại bị chỉ trích là 'tội phạm khí hậu'.

Sở hữu một máy bay tư nhân ngày nay đã khác trước.

Viện dẫn các rủi ro bảo mật và quyền riêng tư, những nhà tài phiệt sở hữu máy bay đề cập đến các trang web theo dõi chuyến bay và trang mạng xã hội riêng có thể xác định chính xác vị trí của họ khi di chuyển trên bầu trời.

Tuần trước, tỷ phú Elon Musk, người giàu thứ hai thế giới, đã đình chỉ hàng chục tài khoản Twitter của một sinh viên đại học 20 tuổi đăng lộ trình máy bay tư nhân, bao gồm cả chiếc Gulfstream G650 của ông.

“Bất kỳ tài khoản nào phát tán hoặc đánh cắp thông tin vị trí theo thời gian thực của bất kỳ ai sẽ bị đình chỉ, vì đó là hành vi vi phạm an toàn”, ông Musk viết trên Twitter.

Đầu năm nay, Bernard Arnault, người giàu nhất thế giới, đã bán máy bay riêng của công ty sau khi cảm thấy thất vọng vì lộ trình của ông bị công khai.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay từ lâu đã được cung cấp công khai, chỉ cần biết cách lấy dữ liệu đó ở đâu và như thế nào. Trong thời đại bùng nổ thông tin và dễ dàng truy cập, những người đào bới thông tin cũng trở nên tinh vi hơn, đồng thời thường sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để lan truyền thông tin ngay lập tức.

Khai thác thông tin bay có bất hợp pháp không?

Các trang web cộng đồng và tài khoản mạng xã hội theo dõi đã phát triển nhanh chóng trên nhiều nền tảng, cùng với sự gia tăng đột biến về lượng di chuyển hàng không tư nhân trong thời kỳ đại dịch.

Bernard Arnault, Giám đốc điều hành của công ty LVMH, trên chuyên cơ riêng của mình vào năm 2004. Ảnh: Marc DeVille/Gamma-Rapho.

Người theo dõi máy bay độc lập nổi bật nhất là Jack Sweeney, sinh viên năm hai Đại học Trung tâm Florida, sở hữu tài khoản Twitter @ElonJet có hơn nửa triệu người theo dõi. Tài khoản này hiện đã bị đình chỉ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Los Angeles Times hôm 20/12, Sweeney nói rằng bất chấp các mối đe dọa pháp lý từ tỷ phú, anh tin rằng mình có quyền công bố vị trí của chiếc Gulfstream chính của ông Musk và các máy bay tư nhân khác của ông.

Anh nói rằng mình đã theo dõi máy bay riêng của nhiều nhân vật nổi tiếng, bao gồm Kim Kardashian và Taylor Swift, nhưng lưu ý rằng thông tin của chúng vốn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng qua các bức ảnh của paparazzi và tài khoản mạng xã hội của chính họ.

Anh tin rằng việc theo dõi máy bay tư nhân phần lớn là vô hại.

“Đó là một phần của việc trở thành người nổi tiếng. Mọi người sẽ đăng bài về bạn. Tôi không muốn làm hại Elon. Tôi bắt đầu việc này vì tôi là một người hâm mộ”, Sweeney nói.

Bất chấp việc tài khoản Twitter bị đình chỉ, giờ đây anh đăng những phát hiện theo dõi máy bay tư nhân trên YouTube, Instagram, Discord, Facebook, Mastodon và Telegram, lần theo dấu vết của ông Musk vào cuối tuần trước khi chiếc Gulfstream tới Qatar để tham dự trận chung kết World Cup.

"Việc theo dấu lộ trình không phải là bất hợp pháp. Một số người nói rằng điều đó không được công khai, nhưng như vậy thì không khác nào nói rằng việc nhận tín hiệu AM hoặc FM trong ôtô của bạn là không công khai. Những tín hiệu này luôn ở đó và việc nhận chúng là hợp pháp”, Sweeney lập luận.

Ben Wizner, Giám đốc về phát ngôn, quyền riêng tư và dự án công nghệ của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), cho biết với bất kỳ ai sử dụng không phận công cộng, thông tin bay của người đó được coi là công khai, vì chúng cần hoạt động dựa vào các cơ sở hạ tầng công cộng, chẳng hạn như tháp kiểm soát không lưu.

Kim Kardashian đến sân bay McCarran ở Las Vegas vào năm 2010 bằng máy bay riêng. Denise Truscello/WireImage.

ACLU và các nhà báo điều tra trước đây đã theo dõi các chuyến bay để phát hiện ra những mờ ám của chính phủ nếu có.

“Công chúng quan tâm đáng kể đến việc có thể xác định những chuyến bay nào đang bay phía trên chúng ta và chúng sẽ đi đâu. Tôi chưa bao giờ nghe nói ai đó thành công trong việc tuyên bố rằng đây không phải là thông tin công khai”.

Sự khó chịu của chủ sở hữu máy bay tư

Chủ sở hữu máy bay tư nhân lập luận việc công bố thông tin như vậy là xâm phạm quyền riêng tư, khiến họ và gia đình dễ gặp “những kẻ bám đuôi điên cuồng”. Họ cũng cho rằng các giao dịch kinh doanh của họ có thể bị cản trở từ việc bị theo dõi chuyến bay.

Nhiều người khác nhạy cảm với việc bị gắn mác tội phạm khí hậu, khi một số công cụ theo dõi máy bay tư nhân tính toán lượng nhiên liệu khổng lồ tiêu thụ trong mỗi chuyến bay chỉ chở một vài người. Nhiều người phản đối đã chỉ đích danh các ngôi sao bao gồm Kylie Jenner, Drake và Oprah Winfrey vì đã sử dụng máy bay để di chuyển trong hành trình dài chỉ vài phút.

Đặc biệt, Jenner đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào mùa hè này khi cô đăng một bức ảnh lên Instagram chụp cảnh cô và bạn trai, Travis Scott, đang đứng trên đường băng giữa hai chiếc máy bay riêng.

Sự bực bội của chủ sở hữu máy bay tư đối với việc bị theo dõi đang bắt đầu mang lại lợi ích cho các công ty cho thuê máy bay.

Một máy bay tư nhân đậu tại sân bay ở Nice (Pháp) năm 2021. Ảnh: Bloomberg.

“Sẽ không ai biết bạn đang đi máy bay riêng”, là lời mời gọi của các công ty cho thuê máy bay đến khách hàng tiềm năng của họ.

Một số công ty cho thuê máy bay cho biết họ thậm chí sẽ cho phép những hành khách nổi tiếng lên máy bay ngay từ bên trong nhà chứa máy bay để tránh bị phát hiện.

Leona Qi, Chủ tịch của VistaJet US, cho biết: “Bạn có thể theo dõi một chiếc máy bay cụ thể suốt cả ngày, bạn có thể biết máy bay nào đang ở đâu, nhưng nếu bạn không biết ai là hành khách thì điều đó chẳng có giá trị gì”.

Matt Walter, Giám đốc phát triển kinh doanh của Planet 9, cho biết công ty chặn số đuôi của tất cả 30 máy bay trong đội bay của mình.

“Chúng tôi có những khách hàng thuê máy bay cho các chuyến đi cực kỳ quan trọng mà họ muốn hoàn toàn riêng tư và ẩn danh. Họ không dùng máy bay riêng của họ vì không đáng để mạo hiểm”, ông cho biết.

Ông nói thêm rằng ba trong số khách hàng gần đây đã hỏi về việc bán máy bay của mình vì sợ bị theo dõi.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gioi-sieu-giau-dang-so-di-may-bay-tu-mua-post1387182.html