Giới hạn chịu nóng của con người đến mức nào

Tình trạng nắng nóng kéo dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, khi cơ thể con người dần chịu sức ép trước nhiệt độ ngày càng tăng.

Thời tiết tạnh ráo, ấm áp là điều kiện lý tưởng để du lịch, tuy nhiên, du khách cần chú ý sức khỏe. Ảnh: Đặng Thùy Dương.

2023 từng được ghi nhận là năm nóng nhất trong suốt 125.000 năm. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo kỷ lục đáng lo ngại này không bị phá vỡ bởi 2024, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang điêu đứng vì sức nóng ngày một gia tăng.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự báo kỷ lục nắng nóng khốc liệt có thể xảy ra trong mùa hè năm nay.

Trong khi đó, Cơ quan theo dõi biến đổi Copernicus (châu Âu) cho biết tính đến tháng 3/2024, thế giới đã trải qua 10 tháng liên tiếp có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận trong từng tháng. Tính trong giai đoạn tháng 4/2023-3/2024, thế giới đã nóng hơn 1,58 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thời tiết ngày càng nóng có thể là mối đe dọa đến giới hạn chịu đựng nhiệt độ của con người. Axios cho biết số ca tử vong liên quan đến nhiệt được dự báo tăng 370% vào giữa thế kỷ XXI, ngoài ra, có thêm 525 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực từ trung bình đến nghiêm trọng.

Sức chịu đựng của con người có giới hạn

Medical News Today tháng 7/2023 dẫn nghiên cứu từ Đại học Roehampton (Anh) chỉ ra cơ thể con người có thể mất khả năng thoát nhiệt và ngừng hoạt động tối ưu khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C.

Mặc dù quy mô nghiên cứu chỉ có 13 tình nguyện viên, nhóm khoa học cũng đã thu được kết quả đáng chú ý về quá trình trao đổi chất. Khi nhiệt độ cao, cơ thể sẽ hoạt động nhiều hơn và sử dụng những cơ chế để hạ nhiệt, bao gồm đổ mồ hôi hoặc giãn mạch ở bề mặt da. Điều này sẽ gây sức ép lên các cơ quan và mang rủi ro gây bệnh.

Nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu vào tháng 3/2024, với vùng màu đỏ nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận. Ảnh: Copernicus Climate Change Service.

Nghiên cứu trên chỉ ra trong môi trường 40 độ C và độ ẩm 50%, tỷ lệ trao đổi chất của con người đã tăng 48%. Các nhà khoa học cũng cho biết nhịp thở tăng 23%, cũng như hoạt động của cơ tim tăng, do tim cần nhiều oxy để cơ thể hoạt động tối ưu. Điều này đặt các vấn đề về nguy cơ gây bệnh tim mạch do trời nóng sẽ gây thêm áp lực cho tim.

Nghiên cứu khác được công nhận rộng rãi hơn là một người có thể tử vong nếu đứng 6 giờ trong môi trường nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb temperature) 35 độ C (tương đương 35 độ C cùng độ ẩm 100%, hoặc 46 độ C và độ ẩm 50%).

Nhiệt độ bầu ướt là phương pháp đo lường tính đến cả yếu tố nhiệt độ và độ ẩm, ở đó hơi nước đã bão hòa trong không khí, theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng.

Với tình trạng như vậy, khi ở trong môi trường cả độ ẩm và nhiệt độ không khí đều cao, con người sẽ khó đổ mồ hôi hơn, trong khi mồ hôi giúp giảm khoảng 80% nhiệt trong cơ thể. Điều này khiến cơ thể không thể thoát nhiệt, dẫn đến bị quá nhiệt, gây ra các vấn đề hô hấp và tim mạch, thậm chí tử vong.

Người dân tại Bangkok, Thái Lan đi bộ dưới cái nắng gay gắt hôm 15/4. Ảnh: Bangkok Post.

Tuy nhiên, chưa cần đến mức giới hạn của nhiệt độ bầu ướt để thời tiết nắng nóng gây ra những rủi ro sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhiệt độ tăng sẽ khiến cơ thể tiếp xúc với mức nhiệt nóng hơn bình thường, ảnh hưởng đến khả năng thích nghi với nhiệt và có thể gây những tình trạng như say nắng, kiệt sức và tăng thân nhiệt.

Nhiệt độ khắc nghiệt cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính, bao gồm tim mạch, hô hấp, mạch máu não và các bệnh liên quan đến tiểu đường.

Nhóm có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nắng nóng bao gồm người già, trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai, người lao động ngoài trời và lao động chân tay, vận động viên...

Nhiều khu vực điêu đứng vì nắng nóng

Tháng 4 thường là cao điểm mùa nóng trong năm tại các nước Đông Nam Á. Tình hình năm nay còn nghiêm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino.

Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 30 trường hợp tử vong trong năm nay, tính đến ngày 17/4, so với 37 trường hợp trong cả năm 2023. Chỉ số nhiệt tại Thái Lan - xét cả nhiệt độ và độ ẩm - tại Bangkok đã ghi nhận mức "rất nguy hiểm" 52 độ C.

Nhân viên xử lý khối đá tại một khu chợ ở Thái Lan. Ảnh: Bloomberg.

Nắng nóng cũng khiến Thái Lan ghi nhận kỷ lục về mức tiêu thụ điện trong ngày. Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết lượng điện tiêu thụ ngày 27/4 đã ở mức cao nhất, với 36.356 megawatts. Các quan chức khuyến cáo người dân uống nhiều nước và hạn chế các hoạt động ngoài trời nếu không cần thiết.

Tại Philippines, các trường công đã phải dừng học trực tiếp khi nắng nóng cực độ và các tài xế xe buýt nhỏ (Jeepney) đình công, theo Strait Times.

Tại châu Âu, một báo cáo do Cơ quan Copernicus và WMO cho biết lục địa này năm 2023 đã có “số ngày căng thẳng nhiệt cực độ” cao nhất từng được ghi nhận, theo Al Jazeera. Nắng nóng cũng góp phần khiến châu Âu có một trong những năm cháy rừng nghiêm trọng nhất thế kỷ XXI trong năm ngoái.

Số ca tử vong liên quan tới nắng nóng tại châu Âu đã tăng 30% trong 20 năm qua. Vào năm 2023, nắng nóng cực đoan đã khiến hơn 70.000 người ở châu Âu tử vong, Forbes tháng 11/2023 dẫn các nghiên cứu. Châu lục này thường bắt đầu mùa nóng vào tháng 7-9.

Đây cũng là châu lục nóng lên nhanh nhất, khi nhiệt độ năm 2023 đã cao hơn khoảng 2,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi trung bình thế giới là khoảng 1,5 độ C.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gioi-han-chiu-nong-cua-con-nguoi-den-muc-nao-post1472850.html