Giới đầu tư bi quan trước việc Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất lên 6%

Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên 6% đang ngày càng trở nên thực tế hơn, buộc các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh của mình.

Lãi suất 6% đang ngày càng trở nên thực tế

BlackRock Inc. và Schroders Plc nằm trong số các bên đang cân nhắc về cuộc tranh luận liệu điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất của Mỹ đạt đỉnh 6%. Cho đến cuối tháng 2, các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu, tiền tệ vẫn đang kêu gọi đà tăng lãi suất sẽ sớm chấm dứt và đặt cược vào một đợt phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm.

Thay vào đó, buổi điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ vào hôm qua (7/3) đang thúc đẩy các dự đoán về một đợt tăng lãi suất lớn hơn trong tháng này. Các nhà giao dịch định giá lãi suất cao nhất có thể lên 5,6%, từ mức dưới 5% vào cuối năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/3, sau phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Các nhà giao dịch trái phiếu kho bạc đang tăng gấp đôi các dự đoán về suy thoái kinh tế, đồng đô la đã tăng trở lại trong khi thị trường chứng khoán từ chỉ số S&P 500 đến thước đo MSCI châu Á - Thái Bình Dương đang phải chịu áp lực sụt giảm.

Lạm phát Mỹ và những động thái của Fed vẫn là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư suốt từ đầu năm đến nay. Sau khi giảm đều đặn từ mùa hè năm ngoái, tháng trước chỉ số lạm phát lại đột ngột trở nên quá nóng. Một số chỉ số khác cũng vậy, làm dấy lên nỗi lo ngại lạm phát dai dẳng hơn dự báo và sẽ buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh hơn dự tính ban đầu.

Với thị trường việc làm tăng mạnh mẽ và lạm phát dai dẳng, “chúng tôi nhận thấy rằng khả năng Fed sẽ phải tăng lãi suất lên tới 6%, sau đó giữ ở mức đó trong một thời gian dài để làm chậm lại nền kinh tế và giảm lạm phát xuống mức gần 2%” - Rick Rieder - Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock, cho biết.

Thông điệp mới nhất của Fed tạo tiền đề cho ngân hàng trung ương quay trở lại mức tăng 50 điểm cơ bản, trái ngược hoàn toàn với lập trường mềm mỏng hơn được các ngân hàng trung ương ở Australia và Canada áp dụng. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc "hạ cánh cứng" đối với nền kinh tế Mỹ khi thị trường trái phiếu báo hiệu khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ngày càng tăng.

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo

Các nhà giao dịch hoán đổi hiện đang định giá Fed sẽ tăng lãi suất tổng cộng 100 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp tới.

“Hiện tại, tỷ lệ cuối cùng 6% không còn là câu hỏi nữa” - Kellie Wood - Phó Giám đốc bộ phận thu nhập cố định của Schroders Plc tại Australia, cho biết. “Thị trường có thể sẽ chứng kiến đà bán tháo trên diện rộng ở các thị trường Australia và châu Á ngay hôm nay”.

Tại Mỹ, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang cho thấy mức chiết khấu lớn hơn 1 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1981, khi đó Chủ tịch Fed là Paul Volcker đang đẩy mạnh các đợt tăng lãi suất để giải quyết lạm phát hai con số. Đường cong lợi suất đảo ngược trong nhiều thập kỷ đã dự đoán các cuộc suy thoái sau các chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ của Fed.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu ngày càng lớn kể từ những năm 1980.

Các loại tiền tệ hàng hóa đã giảm giá khi triển vọng suy thoái kinh tế của Mỹ tăng lên, với đồng Đô la Úc giảm 2% vào thứ ba. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot hiện đã leo lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 vào thứ tư sau khi đã tăng 1% vào ngày trước đó. Đồng Yên một lần nữa đóng cửa ở mức 140 so với đồng bạc xanh.

Mark Reade - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại Mizuho Securities Asia, cho biết: “Fed tăng lãi suất lên 6% có thể sẽ dẫn đến triển vọng đồng đô la mạnh hơn, nhưng tăng trưởng toàn cầu sẽ yếu hơn và cuối cùng là giảm giá trị tài sản rủi ro”.

“Trước phiên điều trần của Powell đêm qua, chúng tôi có kế hoạch giữ tỷ giá USD/JPY quanh mức 137 - 138, nhưng hiện phải suy nghĩ lại khi các dự báo cho thấy Fed phải tăng lãi suất lên tới 6%” - John Bromhead, chiến lược gia tiền tệ tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd nói.

Tương tự, các thị trường tín dụng toàn cầu cũng đang trở nên xấu đi trước việc Fed buộc phải điều chỉnh lại mức tăng lãi suất.

Các thị trường mới nổi có thể cũng bị ảnh hưởng

Những lời hoa mỹ của Fed có nguy cơ làm xấu đi triển vọng đối với các tài sản ở thị trường mới nổi, sau khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế khiêm tốn của Trung Quốc vào đầu tuần này đã làm tiêu tan hy vọng về việc nối lại đợt phục hồi mở cửa trở lại khiến thị trường toàn cầu sôi động hơn trước đó. Đồng Won của Hàn Quốc, một đại diện cho tâm lý rủi ro ở châu Á, đã giảm 1,8% vào thứ Tư.

“Tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đang trở thành kịch bản cơ sở và nếu kịch bản đó thành hiện thực, các thị trường mới nổi có thể bị ảnh hưởng” - Brendan McKenna - Chiến lược gia thị trường mới nổi tại Wells Fargo ở New York, cho biết. “Các thị trường đã thực sự hy vọng Fed sẽ chặn lại đà tăng lãi suất và cắt giảm lãi suất sớm hơn trong năm nay, nhưng cho đến nay kịch bản đó vẫn chưa thành hiện thực” - ông nói thêm.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lại nhìn thấy cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Sat Duhra - nhà quản lý quỹ tại Janus Henderson Investors, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng các thị trường Bắc Á có tính chu kỳ hơn và rẻ hơn sẽ được ưa chuộng hơn và việc xoay vòng khỏi Nam Á sẽ tiếp tục diễn ra”. Theo Sat Duhra, những cổ phiếu của các hãng công nghệ chất lượng cao hơn ở Bắc Á, đặc biệt là chất bán dẫn, đang bắt đầu có vẻ hấp dẫn hơn về định giá và là lĩnh vực nên tham gia đầy đủ vào bất kỳ sự phục hồi thu nhập nào./.

Hoàng Lê (theo Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gioi-dau-tu-bi-quan-truoc-viec-fed-co-kha-nang-se-tang-lai-suat-len-6-123088.html