Giới chuyên gia nhận định về cuộc tập trận của NATO ở Moldova

Cuộc tập trận kéo dài 19 ngày ở Moldova đang diễn ra trong thời kỳ căng thẳng về chính trị trong nước và khu vực.

Các binh sĩ Moldova và Na Uy trong cuộc tập trận Rapid Trident-2016 tại sân tập Yavorlsky, vùng Lvov. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik (Nga), cuộc tập trận Huấn luyện trao đổi kết hợp chung 2024 (JCET-2024) diễn ra từ ngày 1/4 với sự tham gia của hai tiểu đoàn lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Romania. Trong đó, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Romania đang nỗ lực kết nối với các đơn vị tinh nhuệ của Moldova như Fulger, Scorpion và Pantera.

Cuộc tập trận này được tiến hành không chỉ ở thủ đô Kishinev, mà còn ở nhiều khu vực đóng quân của quân đội Moldova trên khắp đất nước. Người dân đã được cảnh báo không nên lo lắng nếu nhìn thấy xe tăng, APC và các loại xe bọc thép hạng nặng khác trên đường.

Quân đội Moldova cho biết mục đích của cuộc tập trận là để trao đổi kinh nghiệm và tăng cường khả năng tác chiến giữa quân đội ba nước Moldova - Romania - Mỹ. Cuộc tập trận cũng nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng tác chiến và thực hành các nhiệm vụ cụ thể trên thực địa.

Ông Ivan Skorikov, người đứng đầu vụ Ukraine thuộc Viện Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Moskva, nhận thấy Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều phô trương sức mạnh trong cuộc tập trận này.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông nhắc lại cả Mỹ và Romania đều là thành viên của NATO. EU đã phê chuẩn trao cho Moldova tư cách ứng viên gia nhập khối từ tháng 6/2022.

Chuyên gia Vladimir Bruter tại Viện Nghiên cứu Chính trị và Nhân đạo Quốc tế cho rằng NATO đang muốn tất cả các quốc gia giữa liên minh này và Nga nằm dưới sự kiểm soát của khối. Và Moldova, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nằm cạnh khu vực xung đột ở Ukraine, là một trong số ít quốc gia này.

“Moldova ngày nay là một lãnh thổ bị kẹt giữa phương Tây và Ukraine, và phương Tây sẽ không để quốc gia này nằm trong vùng xám đó”, ông Bruter nói với Sputnik.

Theo ông, mục đích của các cuộc tập trận này là để hội nhập Moldova vào các thể thức phương Tây bởi theo truyền thống, Nga có vị thế khá quan trọng ở Moldova.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Tổng thống Moldova Maia Sandu tại cuộc họp báo ở Kiev, ngày 23/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Hiến pháp được thông qua vào những năm 1990, Moldova là một quốc gia trung lập không tham gia vào các khối quân sự. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020, khi Tổng thống Maia Sandu lên nắm quyền, nước này đã bắt đầu xích lại gần NATO và EU hơn.

Về mặt lãnh thổ, Moldova là một quốc gia Đông Âu nhỏ nằm giữa Ukraine và Romania.

Vị trí địa lý của Moldova đã khiến cho quốc gia này trở thành một “vùng xám”, với chiều rộng 100-150 km giữa biên giới phía tây và phía đông.

Theo quan điểm của ông Bruter, các chiến lược gia phương Tây sẽ không đặt nhiều căn cứ NATO tại Moldova như nước láng giềng Romania. Tuy nhiên, Mỹ và NATO sẽ có khả năng kiểm soát cơ sở hạ tầng của Moldova.

Ông Bruter nói rằng hiện tại phương Tây đang quan tâm đến các đối tượng chiến lược. Chẳng hạn tuyến đường sắt chạy qua Moldova được sử dụng để vận chuyển vật liệu quân sự đến Ukraine.

Tuy nhiên, Nga cảnh báo rằng Kishinev sẽ phải trả giá cho động thái chống Nga. Bà Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, nói: “Bất chấp tình trạng trung lập của Moldova, phương Tây vẫn lôi kéo Moldova vào cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng tôi đã cảnh báo quan chức Kishinev về hậu quả tai hại của những bước đi này”.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, những động thái “ngược chiều” của Moldova trong thời gian gần đây cũng đã bị nhiều người dân phản đối.

Trong khi đó, vào mùa thu năm nay, Moldova sẽ tổ chức bầu cử tổng thống, cuộc bầu cử mà nhiều người coi là cuộc trưng cầu dân ý về đường hướng xích lại gần phương Tây của quốc gia này.

Theo quan điểm của ông Bruter, phương Tây chắc chắn sẽ ủng hộ bà Sandu tiếp tục nắm quyền.

Ông Skorikov nhận định: “Bà Sandu có thể nhận được 30-40% phiếu bầu, chủ yếu là những người đặt hy vọng vào việc Moldova gia nhập EU. Nhưng những người muốn theo đường hướng thân Nga cũng không ít ở Moldova, thậm chí họ có thể chiếm đa số”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/gioi-chuyen-gia-nhan-dinh-ve-cuoc-tap-tran-cua-nato-o-moldova-20240403181001934.htm